Chương trình lớp 1 vừa nhanh vừa nặng nhưng không được giao bài tập về nhà, giáo viên tiểu học TP. HCM đưa ra lý do khiến phụ huynh phải suy ngẫm lại

'Không giao bài tập về nhà thì liệu có mấy gia đình cùng con học. Trong khi đó phụ huynh còn chẳng biết con học tới đâu, hướng dẫn con như thế nào cho phù hợp, dạy thế nào cho đúng', 1 giáo viên bày tỏ quan điểm.

Trước những phản ánh từ phụ huynh và giáo viên về việc chương trình lớp 1 năm nay khá nặng, trẻ phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn, giáo viên cũng vất vả trong việc dạy học, Bộ GD&ĐT đã gửi Công văn 3977/BGDĐT-GDTH, đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý, đặc biệt "không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh".

Bên cạnh một vài ý kiến cho rằng quy định này sẽ giảm tải sức ép cho học sinh lớp 1, cũng có nhiều phản biện chỉ ra, việc này chỉ giải quyết được phần ngọn là rút ngắn thời gian dành cho việc học mà không giải quyết được phần gốc là làm cách nào để các con theo kịp chương trình vốn được thiết kế với tốc độ nhanh hơn so với khả năng tiếp thu của trẻ.

Bộ GD&ĐT đã gửi Công văn đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý, đặc biệt "không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh". (Ảnh minh họa)

"10 ngày nay cô giáo không cho bài tập về nhà nhưng tối nào tôi cũng phải ngồi kèm con học đều như vắt chanh. Thực tế, việc có cho bài tập về nhà hay không không phải là vấn đề then chốt. Nhìn khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa lớp 1 mà không ra bài về nhà thì khó, rất khó cho cả cô và trò hoàn thành ở lớp. Điều cần làm là giảm tải chương trình học và cho thêm bài tập về nhà. Như vậy, các con sẽ không còn áp lực và rèn được tính tự giác", chị Huỳnh Thy Lâm, một phụ huynh ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM cho biết.

Không giao bài về nhà, khó nắm hết bài ở lớp

Trên một diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, quy định này cũng gây ra nhiều tranh cãi trái chiều, trong đó, chiếm đa số là các ý kiến cho rằng nếu không giao bài tập về nhà, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là học sinh.

Cô Lê Thị Loan, giáo viên tiểu học tại quận 4, TP.HCM chia sẻ: "Chương trình học một tiết đến mấy âm đơn, thêm 3 âm ghép, tập viết quá nhiều, 35 đến 40 phút môn tiếng Việt không đủ thời gian để truyền thụ hết. Mỗi ngày 4 đến 5 môn 1 buổi. Mỗi môn 1 bài khác nhau ngày nào phải dạy bài của ngày đó, không thể chỉ ôn đi ôn lại bài tiếng Việt.

Tôi nghĩ bài tập về nhà là cần thiết, vấn đề là giao về như thế nào để học sinh ôn bài củng cố nắm chắc kiến thức cũ chứ không phải nhồi nhét để học thêm bài học mới. Còn không giao học sinh sẽ thành thói quen không học bài ở nhà. Học sinh học chậm yếu rỗng kiến thức thiệt thòi về ai thì bố mẹ cũng hiểu".

"Có sáng dạy 2 tiết đến chiều có thêm tiết bổ trợ, tôi hỏi sáng nay các em học những âm gì, chữ gì thì chỉ có vài học sinh nhớ, thế mà tối về vui chơi không ôn bài nữa chắc mai đến lớp như trẻ mầm non thôi. Bộ GD&ĐT quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh nhưng không có nghĩa là dừng việc học của trẻ tại nhà. Phụ huynh vẫn nên dành 30 phút/ngày để giúp con ôn bài và chuẩn bị bài mới", cô Loan nói thêm.

Trên thực tế, các bộ sách tiếng Việt năm nay với lượng kiến thức đưa vào bài học có phần nặng với năng lực của học sinh lớp 1. Ở chương trình cũ, trẻ được luyện con chữ trong thời gian đầu. Nhưng sách giáo khoa mới, ngay từ tuần thứ nhất, học sinh lớp 1 đã học về thanh điệu, ghép vần. Thậm chí được yêu cầu viết từ, câu khá dài hay đọc trơn đoạn thơ 4, 5 câu ngay từ tuần 3, 4.

