Chương trình Thương hiệu quốc gia 2020 sẽ có nhiều điểm mới

Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Báo TG&VN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về những điểm mới của chương trình năm nay và những hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp đạt THQG.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Trải qua gần 17 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vậy xin Thứ trưởng cho biết kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG lần thứ 7 có những điểm mới gì so với các kỳ trước?

Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 7 và Lễ Công bố các Doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG (dự kiến vào cuối tháng 11/2020).

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn một cách công bằng, công khai, minh bạch, ngày 29/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020, tăng 27 doanh nghiệp so với kỳ xét chọn năm 2018.

So với 6 kỳ xét chọn trước đó, kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam lần thứ 7 có những điểm mới rất đáng chú ý.

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát, kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 vẫn thu hút được sự quan tâm tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước.

Các hồ sơ đăng ký xét chọn được đánh giá, thẩm định theo các tiêu chí của Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Thông tư 33/2019/TT-BCT quy định hệ thống tiêu chí của chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thang điểm đánh giá là 1.000. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí (Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong) đạt từ 60% trở lên trên tổng điểm mỗi tiêu chí.

Một trong những điểm sáng trong việc xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam là chương trình năm nay đã thu hút được một số thương hiệu có tiếng trên thị trường lần đầu đăng ký tham gia Chương trình như: VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan… Không những vậy, một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam – Gelex, Tập đoàn BRG.

Những doanh nghiệp này đã góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm, dịch vụ đạt THQG với những ngành nghề dịch vụ mới như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tuy có thương hiệu mạnh trên thị trường nhưng chưa được công nhận đạt THQG năm nay do không đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình. Điều đó đã chứng minh sức hút cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho Chương trình là rất lớn.

Vậy Bộ Công Thương dự kiến sẽ có những hoạt động gì trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước?

Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, việc ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 và Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng hơn liên quan đến cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG.

Trong đó có 3 nội dung chính sẽ được tập trung hỗ trợ. Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, trong đó có hoạt động tuyên truyền quảng bá, đào tạo tập huấn.

Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp để các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của chương trình THQG và trở thành các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.

Thứ ba, tuyên truyền quảng bá cho chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước.

Các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, tổng hợp nhu cầu của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để đề xuất, xây dựng và phối hợp thực hiện các đề án theo nội dung của Chương trình. Như vậy, việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá THQG sẽ có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện của các Bộ, ngành, của cả cộng đồng xã hội.

Các chuyên đề về Thương hiệu quốc gia sẽ tập trung vào thương hiệu ngành, Quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường, Quảng bá hàng hóa, dịch vụ gắn với văn hóa, du lịch...

Thông qua việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu đến người tiêu dùng trong nước trên truyền hình và các phương tiện truyền thông như vậy sẽ tôn vinh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt THQG, khích lệ và hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG khẳng định mình, tăng niềm tin trong cộng đồng và phát triển kinh doanh một cách thiết thực đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, đạt Thương hiệu quốc gia tại thị trường trong nước.

Còn đối với thị trường nước ngoài thì sao, thưa ông?

Đối với các hoạt động quảng bá tại thị trường nước ngoài, do dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, và tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, các biện pháp hỗ trợ cụ thể được áp dụng linh hoạt, phù hợp như:

Phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao ở nước ngoài;

Thực hiện các hoạt động tư vấn gián tiếp và trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng được hệ thống tiêu chí của Chương trình;

Phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh.

Như vậy, việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá Thương hiệu quốc gia sẽ có sự chung tay, phối hợp cùng thực hiện của các Bộ, ngành và cả cộng đồng xã hội.

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuong-trinh-thuong-hieu-quoc-gia-2020-se-co-nhieu-diem-moi-126917.html