Chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ: răn đe và phòng thủ

Ấn Độ coi năng lực của vũ khí hạt nhân là một phần không thể thiếu trong định hướng vươn tới trở thành một cường quốc trên thế giới.

Ấn Độ là một trong những cường quốc mới trên thế giới hiện nay. Nền kinh tế Ấn Độ đang đạt được những bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc, quân đội nước này là một trong những lực lượng đông đảo nhất trên Thế giới với hơn 1 triệu binh sỹ.

Ấn Độ đề cao năng lực của vũ khí hạt nhân là một phần không thể thiếu trên con đường trở thành một cường quốc của mình và vì thế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân cũng trở thành tâm điểm chính trong học thuyết phát triển, đối ngoại và an ninh của Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo Agni tham gia diễu hành (Ảnh Getty Images)

Tên lửa đạn đạo Agni tham gia diễu hành (Ảnh Getty Images)

Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Ấn Độ không tránh khỏi những tranh cãi, chỉ trích, thậm chí là cả những lệnh trừng phạt từ Quốc tế. Ấn Độ là quốc gia không tham gia ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và cũng không phải là một trong năm cường quốc được phép sở hữu vũ khí hạt nhân mà hiệp ước này công nhận.

Các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ diễn ra vào năm 1974 và 1998 đã kéo theo sự chỉ trích từ quốc tế, cùng với đó là hàng loạt các lệnh trừng phạt được đưa ra. Kể từ khi đó cho đến nay, các lệnh trừng phạt này hầu hết đã bị dỡ bỏ và Hoa Kỳ đã âm thầm chấp nhận việc Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân miễn là Ấn Độ không tiếp tục các vụ thử hạt nhân khác, mặc dù trên bình diện quốc tế Hoa Kỳ luôn tuyên bố không công nhận Ấn Độ là quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Chương trình hạt nhân Ấn Độ bắt đầu manh nha từ năm 1948, chỉ 1 năm sau khi họ giành được độc lập. Chính phủ Thủ tướng Nehru khi ấy xem năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng không mấy đắt đỏ đối với một quốc gia còn non trẻ. Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru đã từng nói: Đã từ rất lâu kể từ khi các quốc gia trên thế giới được hình thành, mỗi quốc giá sẽ tự đi tìm cho mình và sử dụng mọi phương cách để bảo vệ chính mình. Tôi chắc chắn Ấn Độ sẽ phát triển các nghiên cứu khoa học (hạt nhân) và tôi cũng hy vọng các nhà khoa học Ấn Độc sẽ sử dụng khoa học hạt nhân vào mục đích xây dựng và phát triển đất nước. Và nếu như Ấn Độ bị đe dọa, chắc chắn sẽ cố gắng tự vệ bằng mọi cách.

Tuy vậy, động lực chính để Ấn Độ tìm mọi cách để sở hữu vũ khí hạt nhân lại khởi nguồn từ Trung Quốc, quốc gia đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào năm 1964. Hai năm trước đó (1962), Trung Quốc đã tuyên bố dành được thắng lợi trong một cuộc xung đột biên giới xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng lại mang ý nghĩa quyết định tới quan hệ hai nước sau này. Khi đó, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ nhận thấy rằng nước này cần vũ khí hạt nhân để chống lại những ưu thế áp đảo về quân sự thông thường (vũ khí quy ước) từ Trung Quốc và bảo vệ lãnh thổ Ấn Độ (cũng như chiếm lại vùng đất của Ấn Độ bị Trung Quốc chiếm đóng từ xung đột này).