Với trẻ em vùng nông thôn, học trò vào lớp 1 như một tờ giấy trắng không biết mặt chữ lại càng khó khăn cho giáo viên hơn. "Là một giáo viên dạy vùng nông thôn, qua hơn 1 tháng dạy học tôi thấy kiến thức quá nặng đối với trẻ 6 tuối, các con còn chưa thuộc hết bảng chữ cái thì làm sao phát âm được nhiều âm, tiếng, từ trong một bài được. Một buổi học cô và trò xoay không kịp, thậm chí còn ra chơi muộn so với các lớp khác. Vùng nông thôn khó khăn, bố mẹ có khi đi làm ăn xa, con ở với ông bà. Chúng tôi cảm thấy rất vất vả và lo lắng rằng cuối năm học các con có đọc và viết thành thạo hay không? Không giao bài tập về nhà thì quay sao nổi với thời gian ở lớp những mấy chục em như thế?", cô Hoàng Lan, một giáo viên tiểu học bày tỏ.

Cô Minh Xuân, giáo viên tiểu học tại quận 10, TP.HCM cho biết: "Ở trường chúng tôi phải lên danh sách những bạn có kỹ năng viết kém để kèm riêng. Đồng thời, tôi gửi phiếu nhắc hàng tuần qua nhóm chat để phụ huynh nắm bắt và nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ giúp các con ôn bài tại nhà. Nếu không có cha mẹ hỗ trợ tại nhà, một số bạn học chậm sẽ khó theo kịp chương trình".

Bài tập về nhà giúp trẻ tạo nề nếp học tập tốt

Rất nhiều phụ huynh cho rằng với chương trình tiếng Việt mới, nếu không có người lớn kèm cặp, hỗ trợ trẻ sẽ không thể làm được bài. "Tôi nghĩ giáo viên cũng không muốn ra bài đâu, nhưng vì chương trình khá nặng, nếu học sinh không hiểu thì chỉ còn cách ra về nhà cho các cháu học lại. Còn phụ huynh chúng tôi thì luôn sợ con không hiểu bài, không theo kịp bài giảng", một phụ huynh cho biết.

Thậm chí, có phụ huynh không biết kèm con từ đâu, phải nhắn tin nhờ cô giáo ghi phiếu bài tập về nhà, tóm tắt những phần cần học để tự kèm con hoặc tìm đủ mọi cách giúp con học thêm để theo kịp chương trình.

"Chương trình cải cách, học sinh vất vả nhưng thầy cô cũng chịu cực không kém. Không giao bài tập về nhà nghĩa là bắt thầy cô gánh hết trách nhiệm trên lớp học. Cho dù giáo viên có không giao bài tập về nhà đi nữa thì bắt buộc cha mẹ vẫn phải kèm cặp con sau giờ học để theo kịp tốc độ bài học", anh Tuấn Anh, một phụ huynh có con học lớp 1 tại Bình Chánh, TP.HCM nhận định.

Trong khi đó, anh Đức Hoàng, một phụ huynh ở quận 3, TP.HCM cho rằng, nếu học sinh chỉ học ở trường rồi về nhà chơi thì không ổn, phải cho các cháu thói quen học tập và tự học. Muốn vậy dù ít nhiều phải có bài tập về nhà.

Anh nói: "Thực tế, việc cho các con vài chữ về nhà cũng phần nào hỗ trợ được các tiết học bị hạn chế trên lớp của giáo viên. Mỗi ngày cô giáo cho 1 trang viết thì có nặng nề gì đâu, ra bài như vậy cũng để biết con mình học gì và tập thói quen cho con có nề nếp học tập. Cần giải quyết vấn đề cốt lõi của chương trình lớp 1 năm nay chứ không phải vấn đề là phụ huynh phản ánh nặng nề thì bảo không cho bài về nhà.

Việc cấm ra bài tập về nhà ở TP.HCM cũng đã xảy ra từ các năm trước, nhưng vấn đề cốt yếu nhất là tại sao giáo viên phải cho bài về nhà thì mãi không thấy xử lý được. Bài vở, kiến thức nhiều rồi áp lực đổ dồn lên đầu con trẻ, phụ huynh nóng lòng không yên tâm, dạy thêm học thêm sẽ lại tiếp diễn là điều dễ hiểu".

Hạ Uyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chuong-trinh-lop-1-vua-nhanh-vua-nang-nhung-khong-duoc-giao-bai-tap-ve-nha-giao-vien-tieu-hoc-tp-hcm-dua-ra-ly-do-khien-phu-huynh-phai-suy-ngam-lai-20201015084750184.htm