Chương trình nghệ thuật cho du khách

Nhiều nhà đầu tư thực hiện những chương trình nghệ thuật, giải trí phục vụ khách du lịch với vòng đời kéo dài nhiều năm.

Phân cảnh trong vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Lần đầu đến Hà Nội vào tháng 7.2017, sau khi thưởng thức vở xiếc tre Làng tôi cùng bạn bè, Lexi Keller nói: “Đây là tác phẩm có cách kể chuyện lịch sử sinh động nhất mà tôi từng xem”. Cô cũng như hàng trăm khán giả có mặt tại sân khấu Nhà hát Tuồng đứng lên vỗ tay nhiều lần tán thưởng chương trình. 20 diễn viên xiếc tham gia vở diễn không ngừng biến hóa và nhào lộn, với đạo cụ chính là những cây tre dài, ngắn, tái hiện cuộc sống không ngừng chảy trôi, xáo động của làng quê Bắc Bộ. Du khách đến từ vùng ngoại ô cổ kính Glen Irish của Úc nói show diễn Làng tôi khiến cô nhớ tới những chương trình tương tự của vũ đoàn Bangarra ở nước mình. “Không chỉ mang đến những cảnh tượng đặc sắc, Làng tôi giúp những người nước ngoài như tôi dễ dàng nắm bắt sâu hơn về văn hóa và lịch sử Việt Nam.” Cô cho rằng Làng tôi hay những show kéo dài 28 năm qua của Bangarra – vũ đoàn của những thổ dân và cư dân ở quần đảo thuộc eo biển Torres ở Úc - tạo nên những trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống.

Có hàng trăm đánh giá tích cực như vậy về Làng tôi trên các trang du lịch. Đây là một trong vài chương trình nghệ thuật biểu diễn định kỳ có mức đầu tư tương đối lớn dành cho đối tượng khách du lịch đến Việt Nam được các nhà đầu tư phát triển trong vài năm qua, với hi vọng đầu tư một lần nhưng khai thác trong nhiều năm. Dù nhận về nhiều phản hồi tốt, nhưng nhiều đơn vị tiên phong vẫn đang đối mặt với nhiều gian nan. Làng tôi do nhà sản xuất Lune Production, đơn vị trực thuộc Square Group Investment Holding, thành lập năm 2012 thực hiện. Lune Production có trụ sở tại TP.HCM, đang sản xuất loạt chương trình khai thác văn hóa truyền thống phục vụ du khách gồm Làng tôi, À Ố Show, Sương sớm Cây đa. Sau khi chu du biểu diễn từ năm 2009 ở Pháp và một số nước châu Âu, Làng tôi trở về Hà Nội diễn định kỳ từ tháng 7.2016. Nghệ sĩ Nhất Lý, đồng tác giả kịch bản và âm nhạc của vở diễn cho biết khi diễn ở nước ngoài, đoàn xiếc gặp không ít khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa. Khán giả xem xong có người nói không hiểu gì, nhưng họ khóc vì những hình ảnh đã chạm được vào cảm xúc của họ. Khi đó tuần báo Pháp L’Express nhấn mạnh đến tính chất lạ mắt của vở diễn đã khiến khán giả phải trầm trồ khen ngợi sự hòa quyện giữa nét duyên dáng và kỹ thuật điêu luyện.

Về diễn tại Việt Nam, vở diễn vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì địa điểm ban đầu diễn ở Nhà hát Lớn – được xem như “thánh đường nghệ thuật” ở Hà Nội – thường xuyên kín lịch cho thuê nên nhà sản xuất phải mở thêm điểm diễn khác ở Nhà hát Tuồng (rạp Hồng Hà). Sau một thời gian có nơi diễn ổn định hơn, đến gần đây vở diễn mới tạo được lượng khách “nhích dần lên” dù vẫn còn khó khăn trong việc bán vé. Hiện vở diễn có trung bình 4 suất mỗi tuần, với bốn hạng vé thuận cho cách đọc của người nước ngoài là “aah!”, “ooh!”, “wow!” và khu vực VIP Cabin, mức giá dao động từ 630 ngàn đến bốn triệu đồng/ vé. Số khách trung bình mỗi buổi dao động từ 100 đến 200 khách tùy địa điểm diễn. “Phải có điểm diễn cố định mới có thể chủ động được lịch diễn, đáp ứng nhu cầu đặt vé trước của du khách và lắp đặt trang thiết bị”, nghệ sĩ Nhất Lý cho biết.

