Chương trình hỗ trợ Thái Bình Dương cần được ưu tiên trong ngân sách của Australia

Khi đối mặt với áp lực ngân sách trong quá khứ, Australia đã thắt chặt hoạt động của chương trình hỗ trợ phát triển quốc tế và cắt giảm nhân sự trong Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT).

Chương trình hỗ trợ Thái Bình Dương cần được ưu tiên trong ngân sách của Australia. Ảnh: TTXVN phát

Chương trình hỗ trợ Thái Bình Dương cần được ưu tiên trong ngân sách của Australia. Ảnh: TTXVN phát

Chính phủ Liên bang Australia đang trong quá trình chuẩn bị dự thảo ngân sách quốc gia trong năm tài chính 2019-2020 dự kiến công bố vào tháng 10, chậm 5 tháng so với kế hoạch ban đầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Giới quan sát dự đoán Australia có thể cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực do tác động của đại dịch.

Khi đối mặt với áp lực ngân sách trong quá khứ, Australia đã thắt chặt hoạt động của chương trình hỗ trợ phát triển quốc tế và cắt giảm nhân sự trong Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT). Đây có thể là lĩnh vực mà chính phủ sẽ xem xét cắt giảm chi tiêu trong thời gian tới.

Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài viết của tác giả Jeffrey Wall đăng trên trang của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) về sự cần thiết của những chương trình hỗ trợ đối với khu vực Nam Thái Bình Dương của Australia.

Bất chấp những áp lực lớn trong nước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình này được hy vọng tiếp tục duy trì nhằm hỗ trợ cho Papua New Guinea (PNG) và khu vực các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.

Sửa đổi và tái cấu trúc chương trình này là điều nên thực hiện, nhưng bất kỳ sự cắt giảm đáng kể nào cũng sẽ gửi một thông điệp xấu tới các nước láng giềng của Australia, trong khi hầu như tất cả các nước đều đang phải đấu tranh nhằm ổn định nền tài chính và kinh tế-xã hội.

Mức độ tác động của đại dịch COVID-19 đối với mỗi quốc gia là khác nhau và về cơ bản đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 tại Nam Thái Bình Dương vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa, cấm đi lại và các yếu tố liên quan đang tàn phá các quốc gia tại đây.

Australia ưu tiên mối quan tâm hàng đầu là các quốc gia láng giềng như PNG, Vanuatu, Quần đảo Solomons và Fiji, song nước này cũng cần quan tâm đến những tác động của khủng hoảng đối với các quốc gia và khu vực có quy mô nhỏ khác như Tonga, Samoa, New Caledonia và Quần đảo Cook.

Hơn 1 tỷ USD hỗ trợ cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương là một phần đáng kể trong ngân sách quốc gia của Australia. Tuy nhiên, có những lý do phi tài chính buộc Chính quyền Australia vẫn phải duy trì khoản hỗ trợ này, ít nhất là trong năm tài chính hiện nay.

Lý do đầu tiên là điều kiện kinh tế và xã hội của các nước láng giềng quan trọng đang bị ảnh hưởng lớn. Di chuyển giữa Australia và các quốc gia này vẫn đang không thể được thực hiện ít nhất là trong năm nay và có thể là nhiều năm tới.

Du lịch mang ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế Fiji và rất quan trọng đối với Vanuatu, Samoa và Tonga. Nếu du lịch giữa các quốc gia này với Australia và New Zealand tiếp tục bị cấm do lo ngại sự lây lan của đại dịch, hậu quả đối với lĩnh vực kinh doanh và du lịch của những quốc đảo này sẽ thực sự khủng khiếp.

Chương trình viện trợ của Australia cho các quốc gia Nam Thái Bình Dương nhỏ hơn cần sửa đổi khẩn cấp để giúp các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh và việc Australia đóng cửa biên giới.