Tuy nhiên Ấn Độ và cả Trung Quốc đều có học thuyết không chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong bất cứ cuộc xung đột nào, vì vậy sẽ gần như không tồn tại khả năng diễn ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong các cuộc xung đột tranh chấp biên giới giữa hai quốc gia này. Điều này sẽ khiến cho nhiều người thắc mắc vậy tại sao Ấn Độ vẫn cần phải có vũ khí hạt nhân. Thực tế trong quan điểm của lãnh đạo Ấn Độ từ rất lâu, chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ không chỉ là phương tiện vũ trang phòng thủ, mà nó còn cho phép Ấn Độ có một vị thế ngang hàng với Trung Quốc. Lãnh đạo Ấn Độ cho rằng họ và Trung Quốc là những quốc gia được định sẵn là những cường quốc (hoặc chí ít là nước lớn có trách nhiệm đảm bảo về tình hình an ninh) của châu Á.

Từ năm 1944, các chương trình nghiên cứu về hạt nhân của Ấn Độ đã được bắt đầu tại Viện nghiên cứu cơ bản (IFR). Thậm chí là trước đó, các nhà khoa học Ấn Độ đã tiếp cận với một số tạp chí khoa học của phương Tây, kết quả là Ấn Độ đã đi trước về mặt lý thuyết vật lý nguyên tử nói chung và vũ khí hạt nhân nói riêng, thậm chí có những thời điểm được đánh giá là vượt qua cả các nước phương Tây.

Không những vậy, Ấn Độ còn sở hữu phong phú tài nguyên plutonium và uranium thì một nguyên tố hóa học độc đáo khác trong công tác nghiên cứu hạt nhân của Ấn Độ là thorium (Ấn Độ sở hữu tới 25% thorium của thế giới). Thorium thực chất không khả quan trong việc phát triển vũ khí nhưng việc sử dụng nguyên tố này trong các mục đích dân sự, sau khi phân hạch lại giải phóng thành uranium và plutonium phục vụ cho mục đích quân sự của Ấn Độ.

Sau những thất bại trong xung đột với Trung Quốc vào năm 1962, Ấn Độ khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu vũ khí nguyên tử và công việc được chính thức bắt đầu vào năm 1965 dưới thời tiến sỹ Homi Bhabha. Quá trình nghiên cứu và phát triển có những bước đột phá dưới thời thủ tướng Indira Gandhi. Năm 1974, Ấn Độ thử nghiệm vụ nổ plutonium đầu tiên của mình. Để tránh những chỉ trích và các biện pháp trừng phạt trước những cáo buộc phát triển vũ khí nguyên tử với Ấn Độ, nước này đã tuyên bố đây chỉ là một hoạt động khoa học phục vụ cho mục đích hòa bình. Tuy nhiên, các quan sát viên với giới chuyên gia đều thừa nhận rằng đây là một phần của chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.

Sau năm 1974, Ấn Độ vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân, thử nghiệm nhiều thiết kế và nguyên liệu khác nhau. Ấn Độ chính thức tuyên bố sở hữu vũ khí nguyên tử vào năm 1998, với việc liên tiếp thử nghiệm 5 vụ thử hạt nhân, trong đó một quả bom nhiệt hạch và bốn quả bom phân hạch. Một động thái được cho rằng đã đạt được sự đồng thuận cao bởi các nhà lãnh đạo Ấn Độ.

Vũ khí hạt nhân của Ấn Độ cũng là một công cụ răn đe đối với quốc gia láng giềng Pakistan, mặc dù Ấn Độ sở hữu vũ khí này trước Pakistan và việc phát triển vũ khí hạt nhân của Pakistan chỉ được coi như hành động đáp trả. Trong khi có nhiều chỉ trích được đưa ra nhằm vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Pakistan thì cũng có nhiều tranh luận xoay quanh chủ đề chương trình vũ khí hạt nhân Ấn Độ có hay không tổn hại tới an ninh và ổn định khu vực Nam Á. Pakistan đã khéo léo điều chỉnh chưởng trình vũ khí hạt nhân của mình theo các đặc điểm địa lý và chiến tranh khu vực Nam á, bằng cách tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật, điều mà có lẽ Ấn Độ không quan tâm nên chưa có được trong kho vũ khí của mình.

