'Chương trình phổ thông mới phải đảm bảo lộ trình đã đề ra'

Hôm nay, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu với tinh thần cầu thị, đảm bảo bám sát các Nghị quyết về đổi mới giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Thảo luận tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến để giải trình, hoặc chỉnh sửa chứ không thể “bỏ đi để làm lại”. Đề cập về 2 môn học có nội dung tích hợp ở cấp THCS là Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, việc dạy tích hợp Khoa học tự nhiên trong đó có kiến thức môn Sinh học ở bậc tiểu học là hợp lý, nhưng ở cấp trung học cơ sở thì cần xem xét lại:

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phân tích: “Chương trình cấp 2 chúng tôi không đồng thuận, bởi việc tích hợp Lý, Hóa, Sinh quá khó. Có những nước tích hợp, nhưng nhiều nước không tích hợp, vẫn là môn Sinh học riêng và những nước tích hợp thì họ để khối sinh học riêng, không phải giờ này học sinh học, giờ sau sang vật lý.

Sắp tới trường sư phạm sẽ rất khó để đào tạo được giáo viên dạy cả 3 môn theo nguyên tắc là biết 10 dạy 1 mà học 4 năm dạy 3 môn là rất khó. Nếu như bắt buộc không thay đổi thì chỉ có thể dạy 2 môn hóa và sinh, lý và hóa, chứ dạy cả lý, hóa, sinh thì không thể dạy giỏi được”.

Một số ý kiến cho rằng, cái khó trong chương trình giáo dục phổ thông mới là lần đầu tiên chúng ta thiết kế chương trình theo hướng tiếp cận năng lực, nên không thể yêu cầu phải hoàn hảo ngay từ đầu mà chỉ có thể chuẩn bị ở mức tối đa. Vấn đề khó nhất hiện nay chính là chuẩn bị giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình này.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho biết: “Cái khó của chúng ta là giải quyết là cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá. Thay đổi rất khó, nhưng không có nghĩa khó là chúng ta không làm được. Sức ỳ, quán tính đã ăn khá sâu, sinh viên học những cái mới về trường phổ thông nhiều khi không dám dùng cái mới vì lực cản như thế.

Nhưng sau khi nhà trường đã thực hiện thí điểm và thí điểm ngay trong trường sư phạm, khi người ta nhận thức được, người ta thay đổi. Chúng ta phải thấy rằng, không có thầy cô nào thấy tiến bộ mà không thay đổi, nhưng đây là một quá trình”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp thu với tinh thần cầu thị, đảm bảo bám sát các Nghị quyết về đổi mới giáo dục, chương trình, sách giáo khoa, nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ đã đề ra. Chương trình phổ thông mới phải kế thừa những thành tựu của chương trình cũ, không phải xóa đi làm lại; chương trình mở phù hợp với xu thế thế giới, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam”

Phó Thủ tướng nói: “Một mặt phải có lộ trình, nhưng quan trọng nhất phải có đồng thuận. Ngoài câu chuyện tập huấn giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án kiểm định, đánh giá, quan trọng nhất là phải làm tốt 2 việc:

Một là phải làm tốt công tác tư tưởng cho chính đội ngũ giáo viên, nếu không, không ai muốn đổi mới.

Thứ 2 cực kỳ quan trọng, phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, cái này là Bộ từ trước đến nay làm không tốt. Mình phải nêu được tổng hợp các luồng ý kiến khác nhau và sau đó phải có giải thích, câu trả lời cho các luồng ý kiến. Nhưng đầu tiên các đồng chí phải tiếp thu thực sự cởi mở”.

Trân trọng tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, những vấn đề các chuyên gia, xã hội thấy chưa yên tâm thì Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến trên tinh thần cầu thị, không né tránh để hoàn thiện chương trình một cách tốt nhất và tạo được sự đồng thuận cao nhất của toàn xã hội./.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/chuong-trinh-pho-thong-moi-phai-dam-bao-lo-trinh-da-de-ra-798309.vov