Chương trình nặng vì kiến thức thừa

Theo các chuyên gia, nhà giáo, học sinh đang 'đánh vật' với những bài toán khó, bài văn mang tính đánh đố mà những kiến thức đó hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống.

Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (TP.HCM) trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thừa điều không cần, thiếu điều cần

GS Đinh Quang Báo, ban thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, nhận định: “Chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện nay quá tải là do nặng về những điều không thật sự cần thiết, thiếu vắng những điều cần cho cuộc sống”.

Đánh giá môn toán trong SGK phổ thông hiện hành, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng nhìn chung SGK hiện nay quá sức đối với đại bộ phận học sinh. Môn toán chỉ được học 3 tiết/tuần cho ban cơ bản và 4 tiết/tuần cho ban khoa học tự nhiên là rất ít so với với thế giới. “Thời gian ít như vậy nhưng SGK lại chứa một lượng kiến thức khá lớn. Kiến thức lại nặng tính hàn lâm, thiếu phần liên hệ thực tế hoặc hoàn toàn xa rời với thực tế cuộc sống, làm cho việc học tập của học sinh rất nặng nề, khổ sở”, ông Cương phân tích.

Nhiều kiến thức trong chương trình hoàn toàn không cần thiết đối với bậc phổ thông. Ông Cương nêu ví dụ: “Nếu không phải là giáo viên dạy toán thì không cần đến kiến thức về số phức. Thế mà kiến thức đó vẫn phải dạy, phải học”. Ông Cương nhận định: “Có thể nói rằng, 1/3 kiến thức môn toán ở bậc THPT là vô bổ đối với học sinh học xong bậc học này”.

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Quang Phương, giáo viên dạy toán Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Q.Ba Đình (Hà Nội), cho rằng nhiều nội dung kiến thức còn nặng. Ông Phương lấy ví dụ: Ở lớp 9 có hẳn một chương về hình học không gian, trước đây học sinh bậc THPT mới phải học đến. Khi thực hiện chương trình năm 2002, Bộ GD-ĐT muốn thực hiện phân luồng sau THCS nên đẩy phần kiến thức đó xuống lớp 9 với mong muốn học sinh tốt nghiệp THCS nếu không học tiếp vẫn được học về nội dung này. Tuy nhiên, phân luồng không thực hiện được nhưng học sinh THCS vẫn phải ì ạch “gánh” phần nội dung nặng so với lứa tuổi.

Về môn ngữ văn, ông Nguyễn Quang Huy, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, nhìn nhận: “Nhiều nội dung không phù hợp với tâm lý và xu hướng đọc sách của các em hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú trong học tập”.

Giáo viên còn mệt, huống gì học sinh !

Đối với chương trình tiểu học, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), đã có những nghiên cứu công phu và đưa ra nhận xét rất cụ thể về những kiến thức thừa hoặc quá nặng đối với học sinh của từng khối lớp.

Bà Hiền chỉ ra rằng, khối lượng kiến thức cơ bản của học sinh hiện nay lớn và rộng hơn so với trước đây. Một số nội dung của lớp trên đưa xuống lớp dưới nhưng khi cập nhật những kiến thức này các em còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như cộng trừ trong phạm vi 100 của lớp 2 đưa xuống lớp 1; phép nhân của lớp 3 đưa xuống lớp 2; 4 phép tính phân số của lớp 5 đưa xuống lớp 4…

Với phân môn học vần, học sinh lớp 1 phải luyện đọc những bài có các vần rất khó đọc như: uyt, oeo, oao, uyu, oong… nhưng không dạy ở phần vần mà lại đưa vào phần tập đọc. Đối với môn toán ở lớp 2, các tiết học bảng cộng, trừ có nhớ liền nhau làm học sinh khó nhớ và dễ nhầm lẫn. Theo bà Hiền, một số nội dung trong chương trình toán lớp 2 hiện hành rất nặng vì đưa từ chương trình lớp 3 (cũ) xuống. Tương tự, với môn toán lớp 4, bà Hiền chỉ ra hàng loạt những kiến thức quá khó với học sinh, như vẽ hai đường thẳng vuông góc, chia cho số có hai - ba chữ số (trong khi đó không có bài dạy cách nhẩm thương).

Ngược lại, có những nội dung lặp đi lặp lại khiến học sinh nhàm chán. Chẳng hạn môn toán lớp 3 bài về số 10.000 có tới 6 bài tập yêu cầu chung là “viết các số…”. Nhiều giáo viên nhận định phần hình học ở môn toán lớp 5 là quá khó đối với học sinh, đặc biệt là hình học không gian, toán chuyển động 2 động tử. Một giáo viên dạy lớp 5 Trường tiểu học Thăng Long, Q.Hoàng Mai (Hà Nội), cho hay: “Nội dung này đưa vào sớm quá khiến dù giáo viên có giảng đi giảng lại thì học sinh lớp 5 cũng không thể nắm được bản chất”.

Ở môn địa lý lớp 4, khi học về Thủ đô Hà Nội, học sinh phải học số liệu về số dân, về diện tích, lược đồ… quá cũ so với sự thay đổi của thực tế vì số liệu không được cập nhật hằng năm.

Trước thực tế này, không ít giáo viên tiểu học nhận định lớp 4, lớp 5 ở tiểu học kiến thức mới và khó đưa vào dồn dập, liên tiếp, giáo viên dạy còn thấy “mệt” chứ không nói đến học sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, SGK hiện nay đang thừa nhiều kiến thức hàn lâm và thiếu kỹ năng thực hành. Do vậy, sau năm 2015 cần có nhiều bộ SGK khác nhau (được Bộ phê duyệt), tăng cường kỹ năng thực hành cho học sinh, hỗ trợ giáo viên dạy học sinh có năng lực phân tích kiến thức, giải quyết vấn đề trong cuộc sống hơn là đưa quá nhiều kiến thức như hiện nay.

Nên bỏ việc đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số

Tại buổi làm việc với Ủy ban Giám sát thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 4, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM), đề xuất bỏ việc đánh giá kết quả học tập bằng điểm cho HS tiểu học. Bà Hạnh phân tích: “Dù quá trình đánh giá kết quả học tập của HS tiểu học đã điều chỉnh từ việc mỗi năm lấy điểm 4 bài kiểm tra xuống còn điểm kỳ cuối để nhằm xét lên lớp nhưng vẫn cần có sự thay đổi mang tính ưu việt hơn nữa. Lứa tuổi này chỉ cần tiếp thu những kiến thức cơ bản, nhẹ nhàng”.

Về chương trình giáo dục hiện hành, ban giám hiệu trường cho rằng: “Tuy có điều chỉnh, giảm tải nhưng vẫn chưa theo kịp với thực tế, vẫn còn nặng lý thuyết, còn tích hợp nhiều môn, phân phối chương trình không có thời gian cho trải nghiệm thực tế vì 22 tiết/tuần ngồi trong lớp học... Để không đặt nặng vấn đề kiến thức thì cần xóa bỏ việc đánh giá kết quả học tập bằng điểm số bởi còn cho điểm chắc chắn sẽ gây áp lực với HS và cha mẹ. Chỉ cần đánh giá qua các nhận xét về sự tiến bộ từng mặt như học tập, đạo đức, các hoạt động phong trào...”.

B.Thanh (ghi)

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/chuong-trinh-nang-vi-kien-thuc-thua-32292.html