Chương trình nghệ thuật 'Muôn vàn tình thương yêu'

Kỷ niệm 50 năm Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp cùng tỉnh Nghệ An và TP HCM tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật: Cầu phát thanh, truyền hình Muôn vàn tình thương yêu, diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 21-8.

Chương trình được thực hiện tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Trung tâm Phát thanh Quốc gia - 58 Quán Sứ, TP Hà Nội), Khu Di tích lịch sử Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và Bến Nhà Rồng - di tích lịch sử đặc biệt của TP HCM.

Ban Tổ chức cho biết chương trình được xây dựng từ câu văn của Bác trong Di chúc: "Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng", kịch bản chương trình khắc họa hình ảnh Bác Hồ từ lúc sinh thành đến quá trình đi tìm đường cứu nước và giai đoạn cuối đời, lúc nào tinh thần, ý chí của Người cũng luôn hướng về đồng bào, dân tộc. Xuyên suốt chương trình là những tác phẩm âm nhạc viết về Người, về đất nước của các tác giả nổi tiếng, cùng với đó là các tiểu phẩm kịch ngắn, hình ảnh tư liệu ghi lại những câu chuyện lịch sử về thân thế và sự nghiệp cách mạng bình dị mà vĩ đại của Bác Hồ.

Ông Trần Nhật Dương (quyền Trưởng Ban Âm nhạc - Thông tin - Giải trí Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV3), cho biết một trong những điểm nhấn của chương trình là các tiểu phẩm kịch. Lần đầu tiên, một chương trình cầu truyền hình ở Việt Nam có các tác phẩm kịch nói. Theo đó, sẽ có 3 vở kịch được biểu diễn là "Đêm giao thừa", kể lại câu chuyện Bác Hồ đến chúc Tết gia đình chị gánh nước thuê trong đêm 30 Tết; "Nỗi đau" nói về cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ những cán bộ thoái hóa, tham nhũng khỏi hàng ngũ Đảng; "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" là câu chuyện về tình đồng đội, đồng chí. Các vở kịch đã tái hiện những câu chuyện có thật trong lịch sử cách đây nhiều năm nhưng tính tư tưởng vẫn còn rất mới, rất thời đại về vấn đề xử lý cán bộ tham nhũng hay cán bộ, đảng viên phải là đầy tớ nhân dân đúng nghĩa. Đó cũng là những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đến nay chúng ta vẫn noi theo, học tập, thực hiện.

Cảnh trong vở kịch "Đêm giao thừa" Ảnh do Ban tổ chức cung cấp

Cảnh trong vở kịch "Đêm giao thừa" Ảnh do Ban tổ chức cung cấp

Ngoài phần kịch, âm nhạc chiếm phần lớn thời lượng của chương trình. Các bài hát nổi tiếng về Bác Hồ, là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, được công chúng đón nhận, sẽ được vang lên tại cả 3 miền của đất nước: "Từ làng Sen", "Lãnh tụ ca", "Trông cây lại nhớ đến Người", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch", "Miền Nam nhớ mãi ơn Người"... Trong đó có những màn hợp xướng hùng tráng cùng dàn múa đông đảo được dàn dựng cầu kỳ, công phu. Toàn bộ phần âm nhạc đã được nhạc sĩ Thương Liêm, nhạc sĩ Doãn Nguyên phối khí lại, mang sức sống mới cho những ca khúc đi cùng năm tháng với cảm xúc mới, thông qua giọng hát của: Đăng Dương, Vũ Thắng Lợi, Trần Hồng Nhung, Đinh Thành Lê, Đinh Trang, Thế Vỹ, Khánh Huyền, Quế Thương, nhóm Son…

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên các kênh: VTC1, VTC3, VTC10, Vietnam Journey, HTV9 (Đài Truyền hình TP HCM), NTV (Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An) và nhiều đài phát thanh - truyền hình khác.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/chuong-trinh-nghe-thuat-muon-van-tinh-thuong-yeu-20190820211446843.htm