Chương trình theo dõi toàn dân của Trung Quốc

Từ ứng dụng di động đến hệ thống chấm điểm đạo đức công cộng, quốc gia đông dân nhất thế giới đang khai thác công nghệ để theo dõi công dân đến mức tối đa.

Công an Trung Quốc được trang bị kính thông minh khi làm việc - Ảnh: Reuters

Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, bêu danh kẻ vi phạm tội vặt, tóm tội phạm trong đám đông và xác nhận danh tính của hành khách tại sân bay. Tuy nhiên, tham vọng theo dõi người dân không dừng lại ở đó. Trong khi dân số đã vượt 1,4 tỉ người, chính quyền Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch thiết lập một hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể xác định danh tính của một người trong vòng 3 giây với độ chính xác lên đến 90%, theo BBC. Để làm được điều này, giới hữu trách bằng mọi cách tận dụng công nghệ theo dõi ở mức chưa từng có.

Hơn 30 cơ quan chính phủ và quân đội đang triển khai các thiết bị bay không người lái có hình dạng chim chóc nhằm theo dõi người dân tại ít nhất 5 tỉnh miền tây Trung Quốc, giáp ranh với Nga, Mông Cổ và Pakistan, theo tờ South China Morning Post. Khi bay trên bầu trời, chúng thu thập thông tin cần thiết trong quá trình di chuyển nhờ vào máy quay tích hợp bên trong robot, cũng như được trang bị năng lực định vị và kết nối liên lạc về căn cứ. Chưa rõ số lượng robot dạng này đang được triển khai, nhưng tờ The New York Times hồi tháng 7 đã tiết lộ Trung Quốc có khoảng 200 triệu máy quay theo dõi trên toàn quốc.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được tận dụng triệt để mọi lúc mọi nơi. Một cửa hàng KFC ở Hàng Châu đã đi tiên phong khi lắp đặt màn hình cho phép đặt món và “cười để trả tiền”. Thực khách có thể thanh toán bằng cách quét khuôn mặt và trả tiền từ ví điện tử, theo Reuters. Một trường học ở thành phố này hồi tháng 5 công khai thông tin lắp máy quay để phân tích nét mặt của học sinh trong lớp nhằm xác định xem các em có tập trung hay không. Thậm chí không ít nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để… giới hạn giấy phân phát cho mỗi người nhằm tránh lãng phí.

Công nghệ này cũng được triển khai ở các chốt hải quan. Sân bay quốc tế mới của Bắc Kinh, dự kiến khai trương vào năm sau, sẽ tích hợp công nghệ theo dõi an ninh xuyên suốt, từ khâu kiểm tra hải quan đến xác định vị trí hành lý của hành khách nhằm tránh thất lạc và mất cắp. Bên cạnh đó, lực lượng an ninh Trung Quốc dùng hệ thống nhận dạng khuôn mặt và trí thông minh nhân tạo (AI) để điều phối luồng, công khai hình ảnh người vi phạm luật giao thông, cũng như truy bắt tội phạm. Theo Tân Hoa xã, nhờ công nghệ này, Trung Quốc đã bắt được 3 tội phạm bị truy nã, trong đó có một kẻ bị phát hiện trong đám đông khoảng 60.000 người.

Hiện nay, ứng dụng di động cũng trở thành công cụ lợi hại của giới hữu trách Trung Quốc. WeChat là ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất được cài trên hầu hết điện thoại thông minh ở Trung Quốc. Không giống như WhatsApp hay Telegram, ứng dụng này có “cổng sau”, cho phép bên thứ ba có thể xem tin nhắn hoặc dữ liệu của tài khoản cụ thể. Hồi tháng 4, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo trên mạng xã hội về việc khôi phục nội dung đối thoại trên WeChat của một cá nhân, dẫn đến thẩm vấn một số nghi phạm khác. Tòa án ở tỉnh Quảng Đông gần đây cho phép sử dụng các thông tin trao đổi trên WeChat và QQ làm bằng chứng trước tòa.

Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc cũng tìm cách quản lý người dân thông qua hệ thống chấm điểm uy tín xã hội. Dự kiến được triển khai trên toàn quốc vào năm 2020, hệ thống này tính điểm đạo đức của người dân dựa trên các vi phạm của họ nơi công cộng. Những người mắc các lỗi như hành xử quá khích trên chuyến bay, hút thuốc trên tàu, trốn thuế, không nộp phạt sẽ bị cấm mua vé xe lửa, máy bay trong vòng một năm.

Thụy Miên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/chuong-trinh-theo-doi-toan-dan-cua-trung-quoc-991031.html