Chương trình giao lưu văn học nghệ thuật 'Người chiến sĩ và những chuyến đò'

Ngày 19-11, tại Trường Trung cấp Biên phòng 1 (Bắc Giang), Cục Chính trị BĐBP phối hợp với Thư viên Quân đội tổ chức Chương trình giao lưu văn học nghệ thuật 'Người chiến sĩ và những chuyến đò' nhân dịp kỷ niêm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2018). Tới dự có Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP; Trung tá Mạc Thùy Dương, Phó Giám đốc Thư viện Quân đội...

Các vị khách mời giao lưu tại chương trình. Ảnh: Quang Long

Tại chương trình giao lưu, ngoài các tiết mục văn nghệ đặc sắc do Nhà Văn hóa, Cục Chính trị BĐBP và cán bộ, chiến sĩ của Trường Trung cấp Biên phòng 1 biểu diễn, các đại biểu còn được giao lưu với các khách mời là nhà thơ Trần Đăng Khoa, Đại tá - nhà văn Trần Hữu Tòng, nhạc sĩ Ngọc Khuê. Họ đều là những người lính từng sống, chiến đấu và sáng tác những tác phẩm có giá trị về đề tài người lính, trong đó có hình ảnh về người chiến sĩ mang quân hàm xanh. Đặc biệt, các vị khách mời còn chia sẻ nhiều câu chuyện tái hiện những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc ta, những chuyến đi sáng tác, những tác phẩm có gắn liền với hình ảnh của người chiến sĩ Biên phòng.

Đại tá Văn Ngọc Quế tặng hoa cho các vị khách mời trong chương trình. Ảnh: Quang Long

Nhà văn Trần Hữu Tòng chia sẻ, tác phẩm ông thấy tâm đắc nhất về đề tài người chiến sĩ Biên phòng là “Trung với Đảng, hiếu với dân” (năm 1965) và “Bên dòng Păng Pơi” (năm 1971). Đặc biệt, với tác phẩm “Trung với Đảng, hiếu với dân”, ông lấy cảm hứng từ người Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ. Với những nét chữ cái còn in trên vách núi khi liệt sĩ Trần Văn Thọ dạy cho đồng bào dân tộc Hà Nhì, trong suy nghĩ của nhà văn Trần Hữu Tòng đấy chính là “người thầy giáo mang quân hàm xanh đầu tiên” mang con chữ cho đồng bào dân tộc Hà Nhì; là tấm gương tiêu biểu cho hình tượng thầy giáo nơi vùng biên ải, cũng là tấm gương để ông viết tác phẩm.

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, hình ảnh người lính Biên phòng ở nơi biên ải được ông khắc họa sâu sắc trong bài thơ “Đỉnh núi”: Những mùa đi thăm thẳm/Trong mung lung chiều tà/Có bao chàng trai trẻ/Cứ lặng thinh mà già… Còn với nhạc sĩ Ngọc Khuê, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng được ông đưa vào lời ca, tiếng hát với tác phẩm “Biên cương âm vang lời Bác”…

Một iết mục văn nghệ đặc sắc trong chương trình. Ảnh: Quang Long

Chương trình giao lưu văn học nghệ thuật “Người chiến sĩ và những chuyến đò” đã tôn vinh truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc ta, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các nhà giáo trong và ngoài Quân đội, đặc biệt là những “thầy giáo mang quân hàm xanh” - ngoài việc canh giữ phên giậu nơi biên ải, còn “gieo” con chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. Những đóng góp thầm lặng đó đã được thể hiện qua những tác phẩm nghệ thuật mà các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã giành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu và sáng tác.

Quang Long

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuong-trinh-giao-luu-van-hoc-nghe-thuat-nguoi-chien-si-va-nhung-chuyen-do/