Chương trình OCOP Đồng Nai: Khai thác tiềm năng đặc sản địa phương

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) tại tỉnh Đồng Nai đã và đang góp phần phát triển sản xuất, tiêu thụ nội địa và hướng vào xuất khẩu các mặt hàng đặc sản của nông nghiệp địa phương.

 Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tham gia xúc tiến thương mại

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tham gia xúc tiến thương mại

Điểm sáng sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP Đồng Nai bắt đầu khởi động vào cuối tháng 3/2019, khi triển khai thực tế đã góp phần khuyến khích nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn. Đây là cơ hội giúp nông dân, hợp tác xã (HTX) và nhiều DN nhỏ đầu tư vào ngành sản xuất nông nghiệp bài bản từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tính đến cuối năm 2019, Đồng Nai có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Các sản phẩm này gồm: Rượu chuối hột của Hợp tác xã (HTX) Rượu Bến Gỗ, bột sen dinh dưỡng của cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát, nấm rơm của HTX Nguyễn Thị Liên, bưởi da xanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Lợi, tàu lửa gỗ của cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Thành Nhân... Trong đó, 2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao là bưởi da xanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Lợi và tàu lửa gỗ của cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Thành Nhân. Năm 2020, Đồng Nai phấn đấu có thêm 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, để đánh giá sản phẩm OCOP, các thành viên Hội đồng đánh giá đã phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Việc này nhằm đảm bảo các yêu cầu đạt chứng nhận OCOP phải chọn đúng sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Đồng Nai cũng như đáp ứng được những tiêu chí đặt ra. Đặc biệt, chú trọng đến tiêu chuẩn an toàn, chất lượng của sản phẩm, có cơ hội phát triển thương hiệu, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chú trọng mở rộng thị trường sản phẩm

Các DN, cơ sở sản xuất, HTX tham gia OCOP cũng rất quan tâm đầu tư nâng chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó, tập trung phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo ông Trần Quang Tính - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt, DN này có sản phẩm dưa lưới Inthanol RZ trồng trong nhà màng đạt chứng nhận OCOP chuẩn 3 sao. Sản phẩm được trồng đạt chứng nhận GlobalGAP, dự kiến, trong năm 2020, sẽ có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và châu Âu vì đã có đối tác đưa các mặt hàng của nông trại xuất khẩu.

Hay, để sản phẩm của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đạt tiêu chuẩn 4 sao, DN phải thực hiện rất nhiều tiêu chí như sử dụng 70% nguyên liệu địa phương, sản xuất an toàn. Hơn nữa, sản phẩm của Trọng Đức được đánh giá 4 sao là do ngay từ đầu, DN đã đi theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch và hướng mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Lệ - Chủ cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát, cơ sở này đang chuẩn bị đầu tư dây chuyền sản xuất mới để phục vụ sản xuất, đóng gói sản phẩm theo hướng hiện đại; mục đích hướng tới phát triển thêm các kênh tiêu thụ mới, đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời, cơ sở đã hoàn thành việc thay đổi mẫu logo, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm.

Trước nhu cầu phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP, đại diện Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, sẽ huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa, để đầu tư xây dựng, kinh doanh các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đủ điều kiện vào các kênh phân phối hiện đại. Ưu tiên hỗ trợ các đơn vị chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và xúc tiến thương mại nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đồng Nai đang tập trung phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, đáp ứng yêu cầu "4 có" bao gồm: Giá trị cao, khả năng cạnh tranh, thị trường tiêu thụ và hiệu quả cao. Đặc biệt, hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm gắn với việc thực hiện Chương trình OCOP.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-ocop-dong-nai-khai-thac-tiem-nang-dac-san-dia-phuong-134769.html