Chương trình phát triển tài sản trí tuệ: Phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra một hướng đi mới trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp, tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn xung quanh chương trình này.

Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Lâm Nguyễn

- Xin ông cho biết kết quả đạt được của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Hà Nội?

- Với mục tiêu tạo ra cơ chế hỗ trợ trực tiếp từ Nhà nước tới các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã mở ra hướng đi mới cho các đơn vị, đưa sở hữu trí tuệ thành động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững tại Hà Nội.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã có 1.697 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, 834 giải pháp hữu ích, 2.221 kiểu dáng công nghiệp, 61.491 nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt, đã hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 64 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề và hỗ trợ quản lý, phát triển sở hữu trí tuệ cho 4 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ; thực hiện hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Chương trình cũng đã tổ chức tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 2.500 lượt người, qua đó đã nâng cao nhận thức, năng lực phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

- Vậy, kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 như thế nào, thưa ông?

- Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, có 100% trường đại học, cao đẳng của thành phố được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 50% doanh nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; số lượng đơn đăng ký sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm.

Về sản phẩm chủ lực, đặc thù của thành phố và các sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 40% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60% sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

- Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã đề ra những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả chương trình này, thưa ông?

- Từ những mục tiêu đặt ra của chương trình trong giai đoạn này, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn lực thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ và cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ cho các tổ chức khoa học, công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra các tài sản trí tuệ được bảo hộ; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Thứ hai, đẩy mạnh việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của địa phương, chương trình sẽ thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó giới thiệu, quảng bá và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại khác, nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ. Tiến hành khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích, quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và tổ chức khoa học, công nghệ.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ như thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức trưng bày, giới thiệu triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, phát triển, nâng cao các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông qua hoạt động kiểm soát, quản lý và sử dụng các sản phẩm tài sản trí tuệ.

Thứ sáu, hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội thông qua các hoạt động: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ tới các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; giới thiệu các mô hình tiêu biểu được ứng dụng, từ đó vinh danh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sở hữu trí tuệ.

Trong giai đoạn tới, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, phát huy các nguồn lực, có sự tham gia mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/998054/chuong-trinh-phat-trien-tai-san-tri-tue-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-mot-cach-ben-vung