Chương trình Sữa học đường: Vì tầm vóc trẻ em Việt Nam

Chương trình Sữa học đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, từ đó góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, đang được Hà Nội khẩn trương triển khai trong tháng 10 này.

Chương trình đặt ra 7 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2020 chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi tăng 1,5-2 cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010.

Tại Hà Nội, chương trình đã trải qua các bước như tham khảo các mô hình, khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh, các cơ sở giáo dục, các sở ngành liên quan... Theo kế hoạch trong tháng 10 này Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường cho 1,3 triệu học sinh.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, trước hết cần khẳng định Chương trình Sữa học đường có mục tiêu chính là nâng cao tầm vóc của trẻ em. Đây là một đề án nhân văn, được chuẩn bị kỹ sau nhiều năm nghiên cứu mô hình tại nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan. Trong vài năm gần đây nhiều tỉnh, thành phố đã làm và đạt kết quả rất tốt. Điều nhân văn của chương trình này là đến giờ các em cùng uống sữa, trong một lớp học.

Ông Trung cho rằng, căn bản nhất phải đi đúng định hướng của chương trình là cải thiện dinh dưỡng, phát triển tầm vóc cho trẻ em. Do đó, việc tổ chức đấu thầu phải công khai, minh bạch để có nhãn hiệu sữa cung cấp cho hơn 1,3 triệu học sinh tại Thủ đô bảo đảm chất lượng, an toàn và giám sát trách nhiệm của đơn vị cung ứng sữa.

Theo ông Trung, chương trình tốt, nhưng khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Để giảm áp lực công việc cho thầy cô giáo, việc quản lý trẻ uống hết khẩu phần sữa nên giao cho hội cha mẹ học sinh đảm nhiệm. Đối với các doanh nghiệp, không chỉ hỗ trợ riêng giá sữa, mà còn phải hỗ trợ về kho bảo quản, vận chuyển, xử lý bao bì… Tất cả những vấn đề này, Hà Nội đã yêu cầu rõ trong hồ sơ mời thầu.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa 13) chia sẻ, để chương trình diễn ra đúng ý nghĩa ban đầu, rất cần minh bạch, công khai tất cả vấn đề liên quan đến đấu thầu, triển khai. Việc công khai danh tính của các đơn vị đấu thầu là rất quan trọng, tránh lợi ích cục bộ. Thực tế hiện nay, các đại lý sữa đã được chiết khấu 20-25% trên giá sữa niêm yết, do đó đơn vị cấp sữa hỗ trợ như thế nào cũng phải công khai để người dân giám sát.

Về đấu thầu sữa, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, đã có 11 doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Theo quy định thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 1/10, nhưng đã được kéo dài đến 10/10. Hồ sơ mời thầu công khai, minh bạch, theo Luật Đấu thầu. Tiêu chí hồ sơ mời thầu đưa ra là phải lựa chọn đơn vị cung cấp sữa chất lượng, có năng lực đáp ứng được quy mô của Thành phố.

Để tạo sự yên tâm cho phụ huynh, ở Chương trình Sữa học đường, học sinh sẽ uống sữa tại trường, có cơ chế để bảo đảm việc học sinh uống sữa đầy đủ. Phụ huynh có thể đến trường để kiểm soát con uống hết hay không; có thể lấy hộp sữa đi kiểm tra các thành phần trên vỏ hộp. Nhà cung cấp phải bảo đảm các thành phần đúng quy định và cơ quan chức năng sẽ phải kiểm soát.

Chương trình Sữa học đường được HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018. Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua uống sữa hằng ngày.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, có 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học được uống sữa theo đề án; đáp ứng 95% nhu cầu năng lượng, 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D, 40% tỷ lệ protein động vật/protein tổng số khẩu phần ăn của trẻ...

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/chuong-trinh-sua-hoc-duong-vi-tam-voc-tre-em-viet-nam/348426.vgp