Phân cảnh trong vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Sự đa dạng và chất lượng của các chương trình nghệ thuật dành cho du khách nước ngoài là một trong nhiều điểm yếu của du lịch Việt Nam, lĩnh vực đặt mục tiêu đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 (đến tháng 9.2017 đã đón khoảng 9 triệu lượt – theo tổng cục Thống kê). Trong khi đó, những tác phẩm nghệ thuật dài hơi tới 30 năm trên thế giới đã có nhiều. Điển hình như vở nhạc kịch The Phantom of Opera (Bóng ma trong nhà hát, West End, London) từ năm 1986 và ở Broadway (New York) năm 1988, hiện nay vẫn diễn và luôn kín rạp. Ở châu Á, tại Thái Lan có Siam Niramit – chương trình biểu diễn tạp kỹ chuyên về văn hóa của Thái Lan đã diễn từ đầu những năm 2000 và vẫn thu hút khách du lịch dù diễn ở một địa điểm xa trung tâm do các nhà tổ chức cung cấp phương tiện chuyên chở và có điểm bán vé, tư vấn tại tận các khách sạn. Có điểm diễn cố định không phải là bài toán khó duy nhất mà các chương trình giải trí, nghệ thuật phục vụ khách du lịch gặp phải. Mới đây, vụ lùm xùm giữa đạo diễn Việt Tú, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư tổng hợp truyền thông DS (Dream Studio) và công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (thuộc tập đoàn Tuần Châu) cho thấy nhiều góc khuất, trở ngại khác trong việc khai thác, duy trì các chương trình có mức đầu tư lớn, với lịch diễn định kỳ hằng ngày, hằng tuần.

Cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra sau khi tập đoàn Tuần Châu công diễn Tinh hoa Bắc Bộ ngày 28.10.2017 và tuyên bố đây là “chương trình sân khấu thực cảnh đầu tiên được trình diễn ở Việt Nam”. Trong khi hơn bốn tháng trước đó, đạo diễn Việt Tú công bố vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài dài khoảng 60 phút với khoảng 140 diễn viên vốn là nông dân địa phương được huấn luyện biểu diễn tại cùng địa điểm là khu sinh thái Tuần Châu Ecopark ở Sài Sơn, Quốc Oai (Hà Nội). Điểm diễn này thuộc tổ hợp văn hóa - giải trí Baara Land, nằm trong khu du lịch, vui chơi giải trí và đô thi sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Phân cảnh trong vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Theo hợp đồng, Dream Studio với đại diện vở diễn chỉ kéo dài được khoảng 10 buổi thì dừng do chủ đầu tư không hài lòng. Đến 28.10.2017, phía tập đoàn Tuần Châu tổ chức họp báo chính thức tại Hà Nội công bố vở thực cảnh mới Tinh hoa Bắc Bộ với đạo diễn là Hoàng Nhật Nam. Trong buổi ra mắt vở diễn, ông Đào Hồng Tuyển, chủ tịch tập đoàn Tuần Châu, ví von vở cũ là “món ăn không tiêu thì phải ném đi”. Từ đây mâu thuẫn giữa đạo diễn Việt Tú và Tuần Châu bắt đầu nổ ra xoay quanh quyền tác giả, quyền sở hữu hai vở diễn và nghĩa vụ tài chính giữa hai bên. Việt Tú cho rằng hai bên không thống nhất được thỏa thuận quyền lợi trong hợp đồng. “Trong dự án này tôi chỉ lấy 40% số lương đáng lý mình được hưởng, đổi lại là 10% kinh phí bán vé trong suốt vòng đời của sản phẩm”, CEO của Dream Studio nói. Hiện tại giá vé xem Tinh hoa Bắc Bộ gồm nhiều mức hạng, từ 800 ngàn đồng đến 1,6 triệu đồng/vé. Theo tính toán của tập đoàn Tuần Châu, với sân khấu hơn 2.500 chỗ ngồi, công ty kỳ vọng sẽ thu hồi vốn đầu tư cho vở diễn trong khoảng 7 - 10 năm. Không tiết lộ kinh phí đầu tư cho Tinh hoa Bắc Bộ, nhưng phía Tuần Châu Hà Nội cho biết đã trả thù lao cho công ty DS gần chục tỉ đồng để làm Thuở ấy xứ Đoài. “Chúng tôi có thể tiếp tục tái đầu tư để duy trì và làm mới theo tuổi thọ vài chục năm của một show như thế này, ” ông Trần Anh Tuấn, phó tổng giám đốc của Tuần Châu Hà Nội, cho biết.

