Chương trình giao lưu 'Những thanh âm đồng vọng'

Nhiều chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam là những thanh âm đồng vọng, tiếp nối bao thế hệ thính giả ở mọi miền Tổ quốc.

BTV Anh Thư xin chào quý vị và các bạn. Mời quý vị và các bạn cùng tham gia chương trình giao lưu “Những thanh âm đồng vọng”, chương trình do Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 thực hiện, nhân kỷ niệm 73 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Trong 60 phút của chương trình giao lưu này, chúng tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các thế hệ BTV, PV văn nghệ, các cộng tác viên, các thính giả đã gắn bó với làn sóng chương trình trong nhiều năm qua. Và hai vị khách mời đồng hành cùng chúng ta trong buổi giao lưu, xin được trân trọng giới thiệu:

- Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên TW Đảng, Tổng giám đốc đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương.

- Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng ban Văn học nghệ thuật Đài TNVN.

Từ phải qua trái: BTV Anh Thư, Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Phần 1 của chương trình: Những thanh âm qua thời gian

MC Anh Thư: Thưa nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: Trước khi về công tác tại đài TNVN, ông có thường xuyên nghe và cộng tác với những chương trình văn nghệ của Đài?

Nhà thơ- Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Tôi sinh ra ở nông thôn, những đứa trẻ nông thôn thì gắn bó tuổi thơ với làn sóng Đài TNVN. Đó giống như người bạn, người thầy người tri kỷ về văn hóa văn nghệ. Chúng tôi lớn lên cùng các chương trình về thơ, văn, sân khấu, truyện... nhiều chương trình của Đài TNVN. Tôi nghĩ, mình có một chút vốn liếng về văn học nghệ thuật, tích lũy lớn và bền bỉ là nhờ lắng nghe các chương trình nghệ thuật của Đài TNVN.

MC Anh Thư: Hiện nay mỗi đài phát thanh truyền hình đều có những chương trình văn nghệ. Nghe văn nghệ trên sóng phát thanh TNVN, ông nhận thấy có nét riêng như thế nào, có “cổ điển” quá không?

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Về văn học nghệ thuật thì có nhiều loại hình và được thể hiện bằng nhiều hình thức như truyền hình, phát thanh. Với phát thanh thì chỉ nghe tiếng. Một tác phẩm văn xuôi hay thơ, với riêng tôi thì cho rằng, nghe trên sóng phát thanh có sự lắng hơn, có sự yên tĩnh và theo dõi đầy đủ hơn. Có những đoạn mình sẽ có sự đồng hành với người nghệ sĩ thể hiện bài thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết đó. Tôi nghĩ, cảm nhận về âm thanh tinh tế hơn, bền bỉ hơn trong cảm xúc của người nghe.

MC Anh Thư: Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh em văn nghệ thỉnh thoảng có hỏi vui nhau “Không biết anh Khoa đi có nhớ Văn nghệ không?”. Anh có nhớ Văn nghệ không?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không phải đi mới nhớ, mà tôi nhớ Văn nghệ từ khi chưa đi. Tôi đã gắn bó với Đài từ thuở ấu thơ, năm 1966 đã là cộng tác viên của Đài. Có thể khẳng định, Đài đã gắn tôi với thời cuộc, bám sát các vấn đề thời sự. Năm 2004 tôi chính thức về Đài, làm Phó Ban Văn nghệ, sau là Trưởng Ban. Có thể nói sự gắn bó với Văn nghệ cực kỳ sâu nặng.

Về Đài công tác, với tôi vô cùng thoải mái, nhiều người nói đây là lĩnh vực hoàn toàn khác, nhưng với tôi không hề khác, mà nó thân thuộc, quen thuộc, như tôi bước từ phòng này sang phòng kia trong căn nhà mình. Đó là những năm tháng đẹp nhất trong quãng đường hoạt động báo chí của tôi.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

MC Anh Thư: Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông nghĩ là ông đã làm được nhiều điều cho Văn nghệ?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi đã làm hết sức mình cho Văn nghệ, đã tiếp nối công việc của các thế hệ đi trước cũng đã làm rất tốt. Điều tuyệt vời nhất theo tôi là VOV có kho băng, đây là tư liệu quý giá, là bảo tàng lịch sử cách mạng Việt Nam bằng âm thanh. Khác bảo tàng khác, hiện vật của bảo tàng này rất sống động, nghe câu chuyện bài thơ, bài hát, làm sống dậy cả một thời kỳ. Kho băng còn lưu giữ lại giọng nói, giọng đọc, giọng hát của nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ đã là người thiên cổ. Tôi nhớ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoài Thanh, tôi mở băng âm thanh về ông tại một hội thảo khoa học, nghe giọng ông nhiều người thấy rất cảm động.

