Chương trình, SGK mới: Tôn trọng năng lực mỗi trò

Triển khai Chương trình GDPT mới, đặc biệt là ở bộ môn Tiếng Việt lớp 1, các giáo viên cho rằng cần sự linh hoạt, không nóng vội. Mỗi giáo viên cần thực hiện quyền chủ động để bảo đảm kiến thức nhưng không gây áp lực cho trò…

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, TPHCM trong giờ học. Ảnh: P. Nga

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3, TPHCM trong giờ học. Ảnh: P. Nga

Dạy theo mức độ tiếp nhận của trò

Theo chia sẻ của một giáo viên dạy lớp 1 (Quận 9, TPHCM), tùy vào từng bài học giáo viên linh hoạt điều chỉnh phù hợp với mức độ tiếp nhận của học sinh. Theo đó, giáo viên có thể sử dụng các dụng cụ trực quan sinh động giờ học thoải mái cũng như giúp các em nhớ bài học dễ dàng. Ví dụ, môn Tiếng Việt học vần “ia” có thể mang cây mía; vần “au” có thể mang rau xanh vào để học sinh vừa học vừa có thể nhận biết.

Chương trình mới vẫn học 29 chữ cái và vần như chương trình cũ, nhưng định hướng đã khác là phát triển phẩm chất, năng lực. Chính vì vậy, phương pháp giảng dạy cũng phải linh hoạt để phù hợp. Giáo viên có thể lựa chọn những ngữ liệu dạy học phù hợp, chứ không phải lệ thuộc hoàn toàn vào SGK. Với chương trình mới, những ví dụ, bài học rất thực tiễn, gần gũi với học sinh, giúp các em dễ nhớ, tiếp nhận.

Thầy Tất Quốc Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Quận 4, TPHCM chia sẻ: Năm học này, trường có 4 lớp 1 với sĩ số 35 em/lớp, toàn trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Với đội ngũ giáo viên bộ môn đầy đủ, đáp ứng việc dạy học cho học sinh là những thuận lợi để trường triển khai thực hiện chương trình mới.

Học sinh lớp 1 năm nay đa phần không đến trường trong chương trình học kỳ II ở lớp 5 tuổi, không có điều kiện để làm quen với mặt chữ do nghỉ phòng dịch Covid-19. Mặt khác, mọi năm tựu trường sớm, giáo viên có 2 tuần đầu để giúp các em làm quen môi trường, rèn nét nhưng năm nay vào năm học là bắt đầu chương trình mới nên thầy cô có những khó khăn. Chính vì vậy, trong những ngày đầu thực hiện dạy học SGK mới, trường tổ chức họp tổ chuyên môn để trao đổi, tăng cường dự giờ. Từ đó “gỡ khó” những vấn đề GV gặp phải trong quá trình giảng dạy. Căn cứ vào khả năng của học sinh (em gặp khó trong phát âm, em tập viết khó…), thầy cô sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Theo thầy Thắng, sau 1 tháng dạy học lớp 1, phụ huynh của trường luôn đồng hành, hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động. Ví dụ tiết học giới thiệu về gia đình, cha mẹ đã chụp ảnh đời thường để giáo viên có thể phục vụ cho việc học tập trên lớp khi nhắc đến từng gia đình của mỗi học sinh. Hiện giáo viên của nhà trường đã ổn định việc dạy và học theo chương trình mới…

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, phụ huynh đừng quá sốt ruột vì nhà trường, giáo viên sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng trẻ. Ông Hiếu cho rằng, thời gian đầu trẻ sẽ gặp khó khăn trong luyện chữ viết và phát âm nhưng hết học kỳ I, các em sẽ theo được chương trình.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học An Nghiệp, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt. Ảnh: Q. Ngữ

Giáo viên không ngừng đổi mới

Năm học này, học sinh lớp 1 có thêm Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội tăng tiết. Vì vậy, việc sắp xếp thời gian các tiết học, thời khóa biểu phù hợp rất quan trọng, nhất là với học sinh chỉ được học 1 buổi.

Ngoài việc được tập huấn kỹ, trao đổi tổ chuyên môn, dự giờ… bản thân thầy cô phải kết nối với nhiều đồng nghiệp trong cả nước đang giảng dạy lớp 1 của bộ sách mà nhà trường chọn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp với bài giảng.

Cô Lâm Thị Thanh Nguyên, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học An Nghiệp (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: “Bộ môn Tiếng Việt trong chương trình mới vừa sức và không gây áp lực cho học sinh. Chương trình theo từng bước rõ ràng, từ nhận biết, khám phá, thực hành và vận dụng. Khi học môn Tiếng Việt, học sinh quan sát nội dung tranh, ảnh chứa các âm vần để nhận biết và học. Với phương pháp này, các em nhận thức được vần và cách viết”.

Tại các trường tiểu học ở TP Cần Thơ, ngoài việc học môn tự chọn Tiếng Anh, Âm nhạc… vào buổi chiều, thời gian còn lại hầu như là ôn tập, rèn luyện cho học sinh. Các em lớp 1 được thầy cô giáo ôn bài và rèn luyện 3 tiết cho môn Toán và Tiếng Việt. Giáo viên cũng chủ động củng cố, rèn luyện, đồng thời tạo cảm giác thoải mái cho học sinh khi triển khai chương trình mới 2 buổi/ngày…

Chia sẻ về Chương trình, SGK mới, cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết: Nhà trường xác định đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của việc triển khai Chương trình, SGK mới. Để thực hiện mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống” theo yêu cầu SGK mới, mỗi giáo viên phải không ngừng đổi mới. Ban giám hiệu cùng với giáo viên tổ chức các tiết dạy thực nghiệm để làm quen, rút kinh nghiệm…

“Giáo viên tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình. Thầy cô thực hiện đánh giá thường xuyên với tất cả học sinh bằng hình thức khác nhau như đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập...”, cô Tươi thông tin.

Ngày 5/10, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản chỉ đạo các trường tăng cường thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học. Trong đó yêu cầu, môn Tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học, giáo viên có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng... Sở cũng lưu ý không giao bài tập về nhà với học sinh học 2 buổi/ngày ở trường, không sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những em học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lý cho phụ huynh, học sinh...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuong-trinh-sgk-moi-ton-trong-nang-luc-moi-tro-0Kr0pHcMR.html