Chương trình rap cho trẻ em: Đồng tiền làm mờ đạo đức?

Rap là thể loại nhạc sử dụng ngôn từ gai góc, không phù hợp trẻ em nhưng nhiều bố mẹ chiều theo ý thích của con mà vẫn cho tham gia.

Ngày 24/11/2020, trước những ý kiến dư luận phản đối chương trình Rap Kids không phù hợp với trẻ từ 5 - 15 tuổi nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình tổ chức và nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh cho con em tham gia, ĐBQH Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã lên tiếng kịch liệt phản đối.

Theo ông Nhân, những chương trình gameshow trên sóng truyền hình có đối tượng tham gia là trẻ em trong thời gian qua cho thấy nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi phát triển của trẻ nhỏ nhưng vẫn được các doanh nghiệp tổ chức để chuộc lợi là điều trái với đạo đức kinh doanh, ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ sau này.

Ông Nhân cho biết, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 5/2020, ông đã từng lên tiếng phản ứng về những gameshow giành cho trẻ em thực chất đó là hành vi xâm hại trẻ em nhưng lại đang được diễn ra công khai trên truyền hình, thậm chí còn được cổ súy vì được khoác lên mình bỏ bọc văn hóa, tìm kiếm tài năng nhí.

Hình ảnh thí sinh tham dự tuyển chọn tham gia chương trình Rap Kids bị nhiều người phản ứng.

Hình ảnh thí sinh tham dự tuyển chọn tham gia chương trình Rap Kids bị nhiều người phản ứng.

Theo ông Nhân, từ Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tý hon đến chương trình Người mẫu nhí Việt Nam năm 2019 cho thấy, đó không đơn thuần là sự bùng nổ các gameshow thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị đạo đức, khi những người có trách nhiệm để những đứa trẻ hồn nhiên và ngây thơ phải học cách cạnh tranh hơn thua để bước lên ngôi vị cao nhất và bào chữa bằng lời lẽ là tạo sân chơi cho trẻ em.

Chưa hết, theo ông Nhân, bước ra từ những cuộc thi này, những đứa trẻ còn được hứa hẹn trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng nổi tiếng thì đây có phải là môi trường phù hợp để các em được sống an toàn và lành mạnh theo quy định của pháp luật?

Ông Nhân cho biết, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã chính thức cấm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi những nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển.

Tuy nhiên, các gameshow thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng khi cơn khát tìm kiếm lợi nhuận của nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz chưa có hồi kết.

Đối với chương trình Rap Kids mà một nhà sản xuất đang tổ chức thực hiện còn nghiêm trọng hơn khi để các em thể hiện nhưng ca khúc nhạc rap mà trong đó chứa những ngôn từ gai góc, đường phố, không phù hợp với lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên của các em.

Ông Nhân đặt ra câu hỏi: "Phải chăng những chương trình đó chỉ trang trí và và thỏa mãn cho sự hãnh tiến của các bậc phụ huynh, khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho nhà sản xuất, nhà đài và sự thiếu trách nhiệm của nhà quản lý?".

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chương trình Rap Kids "ăn theo" sự thành công của hai chương trình King of rap và Rap Việt đã phát sóng trên truyền hình trong thời gian qua.

Ca khúc "Anh em tao" thể hiện trong buổi tuyển chọn thí sinh chương trình Rap Kids bị cho là phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi các em.

"Rap là thể loại nhạc có xuất phát từ đường phố, được du nhập từ Âu Mỹ vào Việt Nam trong những năm gần đây. Chính vì thế ngôn từ thể hiện của Rap thể hiện tính gai góc trong cuộc sống, thậm chí còn là những ngôn từ "chợ búa" ngoài đường phố. Các bản nhạc rap thường vận dụng cách gieo vần để thể hiện quan điểm, cái tôi cá nhân rất cao. Vì vậy, nó chỉ phù hợp với người có độ tuổi trưởng thành chứ không phù hợp với các em thiếu nhỉ tuổi từ 5 - 15" - bà Hiền bày tỏ quan điểm.

Theo bà Hiền, chương trình Rap Kids nói riêng và các chương trình gameshow cho thiếu nhi trên sóng truyền hình của Việt Nam trong thời gian gần đây không mang nhiều "chất xám" mà chỉ do nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận để làm ra, từ đó bỏ quên đi ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn trong mỗi chương trình.

Ví như chương trình Rap Kids, nếu như các em tự sáng tác những ca khúc rap chắc chắn sẽ không đủ vốn sống, vốn từ để làm ra. Còn nếu như thể hiện những ca khúc rap đã sáng tác sẵn từ trước đó thì lại không phù hợp với lứa tuổi của các em.

"Tôi không phản đối nhạc rap, thậm chí còn là một fan hâm mộ của chương trình Rap Việt nhưng rap dành cho trẻ em thì tôi phản đối hoàn toàn. Nó ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của các em sau này, một đứa trẻ cần sự ngây thơ, trong sáng..." - bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, hiện nay, các quy định pháp luật về các chương trình gameshow cho trẻ em ở Việt Nam đã có nhưng chưa đầy đủ, điều đó khiến cho nhiều nhà sản xuất "lách luật" thực hiện.

Để những chương trình này tổ chức được, chắc chắn sẽ có sự đồng tình của phụ huynh cách thí sinh tham gia. "Không thể nói bố mẹ của các thí sinh không đủ hiểu biết để nhận ra đâu là chương trình có nội dung phù hợp với lứa tuổi phát triển của con mình.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vì thương, yêu con cái mà chiều theo mong muốn của con mình mà quên đi mất sự định hướng cho con. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận chạy theo sự thỏa mãn cá nhân, mong muốn con mình được nổi tiếng, bất chấp cả khi tham gia vào những chương trình có nội dung không phù hợp mà vô tình làm ảnh hưởng tới trẻ. Một chương trình phản cảm như thế chắc chắn sẽ khó có thể nhận được sự ủng hộ của khán giả" - bà Hiền nói.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chuong-trinh-rap-cho-tre-em-dong-tien-lam-mo-dao-duc-3423217/