Chương trình nghệ thuật 'Âm vang chiến công': Những dấu ấn không quên

Tiếp nối những thành công của chương trình nghệ thuật 'Âm vang chiến công' năm 2018, chương trình nghệ thuật 'Âm vang chiến công' năm nay được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng và thực hiện bởi êkíp chuyên nghiệp.

Trong không khí hân hoan chào mừng 74 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Ngày truyền thống của lực lượng CAND (19-8-1945- 19-8-2019), chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc với tên gọi "Âm vang chiến công" do Báo Công an nhân dân - Truyền hình ANTV (Cục truyền thông Công an nhân dân) phối hợp với Công ty CP truyền thông Vmark và một số đơn vị chức năng tổ chức sẽ diễn ra vào tối 16-8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20 giờ ngày 16-8-2019 trên kênh truyền hình ANTV.

Mười chín tháng Tám - mốc lịch sử chói lọi

Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và chính phủ phong kiến bù nhìn Việt Nam, mở đầu cho cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Phối cảnh sân khấu chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” diễn ra ngày 16-8-2019.

Phối cảnh sân khấu chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” diễn ra ngày 16-8-2019.

Từ sáng sớm tinh mơ của mùa thu năm ấy, Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn người được tập hợp thành đội ngũ từ các làng xã ngoại thành và các huyện thuộc tỉnh Hà Đông cũ theo các ngả đường rầm rập tiến vào nội thành. Họ mang theo khẩu hiệu, cờ và các loại vũ khí thô sơ như mã tấu, dao phát bờ, câu liêm...

Ở nội thành, nhà máy, công sở đều nghỉ việc. Các chợ vắng hẳn người. Nhiều hiệu buôn đóng cửa. Lớp lớp người xuống đường tham gia đoàn người hừng hực khí thế. Cả một biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Chẳng mấy chốc, quảng trường chật ních người reo vang chiến thắng... Chiến thắng ấy mở ra một dấu mốc mới cho dân tộc Việt Nam.

Và, ngay khi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, trên cơ sở các tổ chức tiền thân, lực lượng Công an nhân dân (CAND) chính thức được thành lập. Trong tình thế đất nước gặp vô vàn khó khăn, phải đối phó với thù trong giặc ngoài, lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

74 năm qua, lực lượng CAND đã từng ngày lớn mạnh, thực hiện những trọng trách to lớn mà Đảng và nhân dân tin giao. Để tôn vinh chiến công của lớp lớp cán bộ chiến sỹ công an đã chiến đấu, hy sinh vì an ninh Tổ quốc, sự bình yên cho mỗi người dân, cho mỗi mái nhà, nhiều năm nay Báo CAND đều đặn tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công” vào dịp kỷ niệm 19-8.

Tiếp nối những thành công của chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" năm 2018, chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" năm nay được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng và thực hiện bởi êkíp chuyên nghiệp. Năm nay, NSƯT Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục với vai trò tổng đạo diễn chương trình.

Tiết mục biểu diễn trong chương trình “Âm vang chiến công” năm 2018.

NSƯT Quốc Hưng chia sẻ, mỗi năm, khi thời tiết chuyển sang mùa thu cũng là thời điểm anh dồn hết tâm sức cho chương trình của Báo Công an nhân dân. Bởi vì chương trình không chỉ ngợi ca truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND 74 năm qua, mà trước hết, đây là một nghĩa cử tri ân nghĩa tình đồng đội, tri ân những người chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ quê hương, Tổ quốc được bình yên. Dường như những bài hát ngợi ca chưa bao giờ đủ nói lên tất cả, nhưng anh luôn cảm thấy đầy tự hào, đầy nhiệt huyết mỗi khi ngồi trước trang giấy để ghi những dòng chữ đầu tiên với tư cách là một người tổng đạo diễn. Trong những ngày tập luyện vừa qua, nhạc sĩ Quốc Hưng cũng cảm nhận được sự đồng cảm ấy từ các nghệ sĩ, ca sĩ khác.

Họ đều là những nghệ sĩ tên tuổi, có bề dày kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật nhưng trước những tấm gương hy sinh, những câu hát về chiến công của người chiến sỹ Công an, luôn có một sự xúc cảm riêng biệt không trộn lẫn.

Năm nay, chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" diễn ra với ba phần với các ca khúc nổi tiếng, được biểu diễn trong chương trình như "Mười chín tháng Tám" (Xuân Oanh), "Tiến về Hà Nội" (Văn Cao), "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Ba Đình nắng" (Bùi Công Kỳ), "Bài ca thống nhất" (Võ Văn Di), "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" (Nguyễn Đức Toàn), "Người đi xây hồ kẻ gỗ" (Nguyễn Văn Tí), "Xa khơi" (Nguyễn Tài Tuệ), "Biển hát chiều nay" (Hồng Đăng), "Con sông tuổi thơ" (Tuấn Phương),...

Ngoài sự góp mặt của những tên tuổi nghệ sĩ lớn thì cũng có nhiều nghệ sỹ trẻ tham gia chương trình này. Sự góp mặt đầy đủ của các thế hệ nghệ sĩ sẽ mang đến cho chương trình không khí tươi mới, cũng như cho thấy sự tiếp nối không ngừng trong đời sống âm nhạc.