Sân khấu Điểm một thời (TP.HCM)

Theo tập đoàn Tuần Châu, dự án khu du lịch, vui chơi giải trí và đô thi sinh thái Tuần Châu Hà Nội đã được đầu tư đến nay gần 1.000 tỉ đồng. Họ đã đầu tư cho lần lượt các đạo diễn đi học hỏi ở nước ngoài từ năm 2007, đến chi phí đào tạo huấn luyện gần 200 nông dân địa phương, mua sắm các đạo cụ, trang thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhấtcho sân khấu, theo ông Tuấn. Không đầu tư cả quần thể du lịch, giải trí như Tuần Châu, một số nhà đầu tư giải bài toán khó khăn về điểm diễn cố định bằng cách đi thuê các nhà hát. Nếu như Làng tôi ký hợp đồng với Nhà hát Lớn, Nhà hát Tuồng thì vở Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú có điểm diễn dài hạn tại rạp Công Nhân, vốn thuộc quản lý của Nhà hát kịch Hà Nội. Với kinh nghiệm làm nghề nhiều năm, tìm hiểu cách thức tổ chức ở các nước và đặc biệt là nghiên cứu mô hình hoạt động của Nhà hát múa rối Thăng Long luôn kín khách du lịch suốt 20 năm qua; từ năm 2013, đạo diễn Việt Tú thành lập công ty cổ phần Nhà hát Việt (Viet Theatre) và đến năm 2015 cho ra mắt vở Tứ phủ tái hiện nghi thức hầu đồng. Cho đến nay tác phẩm dài 45 phút khai thác tín ngưỡng thờ Mẫu này đã có 300 buổi diễn tại không gian cố định với 500 chỗ ngồi là rạp Công Nhân (Hà Nội). Tuy vậy, sau hai năm sáng đèn, với mức giá gần 300 ngàn đồng/ vé, vở này vẫn phải bù lỗ.

“Khả năng thu hồi vốn của Tứ phủ lâu hơn dự tính ban đầu. Tuy nhiên, ngoài chuyện lời lãi về tiền bạc thì vở này còn có ý nghĩa về tinh thần với tôi và tôi dùng nguồn thu từ các dự án khác để bù đắp”, Việt Tú chia sẻ. Đạo diễn sân khấu nổi danh cũng cho biết tỉ lệ người Việt mua vé xem Tứ phủ nhiều hơn người nước ngoài, cho dù công ty tiếp thị về chương trình qua nhiều kênh truyền thông quốc tế, các công ty du lịch, các đoàn khách ngoại giao, tham gia hội chợ Du lịch thế giới tại London (Anh) hồi tháng 11.2016. Vở diễn đang được đánh giá 5 sao trên TripAdvisor. Trong khi đó, công ty cổ phần Ngôi sao Thiên Hà ngay từ đầu đã xây dựng Nhà hát Star Galaxy gồm nhiều hạng mục, với bốn tầng trên khu đất rộng ba héc ta ngay cạnh trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) để làm điểm diễn cố định cho vở Ionah. Với hình thức tạp kỹ phổ biến trên thế giới, Ionah (viết ngược của Hanoi) là sự kết hợp của xiếc với những loại hình hiện đại như múa, kịch, hip hop…, biểu diễn trên nền âm nhạc, nghệ thuật thị giác, sắp đặt ánh sáng, có công nghệtiên tiến hỗ trợ. Bắt đầu triển khai từ tháng 9.2015, đến nay Ionah duy trì trung bình ba buổi diễn vào các buổi tối trong tuần với hai mức giá 750 ngàn đồng và 950 ngàn đồng/ vé. Lịch diễn Ionah xê dịch do Nhà hát Star Galaxy còn để cho thuê tổ chức những sựkiện khác. “Hiện mỗi buổi diễn của Ionah có lượng khách trung bình chiếm tử 50 - 60% tổng số 280 ghế, với một nửa là khách nước ngoài. Sự cải thiện của lượng khách so với thời điểm mới hoạt động là nhờ chúng tôi chủ động được về điểm diễn và nhiều khách trong nước biết tới Ionah khi họ đến tham gia các sự kiện được thuê tại đây”, bà Hà Nguyên Hương, giám đốc công ty Ngôi sao Thiên Hà, cho biết. Đến nay Star Galaxy vẫn là nhà hát đầu tiên tại Hà Nội được xây dựng bằng nguồn vốn của một đơn vị tư nhân.

