Chương trình Sách hóa nông thôn lên lịch Xuân 2017

Lịch khuyến đọc là một trong những bộ lịch gây chú ý tại triển lãm "Lịch xuân 2017- Những sắc màu sáng tạo" tại đường sách TP.HCM.

Sách hóa nông thôn là phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam được anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng. Anh đã tạo nên "cuộc cách mạng thư viện” ở nông thôn, giúp trẻ em có cơ hội nghe và đọc sách. Đến tháng 7/2016, Nguyễn Quang Thạch đã xây dựng được trên 10.000 tủ sách với các loại tủ sách như Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh (đặt trong lớp học), Tủ sách lớp học, Tủ sách hậu phương chiến sĩ, Tủ sách giáo xứ.

Đầu tháng 9, chương trình Sách hóa nông thôn đã trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam nhận giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.

Anh Nguyễn Quang Thạch và bộ lịch Xuân khuyến đọc tại đường sách. Ảnh: Trần Triều.

Với mong muốn đưa dự án đến gần hơn với người dân, anh Nguyễn Quang Thạch đã kết hợp với lịch Phương Nam thực hiện bộ Lịch khuyến đọc. Đó là những bức tranh màu nước trong trẻo, tươi vui, mô tả thế giới tuổi thơ với câu chuyện ngọt ngào bên trang sách. Từ hình ảnh mẹ đọc sách cho con, bà ru cháu với quyển sách trên tay tới hình ảnh bọn trẻ chơi đùa cùng sách trên bãi cỏ, ụ rơm, con trâu, cánh diều…

Theo đó, mỗi bộ lịch được bán ra sẽ được trích lại 30% số tiền (so với giá bán) góp vào quỹ Sách hóa nông thôn.

Nói về chương trình Sách hóa nông thôn lên lịch, anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ: “Tôi rất vui vì dự án Lịch khuyến đọc giúp gây quỹ để trẻ em nông thôn có thêm nhiều sách. Đồng thời hình ảnh mang tính khuyến đọc trên mỗi trang lịch gợi cảm hứng để phụ huynh và trẻ em quan tâm đến chuyện đọc sách hơn”.

Đấu giá lịch tranh Đông Hồ để ủng hộ quỹ Sách hóa nông thôn của Lịch Phương Nam. Ảnh: Trần Triều.

Bộ Lịch khuyến đọc được trưng bày tại triển lãm Lịch Xuân 2017- Những sắc màu sáng tạo ngay lòng đường sách TP.HCM từ ngày 1-10/10.

Bích Hằng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuong-trinh-sach-hoa-nong-thon-len-lich-xuan-2017-post686371.html