Chương trình Sữa học đường: Nên chọn sữa nào?

Ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép các loại sữa dạng lỏng khác ngoài sữa tươi được tham gia chương trình Sữa học đường 'để tạo sân chơi công bằng', ngày 12.10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các loại sữa tham gia chương trình Sữa học đường.

Tạo sân chơi công bằng

Tại hội nghị chuyên đề về sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường do Hiệp hội Sữa Việt Nam vừa tổ chức, GS-TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, việc ban hành tiêu chuẩn duy nhất cho sữa tươi sẽ dẫn đến việc hạn chế sự lựa chọn các loại sản phẩm sữa khác (sữa chua, phô mai, sữa đậu nành).

Trong khi đó, lượng sữa tươi thu hoạch từ đàn bò trong nước mới đáp ứng được 34% tiêu thụ bình quân/đầu người cả nước (9,2/26kg).

Cho trẻ em dùng sữa đều đặn để bổ sung canxi và các chất dinh dưỡng (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8.6.2016 nêu mục tiêu đến năm 2020, 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các huyện nghèo, 70% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các vùng nông thôn, thành thị được uống sữa theo chương trình SHĐ.

“Việc đưa ra tiêu chuẩn sữa tươi đặt nặng vấn đề bổ sung vi chất sẽ hạn chế các nhà máy, trang trại tại một số địa phương không thể cung cấp được cho các trường học trong khu vực. Đồng thời, việc tạo ra hai dòng sản phẩm sữa với hai tiêu chuẩn khác nhau là không cần thiết” - ông Trung nói.

Ông Trung cũng đề nghị: “Chỉ nên xây dựng một tiêu chuẩn chung về mặt dinh dưỡng dành cho lứa tuổi này (không phân biệt loại sữa) để đảm bảo một sân chơi công bằng và lành mạnh cho mọi doanh nghiệp”.

Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng kiến nghị 2 phương án để xây dựng dự thảo tiêu chuẩn SHĐ: Một là, các sản phẩm sữa dạng lỏng trong danh mục sữa dạng lỏng theo QCVN 5-1:2010/BYT, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm sẽ đủ điều kiện tham gia chương trình SHĐ.

Hai là, nếu bổ sung vi chất vào các sản phẩm sữa dạng lỏng chỉ nên đưa vào tiêu chuẩn khuyến khích và chỉ khuyến khích bổ sung 3 loại (sắt, canxi, vitamin D) theo danh mục Chính phủ đã phê duyệt.

Đáp ứng đủ chương trình sữa học đường

Tuy nhiên, TS Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) lại không đồng tình với quan điểm của đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam. Ông Chinh khẳng định, sản lượng sữa nguyên liệu từ đàn bò trong nước hoàn toàn cung cấp đủ cho chương trình Sữa học đường (SHĐ) mà không cần phải bổ sung các loại sữa dạng lỏng khác.

“Năm 2018, dự kiến sản lượng sữa nguyên liệu đạt trên 960.000 tấn, chỉ tiêu đến năm 2020 là 1 triệu tấn trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 là hoàn toàn có thể đạt được. Với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày, nhân với 260 ngày đến lớp, nhân với khoảng 11 triệu học sinh (từ mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình SHĐ khoảng 514.000 tấn, tương đương 22.000 tỷ đồng.

“Trong khi đó, sản lượng sữa năm 2018 của cả nước đã đạt khoảng 960.000 tấn, vì vậy, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho chương trình SHĐ tại các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được” - ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, khi chưa có văn bản nào thay thế, bổ sung thì hãy tuân thủ theo Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt chương trình SHĐ), sử dụng sữa tươi, có thể áp dụng sữa thanh trùng, tiệt trùng tùy điều kiện từng trường, từng địa phương. Có thể cho trẻ em tiếp xúc với các sản phẩm khác từ sữa như phô mai, sữa chua...

Nên chọn sữa nào?

Năm 2017, Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:1-2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng và đã gọi đúng tên các sản phẩm sữa. Trong đó chia ra sản phẩm sữa tươi gồm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi và sữa tươi tách béo. Nhóm sữa có tên gọi là sữa tiệt trùng (không phải sữa tươi) cũng được gọi đúng tên là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) và sữa hỗn hợp (cơ bản từ sữa bột pha với sữa tươi). Quy định này của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Nếu chiếu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:1-2017/BYT, sữa dạng lỏng mà Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung vào chương trình SHĐ là sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Ngày 12.10, sau khi xét báo cáo và đề nghị của Bộ Y tế tại Công văn số 5454/BYT-ATTP về đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào chương trình SHĐ, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng, nếu nguồn cung trong nước bảo đảm, nên chọn sữa tươi cho chương trình SHĐ vì sữa tươi đã bảo đảm cân bằng về dinh dưỡng.

Đồng quan điểm, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH – người tham gia soạn thảo chương trình SHĐ cũng cho rằng nên dùng sữa tươi vì trong sữa tươi đã hoàn thiện về dinh dưỡng. Nếu dùng sữa dạng lỏng (sữa bột pha lại) thì vi chất sẽ bị hao hụt, dù có bổ sung cũng không thể đủ dinh dưỡng tự nhiên như sữa tươi.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/chuong-trinh-sua-hoc-duong-nen-chon-sua-nao-926735.html