Sân khấu Tứ phủ (Hà Nội)

Đến thời điểm này, khi đến Hà Nội, du khách có nhiều sự lựa chọn để xem nhiều chương trình, show diễn mới trong khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến khuya, không còn sự “độc tôn” của múa rối như từ xưa tới nay. Nghệ sĩ Nhất Lý, đại diện nhóm tác giả của bộ các chương trình dành cho người nước ngoài gây chú ý gần đây gồm À Ố Show, Làng tôi Cây đa, phân tích: Những tác phẩm, sản phẩm văn hóa do Lune Production sản xuất thành công là do phù hợp với thị hiếu của người nước ngoài. Khi đến Việt Nam, khán giả quốc tế đòi hỏi, chờ đợi sự khác biệt về văn hóa, tìm kiếm cái đẹp mà trước đó họ chưa nhận ra hay chưa trải nghiệm trực tiếp. Ông nói: “Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam mỗi năm vào khoảng một vài triệu không phải nhiều, nhưng vẫn đủ cho nhiều chương trình có thể sống được. Trên thị trường hiện chưa đến mức quá nhiều show nhưng sự cạnh tranh bắt đầu có. Đó là dấu hiệu tốt, bởi phải buôn có bạn, bán có phường. Vấn đề còn lại là cần có sản phẩm tốt, có ngôn ngữ riêng và điều này thì khán giả sẽ dễ dàng kiểm chứng.” Trong khi đó, theo đạo diễn Việt Tú, các chương trình của Lune Production thành công vì có sự đầu tư kiên trì, hệ thống tổ chức bài bản, đồng bộ, các tác phẩm dung hòa được yếu tố thương mại và nghệ thuật.

“Khi đến Việt Nam, khán giả quốc tế đòi hỏi, chờ đợi sự khác biệt về văn hóa, tìm kiếm cái đẹp mà trước đó họ chưa nhận ra hay chưa trải nghiệm trực tiếp.”
—Nghệ sĩ Nhất Lý

“Chúng tôi không chỉ dừng lại ở show diễn văn hóa mà còn gìn giữ, giới thiệu các sản phẩm tinh túy thuần Việt đến du khách quốc tế và cả du khách trong nước”, ông Tuấn của Tuần Châu Hà Nội cho biết. Đơn vị này đang lên kế hoạch phát triển tiếp các chương trình ở miền Nam, miền Trung, vẫn theo hướng là sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng cho mỗi vùng miền, để người dân địa phương giới thiệu đến du khách về văn hóa, phong tục của họ. Trong khi đó, đạo diễn của Tứ phủ chia sẻ: “Khai thác vốn văn hóa dân tộc cho các vở diễn phục vụ du khách là hướng đi mà tôi sẽ theo đuổi cả đời”.

Vở xiếc Làng tôi

MÓN NGON, NHƯNG CÒN ÍT
Một số chương trình nghệ thuât về văn hóa và truyền thống Việt Nam, tập trung cho đối tượng là du khách nước ngoài hiện nay:

• Múa rối: Nhà hát múa rối nước Thăng Long, trung tâm múa rối nước Bông Sen, nhà hát múa rối nước Việt Nam (Hà Nội)

• Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. (TP.HCM)

Làng tôi tại Nhà hát Lớn và Nhà hát Tuồng vào thứ hai, thứ ba hằng tuần, mỗi suất dài 60 phút. (Hà Nội)

À Ố Show tại Nhà hát thành phố với ba ngày trong tuần, mỗi suất dài 60 phút. (TP.HCM)

Cây đa (The Dar) tại Nhà hát thành phố với hai ngày trong tuần, mỗi suất dài 60 phút. (TP. HCM)

Tứ Phủ tại rạp Công Nhân vào thứ năm, thứ bảy trong tuần. (Hà Nội).

Ionah (Nhà hát Star Galaxy) vào thứ ba, năm, bảy trong tuần, với ba suất (Hà Nội).

Tinh hoa Bắc Bộ vào tất cả các ngày trong tuần (trừ thứ hai) (Hà Nội).

Điểm một thời – Sĩ Hoàng Show (Bảo tàng Áo dài, 77 Nguyễn Huệ, Q1, TP.HCM) diễn vào thứ tư, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật (TP.HCM).

• Vở thực cảnh Ký ức Hội An của đạo diễn Hong Kong Mai Soái Nguyên dự kiến ra mắt tháng 12.2017 tại Hội An.

BÙI DŨNG - ẢNH: PQ CHUA - FORBES VIỆT NAM

nguồn Forbes Vietnam

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/ch%C6%B0%C6%A1ng-tr236nh-ngh%E1%BB%87-thu%E1%BA%ADt-cho-du-kh225ch