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế cho tới nay, Ấn Độ có khoảng hơn 110 đầu đạn hạt nhân, ít hơn một chút so với số lượng Pakistan đang sở hữu. Điều này được kiểm chứng thông qua số lượng plutonium dành cho sản xuất vũ khí mà nước này có được trước đó. Ấn Độ cũng là quốc gia thứ tư sở hữu đủ bộ vũ khí hạt nhân có thể tấn công từ trên bộ, trên không và trên biển. Ấn Độ đã và đang duy trì nhiều máy bay có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, trong đó có những chiến đấu cơ Su-30MKI, Mig-29 và Mirage 2000. Ấn Độ cũng có trong tay các tàu ngầm tấn công hạt nhân, tuy nhiên, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Ấn Độ lại có tầm bắn hạn chế. Vì vậy, để có thể tấn công được đối thủ thì buộc các tàu ngầm này của Ấn Độ phải di chuyển tới gần bờ biển của đối phương, và tất nhiên khi đó chúng sẽ đường đầu với nguy cơ bị phát hiệ nvà săn lùng nhiều hơn.

Kho vũ khí tên lửa của Ấn Độ là rất lớn và đa dạng chủng loại, họ sẽ sớm được bổ sung một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ấn Độ đã 3 lần thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới Agni-V, có tầm bắn tới 5.000 km. Đồng thời, Ấn Độ cũng đang phát triển Agni-VI có tầm bắn lên tới 10.000 km.

Trong tương lai, Ấn Độ chắn chắn sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Công việc này sẽ không nhanh như Pakistan vì mục đích của Ấn Độ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong việc răn đe và đáp trả thụ động khi chiến tranh hạt nhân xảy ra với nước này. Ngược hẳn hoàn toàn so với ý định của Pakistan trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường và các cuộc tấn công chiến thuật. Các cơ sở hạt nhân của Ấn Độ cũng cho phép nước này chế tạo nhiều loại vũ khí hạt nhân khác nhau trong thời gian ngắn hơn khi cần thiết.

Trên thực tế, Ấn Độ cũng ít chịu phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân vì trong mâu thuẫn với Pakistan, Ấn Độ cần cải thiện năng lực quân sự thông thường (vũ khí quy ước) bởi các cuộc xung đột giữa 2 nước sẽ chỉ xoay quanh khu vực tranh chấp Kashmir trên dãy Himalaya. Bên cạnh đó, mục tiêu của Ấn Độ là cần tập trung phát triển kinh tế và các mối đe dọa về an ninh với Ấn Độ là rất thấp.

Một vấn đề Ấn Độ cần giải quyết trong tương lai là làm thế nào để sử dụng khả năng răn đe hạt nhân của nước này trở nên hữu dụng. Việc Pakistan cũng có vũ khí hạt nhân sẽ khiến cho Ấn Độ khó lòng sử dụng loại vũ khí này tấn công các phần tử khủng bố có cơ sở tại Pakistan và chắn chắc vũ khí hạt nhân không còn là sự lựa chọn khôn ngoan.

Không một nhà lãnh đạo nào của Ấn Độ muốn khơi mào cho một cuộc chiến tranh hạt nhân dù dưới bất cứ quy mô nào tại Nam Á, nhưng cũng không một nhà lãnh đạo nào cho phép Pakistan đe dọa tới an ninh quốc gia đông thứ nhì thế giới.

Rõ ràng rằng Ấn Độ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại Pakistan cũng phải giã từ vũ khí hạt nhân. Tìm ra một kế hoạch chiến lược để có thể dung hòa và xử lý các vấn đề nan giải này là một nhiệm vụ quan trọng của Ấn Độ trong việc giải quyết các xung đột và giữ gìn an ninh cho toàn khu vực Nam Á./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chuong-trinh-vu-khi-hat-nhan-cua-an-do-ran-de-va-phong-thu-891236.vov