Để thấy rằng, chương trình không chỉ mang tính cổ động mà đậm chất nghệ thuật, mang lại cho khán giả những giai điệu đẹp và ấm áp về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Tri ân và ngợi ca người chiến sỹ Công an

Chương trình "Âm vang chiến công", đúng như tên gọi, đã vang vọng dấu ấn không chỉ đối với những người ngồi trong khán phòng, mà chắc chắn, đối với cả một thế hệ tiếp nối để làm nên những chiến công, vang danh và thầm lặng ngay trong thời bình, thời kỳ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc...

Sân khấu của đêm nghệ thuật và tri ân tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) sẽ vang lên âm hưởng hùng tráng của những chiến công và đầy dư ba của những sắc màu âm nhạc.

Những khúc ca vang lên kể về một thời đạn bom đã xa nhưng vẫn đọng lại trong ký ức của rất nhiều người lính đã tóc bạc da mồi. Ở đó, những thế hệ được kết nối, những chiến công được tiếp nối giữa những người lính đã đi qua chiến tranh, chiến đấu dũng cảm và những người lính trẻ, thế hệ sinh ra để giữ gìn, bảo vệ thành quả của cha ông, vì sự bình yên cho từng tấc đất, bình yên cho mỗi mái nhà...

Trong âm hưởng hùng tráng ấy, khán giả cũng đều có cảm giác rất đỗi tự hào khi những lời ca chan chứa tình cảm dành cho quê hương, đất nước trong mỗi ca khúc được hát vang trong đêm diễn đậm tính nghệ thuật.

Và giữa không khí đầy hào hùng này, những thế hệ đi sau lại có dịp tri ân những người chiến sĩ, những người con của thành đồng Tổ quốc đã góp sức vào việc giữ vững an ninh quốc gia, gìn giữ trật tự an toàn xã hội nói riêng, bảo vệ thành quả cách mạng của cha ông nói chung.

Chương trình "Âm vang chiến công" nhiều năm qua đã trở thành hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được tổ chức vào dịp lễ quan trọng như là một cách tri ân với những thế hệ hệ đi trước. Trong chương trình năm nay, Ban Tổ chức sẽ trao 15 suất quà cho những cán bộ chiến sỹ công an bị thương và thân nhân gia đình các cán bộ chiến sỹ hy sinh trong cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm và bảo vệ sự bình yên cho nhân dân năm qua.

Những tấm gương, sự hy sinh của những người lính trong thời bình đã thực sự khiến chúng ta cảm phục, ngưỡng mộ và nhân lên niềm tự hào về truyền thống của lực lượng CAND.

Ca sĩ Phương Thảo.

Ca sĩ Phương Thảo, một người đã gắn bó với chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" từ những ngày đầu tiên chia sẻ: "Tôi thật sự thấy hạnh phúc vì được đứng trên sân khấu trong dịp đặc biệt này. Các bài hát thì vẫn thế, hát bao nhiêu lần rồi, nhưng dư âm thì khác nhau hoàn toàn. Hát để cảm nhận được những tình cảm của mình dành cho khán giả, cho ca khúc và ngược lại, để đong đếm cảm xúc của khán giả dành cho mình. Tôi cảm giác rằng, không ở đâu những ca khúc về người lính cách mạng, về người chiến sĩ lại có thể trọn vẹn cảm xúc đến vậy. Ở phía dưới khán đài là những chiến sĩ CAND, họ cả một đời nguyện vì dân vì nước. Được hát cho họ, thực sự là một niềm vui lớn của những nghệ sĩ như chúng tôi".

Ca sĩ Anh Thơ, người tham gia trong chương trình năm nay cũng khẳng định, đối với chị, những ca khúc cách mạng đã in sâu vào tiềm thức, nhưng được đứng trên sân khấu để hát cho những người chiến sĩ nghe, lại là một cảm xúc viên mãn mà người nghệ sĩ may mắn mới có được.

Ca sĩ Anh Thơ.

Trong lịch sử nước nhà đều khẳng định rằng, cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc cũng như kỷ nguyên mới cho nền âm nhạc Việt Nam. Dòng tân nhạc với những bước khởi đầu đặc sắc, đã làm dày thêm kho tàng âm nhạc dân tộc cùng lịch sử.

Chương trình "Âm vang chiến công" là một trong những hoạt động thiết thực do Báo CAND phối hợp với Truyền hình ANTV (Cục Truyền thông CAND) nhằm chào mừng kỉ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 74 năm ngày truyền thống của Lực lượng CAND và Quốc khánh 2-9, tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ, những người có công với đất nước.

Đây cũng là dịp tri ân các thế hệ chiến sĩ công an trong các thời kỳ, tiếp nối truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của những thế hệ đi sau đối với những người đi trước.

Chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" đã có những ngày tập luyện ráo riết để chuẩn bị cho đêm diễn sắp tới. Nếu ai bắt gặp được những ca sĩ, nghệ sĩ đang ngày đêm tập luyện cho chương trình, sẽ nhận thấy rằng, có những câu chuyện, có những chiến công, thực sự là mãi mãi ở trong lòng người.

Như lời hát trong bài hát "Mười chín tháng Tám" của nhạc sĩ Xuân Oanh có đoạn: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín tháng Tám. Ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn...”.

Huy Tuấn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chuong-trinh-nghe-thuat-am-vang-chien-cong-nhung-dau-an-khong-quen-557483/