“Chương trình Mekong” tròn 1 tuổi

(TBKTSG) - “Chương trình Mekong” - một trong năm chương trình xã hội thuộc Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation - STF), được thành lập với mục đích cho sinh viên sinh sống tại ĐBSCL vay tiền đóng học phí không tính lãi - vừa tròn một tuổi kể từ tháng 9-2009. Tuần rồi, đại diện STF và thầy trò trường Đại học Cần Thơ đã có cuộc trao đổi về việc mở rộng chương trình.

Hồ Hùng Thầy trò trường Đại học Cần Thơ tại cuộc trao đổi về việc mở rộng "Chương trình Mekong". Ảnh: Huỳnh Kim. Mở đầu cuộc trao đổi, ông Châu Văn Lực, Phó hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, khẳng định: “Khi các bạn khó khăn trong việc đóng học phí, “Chương trình Mekong” sẽ cho mượn”. Trong khi đó, giải thích về việc tại sao chương trình chỉ chọn sinh viên chưa vay tiền từ những khoản vay ưu đãi của Chính phủ để xét cho vay, đại diện STF cho biết: “Chương trình không muốn để sinh viên phải mắc nợ hai lần. Chương trình muốn hỗ trợ, giúp sinh viên quê ở ĐBSCL vượt qua khó khăn trong việc lo học phí trong suốt quá trình học tập”. Nói về ý nghĩa thiết thực của chương trình, Ngô Văn Xung Phong, sinh viên khoa Xây dựng, một trong 93 sinh viên Đại học Cần Thơ đang vay tiền của chương trình, cho rằng “dù số tiền cho vay không lớn, chỉ bằng mức học phí theo từng năm học, nhưng rất ý nghĩa đối với sinh viên”. Không tỏ ra lo lắng là “Chương trình Mekong” đang tiến khá chậm, mới chỉ cho vay được hơn một phần tư trong nguồn quỹ ban đầu 4 tỉ đồng, bạn Ngô Tường Vi ở khoa Công nghệ cho rằng: “Vì chương trình còn mới và trong năm ngoái, nhiều sinh viên chỉ biết đến chương trình sau khi đã vay ưu đãi của Chính phủ. Vả lại, với ưu điểm là cho vay không tính lãi, tôi tin chắc là từ năm nay trở đi sẽ có rất nhiều sinh viên đến với chương trình”. Tuy nhiên, Ngô Tường Vi cũng đề nghị chương trình nên cho sinh viên trả nợ thành nhiều lần thay vì một lần sau một năm tốt nghiệp. Đồng tình với Vi, sinh viên Võ Thanh Tuấn ở khoa Sư phạm thể dục thể thao góp ý: “Nếu sau thời gian quy định, chúng em chưa tìm được việc làm, đề nghị chương trình cho gia hạn nợ không tính lãi”. Trong khi đó, bạn Phạm Thị Tuyết Giang, sinh viên khoa Luật, người đang thụ hưởng “Chương trình Mekong”, nói: “Chương trình cũng nên khuyến khích các bạn sinh viên đã mượn tiền, sau khi thành đạt nên đóng góp trở lại cho chương trình. Thậm chí ngay từ bây giờ, chúng ta nên vận động các bạn khác tham gia đóng góp, trong khả năng của mình, sao cho chương trình hiệu quả hơn”. Tuyết Giang cũng đề nghị phòng Công tác sinh viên Đại học Cần Thơ, nơi trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình, nên thông qua các khoa và đoàn thanh niên nhà trường để cung cấp thông tin rộng hơn về chương trình cho sinh viên. Một số sinh viên khác còn góp ý, ngoài việc cho mượn tiền đóng học phí, “Chương trình Mekong” nên cho sinh viên mượn tiền mua máy vi tính để hỗ trợ việc học tập, vì 1.000 máy vi tính của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của 40.000 sinh viên đang học ở đây. Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (TPHCM) đã góp 4 tỉ đồng tham gia “Chương trình Mekong”. Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Phát Hưng, ông Võ Anh Tuấn, hy vọng chương trình sẽ góp phần giúp sinh viên ĐBSCL trang trải học phí để đi trọn con đường học tập, sau đó có thể đóng góp cho vùng đồng bằng còn nghèo khó của đất nước. Đến nay, ngoài 93 sinh viên ĐBSCL học ở Đại học Cần Thơ, còn có 46 sinh viên Đại học An Giang và 15 sinh viên Đại học dân lập Cửu Long (Vĩnh Long) cũng đã mượn tiền từ “Chương trình Mekong” để đóng học phí. Ban điều hành chương trình đang làm việc với các trường đại học và cao đẳng khác ở ĐBSCL để tiếp tục cho vay không lãi suất. Mọi liên lạc với “Chương trình Mekong”, vui lòng gặp chị Hải Yến - Thư ký chương trình, e-mail: haiyen@thesaigontimes.vn, ĐT: 08.37402712 Có thể tìm hiểu chương trình tại địa chỉ: www.nhanlucmekong.info.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thoisu/sukien/40841/