Chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

LTS: Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, Báo Biên phòng trân trọng đăng tải nội dung Chương trình hành động của các ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, với những nhiệm vụ cam kết của người ứng cử nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.

Thiếu tướng Đỗ Quang Thành. Ảnh: Thế Tùng

Thiếu tướng Đỗ Quang Thành. Ảnh: Thế Tùng

1. Tóm tắt sơ yếu lý lịch:

- Họ và tên: Đỗ Quang Thành

- Cấp bậc: Thiếu tướng

- Chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

- Nơi làm việc: Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

2. Tóm tắt quá trình công tác của bản thân:

-Từ tháng 9/1983 đến tháng 8/1986: Là học viên Trường Sĩ quan Biên phòng.

-Từ tháng 4/1990 đến tháng 8/2009: Được bổ nhiệm các chức vụ khác nhau, từ Đại đội trưởng Đại đội Cơ động, Đồn phó Quân sự, Đồn trưởng, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Cao Bằng.

-Từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2016: Được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cao Bằng; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, khóa XVII, nhiệm kỳ 2015-2020; Phó Bí thư Đảng ủy BĐBP tỉnh Cao Bằng; Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XV, nhiệm kỳ 2011-2016.

-Từ tháng 10/2016 đến tháng 6/2017: Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV.

-Từ tháng 7/2017 đến nay: Là Ủy viên Thường trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và được phong quân hàm Thiếu tướng.

3. Tóm tắt thành tích, kết quả hoàn thành nhiệm vụ:

Tôi sinh ra, lớn lên tại tỉnh Cao Bằng và đã dành phần lớn thời gian (hơn 33 năm) làm việc tại tỉnh nhà. Cho nên, tôi rất thấu hiểu con người và vùng đất Cao Bằng, hiểu được tâm tư, tình cảm của bà con, các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Cao Bằng. Trong thời gian công tác tại tỉnh nhà, tôi từng trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau và đã có ít nhiều đóng góp cho chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang của tỉnh Cao Bằng.

Năm 2016, được sự tin tưởng của quý vị cử tri tỉnh nhà, tôi được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng. Ngay sau đó, tôi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn làm Ủy viên Thường trực, rồi bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021).

Trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, cũng như cùng với tập thể Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tôi đã tích cực hoạt động, phát huy năng lực công tác và đã có ít nhiều đóng góp, góp phần xây dựng quê hương Cao Bằng giàu đẹp, phồn vinh; xây dựng các lực lượng vũ trang vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

- Với tư cách là ĐBQH khóa XIV của tỉnh Cao Bằng, tôi đã thực hiện nghiêm túc lời hứa với cử tri bầu ra mình; không vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội, tham gia tích cực vào các diễn đàn của Quốc hội và các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng; thường kỳ tiếp xúc với cử tri đầy đủ, có trách nhiệm, lắng nghe tâm tư, tình cảm, khó khăn vướng mắc, những kiến nghị xác đáng của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà để chuyển tải đến các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Đặc biệt, tôi đã tích cực phát biểu đóng góp tại các diễn đàn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sau đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14. Đây là Đề án có liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi trong đó có tỉnh Cao Bằng. Đề án đã xác định: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...

Bên cạnh đó, tôi đã cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng trên diễn đàn Quốc hội, thảo luận tổ cũng như những lần làm việc đã có ý kiến kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn. Và đến ngày 10-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Việc triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỳ vọng sẽ tạo sự phát triển đột phá, nâng tầm vị thế về kinh tế, đầu tư, quốc phòng, an ninh cho tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

- Với tư cách là Ủy viên Thường trực, rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, tôi đã cùng với các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và ứng phó kịp thời với những diễn biến tình hình trước những vấn đề mới, nhạy cảm, phức tạp của thế giới và khu vực. Đó là: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Cảnh sát Biển Việt Nam; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Tôi đã trực tiếp chỉ đạo thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam để trình Quốc hội thông qua với số phiếu đồng thuận rất cao. Luật Biên phòng Việt Nam đã thể chế kịp thời ý chí của Đảng, nguyện vọng của Nhân dân trong hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; đã bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý một cách đầy đủ, có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực biên phòng; nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài. Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam đã tạo sự yên tâm, phấn khởi, động viên không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP mà còn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, trong quá trình tổ chức, thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong điều kiện hiện nay, trong đó có lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng chúng ta.

Ngoài ra, tôi còn tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng và An ninh, của Đoàn ĐBQH của tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật liên quan các vấn đề về quốc phòng - an ninh, góp phần đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống như: Về công tác phòng cháy, chữa cháy; an ninh, an toàn hàng không; cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh...; đồng thời cùng các ĐBQH tham gia quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Để có những thành quả hoạt động của tôi trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đối với cấp ủy, chính quyền và quý vị cử tri tỉnh Cao Bằng đã dành nhiều tình cảm, sự tin tưởng đối với cá nhân tôi cũng như các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng thời gian qua.

Mặc dù có nhiều cố gắng của các ĐBQH, nhưng nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh còn rất nặng nề, đòi hỏi các vị ĐBQH tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ tiếp theo phải tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, năng động trong công tác, tích cực phản ánh ý chí, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trên các diễn đàn của Quốc hội, các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương; đoàn kết thực hiện thành công các Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ 19 đã đề ra.

4. Dự kiến Chương trình hành động của bản thân nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV:

Nếu được cử tri tín nhiệm lựa chọn bầu tôi là ĐBQH khóa XV của tỉnh Cao Bằng (nhiệm kỳ 2021-2026), tôi xin hứa sẽ làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là: Phát huy vị trí, vai trò của ĐBQH, là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội; chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình; có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn ĐBQH; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Hai là: Phát huy tốt khả năng, sở trường và kinh nghiệm công tác để làm thật tốt vai trò của người đại biểu nhân dân, dành nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, để hiểu rõ hơn cuộc sống thực tế của cử tri và nhân dân. Lắng nghe và tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị xác đáng của cử tri và nhân dân để đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trên các lĩnh vực như công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống chính sách xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo cải thiện nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...

Ba là: Cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng tiếp tục sát cánh, đồng hành với chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng trong các mặt hoạt động, nhất là tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất với Trung ương quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền, các đồng bào dân tộc miền núi nói chung, đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đảng của nhân dân, của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bốn là: Tiếp tục cùng với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; chú trọng xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững biên cương của Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng các lực lượng vũ trang ngày càng lớn mạnh, trong đó có các lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng.

Năm là: Không ngừng tu dưỡng đạo đức của bản thân, kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật. Gương mẫu và vận động Nhân dân, gia đình nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

BP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuong-trinh-hanh-dong-cua-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-post439558.html