Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' ở Sóc Sơn

Xác định rõ Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình này và đạt được những kết quả thiết thực.

Dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn) được công nhận là sản phẩm OCOP "4 sao". Ảnh: Nhịp sống Hà Nội

Dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn) được công nhận là sản phẩm OCOP "4 sao". Ảnh: Nhịp sống Hà Nội

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ cho biết: Ðến hết năm 2021, huyện Sóc Sơn đã có 76 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 10 sản phẩm 3 sao; 66 sản phẩm 4 sao).

Trong tổng số 76 sản phẩm OCOP được công nhận có 64 sản phẩm thực phẩm (chiếm 84,2%); 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí (chiếm 15,7%).

Ðáng chú ý, có 2 chủ thể (Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng và Hợp tác xã Tâm Ngọc) đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động khuyết tật trên địa bàn.

Các sản phẩm được thành phố công nhận OCOP là những sản phẩm có giá trị chất lượng, kinh tế, đã có vị thế, uy tín trên thị trường như: Các sản phẩm rau hữu cơ, nấm công nghệ cao KMS, bánh chưng xanh Hải Yến, chuối tiêu hồng Nam Sơn (OCOP 4 sao), các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Trái tim Hồng (OCOP 4 sao), nhóm sản phẩm chè an toàn Bắc Sơn, trà thảo dược Tâm Ngọc (OCOP 4 sao), nhóm sản phẩm gà vi sinh (OCOP 4 sao), thịt lợn trùn quế Bắc Phú, đu đủ Nam Sơn, ngô ngọt, măng tây Ngọc Mai (OCOP 3 sao), sản phẩm tranh gạo Ðông Xuân (OCOP 4 sao).

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Nam Sơn, Nguyễn Văn Việt cho biết: Hợp tác xã chủ yếu phát triển sản phẩm chuối và đu đủ. Hiện diện tích trồng chuối là 20ha với sự liên kết của gần 90 hộ dân; diện tích trồng đu đủ là 24ha với 100 hộ liên kết. Từ năm 2021, chuối đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đu đủ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ðiều này đã mang lại giá trị lớn cho hai sản phẩm trong quá trình tiêu thụ cũng như định giá sản phẩm. Theo đó, khi được công nhận OCOP, giá bán chuối và đu đủ đều có xu hướng tăng và mở rộng được các kênh tiêu thụ. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, sản phẩm chuối luôn ở trong tình trạng "cháy" hàng vì nhu cầu thu mua rất lớn. Hiện mỗi héc-ta chuối cho doanh thu khoảng 280 triệu đồng/năm; đu đủ cho doanh thu khoảng 270 triệu đồng/năm.

Về hướng phát triển tới đây, ông Nguyễn Văn Việt thông tin, sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chuối và đu đủ theo nhu cầu của thị trường; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Thực tế, huyện Sóc Sơn vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm OCOP. Cụ thể, trên địa bàn huyện hiện có 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, nổi bật như chuỗi liên kết sản xuất Nấm công nghệ cao KMS (quy mô 0,8ha); chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ theo PGS (chứng nhận hữu cơ được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam) và tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (37,5ha), chuỗi liên kết sản xuất dược liệu định hướng hữu cơ (30ha), chuỗi liên kết sản xuất hoa nhài Sóc Sơn (148ha), chuỗi liên kết sản xuất chè sạch Bắc Sơn (409ha), chuỗi liên kết sản xuất gà vi sinh Sóc Sơn (20.000 con), chuỗi liên kết sản xuất trứng gà Sóc Sơn (30.000 con)...

Ngoài ra huyện còn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã phát huy hiệu quả kinh tế. Cụ thể có những mô hình: Chăn nuôi gà vi sinh theo hướng hữu cơ, chăn nuôi lợn giun quế, nuôi gà đẻ trứng, sản xuất rau thủy canh... Huyện cũng đã hoàn thành xây dựng phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm gồm: Rau hữu cơ Thanh Xuân, bưởi Sóc Sơn gốc Diễn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, rau an toàn Ðông Xuân, đu đủ Nam Sơn, gà đồi Sóc Sơn, tre trúc Thu Thủy, dược liệu Sóc Sơn và có hơn 10 thương hiệu hàng nông sản do hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, hơn 100 chủng loại sản phẩm được truy xuất nguồn gốc QRcode.

Những lợi thế trên chính là cơ sở để huyện đặt mục tiêu năm 2022 có từ 10 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên; duy trì, phát triển 76 sản phẩm đã được công nhận sao, phát triển 5 điểm bán hàng OCOP trên địa bàn huyện nhằm không ngừng quảng bá, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Kim Lữ, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP thực hiện kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ nhãn, mác, bao bì sản phẩm; bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá các sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn để hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng theo quy định.

Tiến Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-o-soc-son-post716976.html