Chương trình hàng ngàn tỷ: Vì sao bị phản ứng?

Có thể nói, người dân Hà Nội không chống lại việc triển khai chương trình Sữa học đường, mà cái họ cần là sự minh bạch và giám sát chặt chẽ.

“Sữa học đường” đang là đề tài mà rất nhiều phụ huynh Hà Nội quan tâm bàn luận những ngày gần đây. Bản thân tôi cũng được một bà mẹ có con học tiểu học ở Hà Nội cho biết cô đã từ chối tham gia chương trình này vì còn một số băn khoăn. Hơn nữa, nói là tự nguyện nhưng khi chị cho con thông báo với cô giáo, cô lại gọi cho chị hỏi vì sao lại không tham gia.

Trên mạng xã hội không ít ý kiến thắc mắc hãng nào cung cấp, lo ngại về chất lượng sữa được sản xuất riêng cho chương trình, tình trạng cận date, hết date, nguy cơ trẻ bị ngộ độc... Những ý kiến trái chiều khiến cho việc triển khai Chương trình Sữa học đường của Thủ đô gặp khó khăn.

Đây rõ ràng là một nghịch lý. Bởi có thể nói Sữa học đường là một chương trình rất hữu ích cho trẻ em và vốn đã triển khai nhiều năm êm đẹp tại một số tỉnh thành, tới Hà Nội lại bị phản ứng?

Một kết quả khảo sát được công bố gần đây của FAO và Liên đoàn sữa quốc tế IDF cho thấy có 140 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang được hưởng lợi từ chương trình sữa học đường. Trong đó có 58% các chương trình hiện có trẻ em được cung cấp sữa miễn phí và 27% thì được trợ cấp.

Tại nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… chương trình Sữa học đường được triển khai từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Và ở hầu hết các quốc gia nói trên, Sữa học đường được miễn phí trong Bữa trưa của trẻ em ở nhà trường. Chi phí được lấy ra từ ngân sách, từ đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân hiến tặng…

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội – cũng chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%.

Với tình trạng thể chất thấp kém như vậy, mỗi ngày chậm triển khai cho trẻ uống Sữa học đường là một ngày để lỡ cơ hội phát triển của trẻ. Vì vậy nên chương trình Sữa học đường khi triển khai tại Việt Nam, mà bắt đầu từ Bà Rịa - Vũng Tàu được người dân hưởng ứng.

Phụ huynh muốn con mình cao lớn, khỏe mạnh, nhưng cũng cần sự minh bạch. Ảnh minh họa

Phụ huynh cần sự minh bạch

Bản thân chương trình Sữa học đường mà Hà Nội công bố cũng hứa hẹn những thông tin khá tốt đẹp, đó là “cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020”. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...

Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày đi học một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml, có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%. Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.

Nhưng vì sao lại có nhiều ý kiến bức xúc, phản đối chương trình vốn được coi là mang tính nhân văn này?

Phải chăng trước hết xuất phát từ sự giảm sút niềm tin của phụ huynh vào nhà trường, thầy cô và rộng hơn là với ngành giáo dục. Vấn đề này ở tỉnh thành nào cũng xảy ra, nhưng trầm trọng hơn ở các đô thị lớn, nơi rất nhiều nguồn lực của các gia đình được dành cho giáo dục.

Chẳng hạn những vấn đề như lạm thu, thu sai quy định, những khoản đóng góp núp dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc. Hay thời gian qua là những nghi ngờ về “tiểu xảo” in SGK khiến sách không thể tái sử dụng, phụ huynh năm nào cũng tốn tiền mua mới, lãng phí cả nghìn tỷ đồng. Phụ huynh thường xuyên cảm thấy đang bị “rút túi” theo đủ cách.

Mặt khác, các thông tin được cung cấp không đủ thỏa mãn phụ huynh. Ví dụ, chương trình Sữa học đường tại các trường sở ở Thủ đô sẽ đấu thầu. Vậy việc đấu thầu này có công khai, minh bạch hay không là điều cha mẹ học sinh rất quan tâm khi số tiền lên tới hàng nghìn tỷ.

Và cuối cùng, trong các trường hợp ngộ độc tập thể liên quan tới sữa ở học đường, cách xử lý ra sao cho dân tin cũng là chuyện cần dự liệu trước. Lo ngại này không hề vô căn cứ. Tháng 3 vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai đã phải yêu cầu tạm dừng cho trẻ uống sữa theo đề án Sữa học đường sau khi hơn 70 học sinh mầm non và tiểu học tỉnh này phải nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi uống sữa buổi sáng.

Có thể nói, người dân Hà Nội không chống lại việc triển khai chương trình Sữa học đường, mà cái họ cần là sự minh bạch và giám sát chặt chẽ. Như đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An chỉ ra, Hà Nội cần phải minh bạch về các vấn đề căn cốt của chương trình mà dân đang quan tâm. Đó là minh bạch về đấu thầu, về giá sữa, về chất lượng, về vì sao phải bổ sung vi chất vào sữa, về % hỗ trợ giá sữa, v.v…

Bởi thực chất phần tiền ngân sách hỗ trợ mỗi hộp sữa cũng là từ tiền thuế của dân, đồng thời lại thu hút thêm tiền đóng góp từ dân. Nếu không minh bạch, người dân sẽ không đồng thuận.

Nguyễn Anh Thi

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/sua-hoc-duong-muon-con-cao-lon-nhung-cung-can-su-minh-bach-480293.html