Đầu tư của Australia vào các ngành du lịch, khách sạn và dịch vụ tại các quốc gia này là không nhỏ và sự giúp đỡ của Australia sẽ giúp cả các nhà đầu tư của nước này và hàng ngàn nhân công mà các công ty Australia đang sử dụng trên toàn khu vực.

Trong khi đó, nhu cầu cần hỗ trợ của PNG và Quần đảo Solomon ít liên quan đến du lịch. Hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp Australia hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại PNG và hàng trăm doanh nghiệp khác đang hoạt động tại Quần đảo Solomon, Quần đảo Cook, Samoa và Tonga. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để tồn tại và tình hình của các doanh nghiệp sẽ ngày càng tệ hơn trước khi tình hình đại dịch có thể được kiểm soát.

Vẫn còn khoảng 3 tháng nữa cho đến thời gian công bố ngân sách quốc gia, đó là thời gian đủ để DFAT và các cơ quan chính phủ khác tham gia với các doanh nghiệp Australia hoạt động trong khu vực và thảo luận về những biện pháp hỗ trợ thiết thực, hợp lý để có thể nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong thời gian dài nhất có thể.

Các hạn chế chặt chẽ về đi lại sẽ là yếu tố gây khó khăn cho việc duy trì các chương trình hỗ trợ phát triển hiện tại của Australia ít nhất là đối với các khoản hỗ trợ của năm tài chính hiện tại. Nhiều chương trình trong số đó liên quan đến y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội.

Khoản tiền viện trợ đó không nên bị dừng lại hoặc trả chậm. Khoản tiền đó cần được chuyển hướng một cách sáng tạo.

Một lựa chọn có thể được xem xét khẩn cấp là mở rộng chương trình lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp của Australia với những hệ thống kiểm dịch thích hợp được áp dụng. Chương trình này có thể được đẩy mạnh vào thời điểm mà người nông dân của Australia cần thêm nhân công.

Tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp tại các quốc gia Nam Thái Bình Dương có thể cung cấp một lượng nhân công từ các quốc gia này để lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động của Australia. Hầu hết những lao động này sẽ chuyển các khoản thu nhập của họ tại Australia về gia đình của họ ở trong nước, qua đó có thể giúp giảm bớt áp lực kinh tế hiện nay ở các quốc gia này.

Chương trình này sẽ chỉ hoạt động với sự ủng hộ và quản lý của chính phủ liên bang và sự tham gia của chính quyền các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia. Đây có thể chỉ là một biện pháp ngắn hạn, nhưng sẽ tăng cường sự giao lưu người dân trong khu vực và đó sẽ là trái tim và linh hồn của chương trình tài trợ của Australia.

Hỗ trợ cho khu vực tư nhân tại các nước láng giềng trong khu vực của Australia thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển cần được duy trì ít nhất ở mức hiện tại cho đến khi tác động của đại dịch giảm dần. Đó có thể là nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.

Một lý do khác khiến Australia phải duy trì chương trình hỗ trợ phát triển khu vực Nam Thái Bình Dương là việc Trung Quốc sẽ ngay lập tức tham gia vào bất kỳ khoảng trống nào mà Australia để lại.

Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường viện trợ trong khu vực như những gì mà các phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin. Bất kỳ sự suy giảm nào trong việc tham gia vào khu vực của Australia sẽ là cơ hội để Trung Quốc tham gia vào khu vực.

Australia cần có sự đảm bảo đối với các quốc gia trong khu vực rằng Australia sẽ không rời khỏi các quốc gia này mặc dù cũng chịu những tác động lớn về tài chính và kinh tế bởi đại dịch.

Một chương trình hỗ trợ phát triển có mục tiêu, tập trung mạnh mẽ hơn nữa vào sự kết nối người dân và kết nối doanh nghiệp chắc chắn là những gì mà Australia cần thực hiện trong hiện tại cũng như trong tương lai./.

Hoàng Linh (TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuong-trinh-ho-tro-thai-binh-duong-can-duoc-uu-tien-trong-ngan-sach-cua-australia/164720.html