Chương trình Toán - Tiếng Anh ISMART: Nhiều lỗi, kém hiệu quả

Muốn dạy Toán bằng tiếng Anh nhưng thực chất lại dạy tiếng Anh thông qua thuật ngữ Toán. Học sinh tiểu học có cần học chuyên sâu những thuật ngữ toán học bằng tiếng Anh hay không?

Dạy Toán hay dạy tiếng Anh?

Chương trình trình liên kết “Tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học của Công ty Cổ phần Giáo dục ISMART” được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giới thiệu với hệ thống các trường tiểu học nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh thông qua việc học Toán và các môn khoa học.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào giảng dạy, chương trình này đã bộc lộ rất nhiều “lỗi” cơ bản từ giáo trình đến nghiệp vụ sư phạm, cách tổ chức vận hành…

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con đang theo học các chương trình liên kết “tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học của Công ty Cổ phần giáo dục ISMART”, khi tìm hiểu về tính hiệu quả của chương trình, chúng tôi thấy có khá nhiều điều bất cập trong cách mà công ty ISMART đang triển khai chương trình tại các trường trên địa bàn các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (TP. HCM) cũng như nhiều tỉnh thành khác.

Cụ thể, cùng giảng dạy trên một khung chương trình nhưng cách triển khai tại Hà Nội và TP. HCM lại không có sự thống nhất về giáo viên giảng dạy.

Tại Hà Nội 100% giáo viên ISMART là người Việt, tuy nhiên cách triển khai tại TP.HCM sử dụng cả giáo viên nước ngoài.

Được biết khá nhiều giáo viên người nước ngoài trong số này đều không có bằng cấp đúng chuyên ngành để giảng dạy chương trình tiếng Anh thông qua bộ môn Toán và Khoa học.

Giảng viên tiếng Anh người nước ngoài có được kiểm tra trình độ nghiệp vụ sư phạm Toán và Khoa học?

Thử hỏi một giáo viên không được đào tạo đúng chuyên môn sẽ dạy ra sao khi hàm lượng kiến thức Toán và Khoa học trong các bài giảng từ lớp 4 trở lên là rất lớn? Học sinh sẽ tiếp nhận được các kiến thức gì về Toán và Khoa học bằng tiếng Anh từ các giáo viên có thể còn chưa nắm vững kiến thức?

Năm 2017, Trường Tiểu học Chu Văn An huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã thử nghiệm đưa chương trình học Toán - Tiếng Anh của ISMART vào giảng dạy nhưng mối liên kết này chỉ được một thời gian ngắn vì nội dung của chương trình không đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Vũ Thanh Tiến, Hiệu trưởng trường Chu Văn An cho biết: “Nhà trường yêu cầu dậy Toán bằng tiếng Anh nhưng chương trình ISMART chỉ cung cấp các thuật ngữ Toán học, dạng từ mới cho học sinh chứ không đáp ứng đúng nhu cầu của nhà trường. Vì vậy, từ đầu năm 2018 trường Chu Văn An đã chấm dứt hợp đồng liên kết với chwơng trình này”.

Tương tự, hàng loạt trường thuộc các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Tây Hồ… cũng đã dừng giảng dạy chương trình dạy Toán - Tiếng Anh ISMART. Nhưng kì lạ là chương trình này vẫn có “đất sống” ở một số trường thuộc quận Long Biên.

Bài giảng số, lỗi số hóa

Phân tích bài giảng của chương trình ISMART nhiều giáo viên Toán học khẳng định chương trình đưa ra những thuật ngữ Toán học bằng tiếng Anh và giải thích bằng tiếng Anh nhưng không chuẩn. Một số bài giảng số trình chiếu trên màn hình cho học sinh còn gặp lỗi “Robot che mất bài giảng”.

Nhiều lỗi bài giảng số cho thấy chất lượng giáo trình rất kém.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, chất lượng bài giảng kém như thế vậy tại sao Sở GD - Đào tạo Hà Nội lại “giới thiệu” chương trình này cho các trường triển khai?

Theo quy định, nội dung các chương trình dạy bổ trợ, liên kết khi đưa vào nhà trường đều phải được thẩm định và kiểm duyệt kỹ lưỡng bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ghi nhận tại nhiều trường đang triển khai chương trình ISMART, chúng tôi nhận thấy ISMART đang triển khai hệ thống được gọi là “bài giảng số”.

Đây là hệ thống bài giảng do Công ty Cổ phần giáo dục ISMART biên soạn tuy nhiên tính pháp lý và nội dung của hệ thống bài giảng số này đang có những vấn đề cần phải được làm rõ.

Hiện các nhà xuất bản lớn trên thế giới đã xây dựng các ngân hàng dữ liệu sách giáo khoa điện tử và bán bản quyền khai thác. Các doanh nghiệp có thể tùy ý mua bản quyền nhưng khi sử dụng những chương trình sách giáo khoa điện tử này vẫn phải lựa chọn được các nội dung phù hợp với chương trình giáo dục riêng của mỗi nước.

Các nội dung này cần phải được thẩm định, cấp phép để tránh đưa vào nội dung bài giảng các vấn đề nhạy cảm liên quan đến các yếu tố chính trị, văn hóa, chủ quyền quốc gia, dân tộc… Không rõ chương trình học tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học sử dụng bài giảng số của ISMART đã được cơ quan quản lý nào thẩm định, cấp phép hay chưa?

Kiên Cường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuong-trinh-toan-tieng-anh-ismart-nhieu-loi-kem-hieu-qua-post245974.html