MC Anh Thư: Thưa quý vị thính giả, thưa các vị khách mời. Ban Văn nghệ là một trong những ban chuyên đề ra đời từ rất sớm, song hành cùng sự phát triển của Đài TNVN. Qua hàng thập kỷ, những chương trình quen thuộc như Phát thanh Văn nghệ, Đọc truyện đêm khuya, Sân khấu Truyền thanh, Văn nghệ Thiếu nhi… đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ.

Đặc biệt với những chương trình như Tiếng thơ (tiền thân là buổi nói chuyện thơ kháng chiến do nhà thơ Xuân Diệu phụ trách) đã có mặt từ buổi đầu thành lập Đài. Năm 1986, Ban Văn nghệ tách thành hai ban: Ban Âm nhạc và Ban Văn học nghệ thuật. Nhiều chương trình mới cũng ra đời, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, như tìm trong kho báu, kể chuyện và hát ru cho bé, tìm hiểu nghệ thuật sân khấu...

Và để các chương trình có được sự dày dặn phong phú như hôm nay, phải nhắc tới đóng góp của bao thế hệ phóng viên, biên tập viên văn nghệ, trong đó có không ít văn nghệ sỹ thành danh trên văn đàn. Họ vừa là bà đỡ cho các tác phẩm, vừa thâm nhập thực tế sống và viết, miệt mài tạo dựng một địa chỉ uy tín trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

MC Anh Thư: Xin Giới thiệu nhà thơ Trần Nguyên Vấn (một Biên tập viên kỳ cựu của Ban Văn học nghệ thuật) và nhà viết kịch Lê Thu Hạnh (tác giả nhiều kịch bản được thu thanh dàn dựng trong chương trình sân khấu truyền thanh) tham gia giao lưu.

Nhà thơ Trần Nguyên Vấn

MC Anh Thư: Thưa nhà thơ Trần Nguyên Vấn, Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nay, nhưng quãng thời gian gắn bó với phát thanh văn nghệ luôn tươi xanh trong trí nhớ của ông?

Nhà thơ Trần Nguyên Vấn: Năm 1961 tôi xin Bộ Ngoại giao về Đài làm trong chương trình tiếng thơ. Có thể nói, chương trình Tiếng thơ, chương trình phát thanh Văn nghệ đã gắn bó với tôi từ lúc về Đài, đến khi vào chiến trường năm 67 và cho đến khi nghỉ hưu. Chúng tôi luôn chú ý để nghe chương trình. Khi đã về hưu, tôi vẫn tiếp tục theo dõi chương trình, viết bài cộng tác với chương trình. Cảm ơn Đài đã tạo điều kiện cho tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, trở thành một cây bút văn nghệ của VOV.

MC Anh Thư: Thưa nhà viết kịch Lê Thu Hạnh, khi các kịch bản của chị (Mẹ của chúng con, Ngàn xưa giai điệu, Mẹ chồng tôi…) được dàn dựng thu thanh, phát sóng trong chương trình sân khấu truyền thanh thì chị có nghe lại không, nếu chỉ nghe phần tiếng thôi, không có hình ảnh diễn xuất của diễn viên thì có hạn chế gì?

Nhà viết kịch Lê Thu Hạnh: Từ khi còn bé, tôi đã được tiếp xúc với kịch truyền thanh. Kịch trên làn sóng phát thanh có đặc trưng là gợi cho mọi hình ảnh. Tiếng Việt có sự tượng hình rất tốt. Sau này tôi được đi học ở Đại học Tổng hợp, các thầy dạy cho tôi có 2 hành động chủ yếu là hình thể và lời nói. Hành động bằng lời nói là sự thử thách, làm sao nói mà có hành động, có giằng xé, có mâu thuẫn trong đó. Những người nghe Đài là những người không có điều kiện để ngồi trước màn hình TV, ví dụ như tài xế. Vậy, ta chuyển tải câu chuyện đến họ bằng gì? Trong xã hội có mẫu số chung, người ta quan tâm đến vấn đề gì và họ thấy mình bao nhiêu trong các tác phẩm đó thì mình phải chuyển tải bằng lời nói được những xung đột, tâm tư, tình cảm mà họ quan tâm. Những vở kịch trên Đài TNVN đã truyền được cái thần của vở diễn.

Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn các bạn biên tập ở phòng Sân khấu hiểu được câu chuyện của tôi, những diễn viên đã diễn rất tốt và cả những người giúp tôi truyền tải những điều muốn nói trên sóng phát thanh.

Nhà viết kịch Lê Thu Hạnh.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Diễn kịch trên sân khấu có lợi thế bởi người ta nhìn thấy diễn viên. Tuy nhiên, trên phát thanh cũng có hiệu quả khác, những thứ nhìn thấy tuy thú vị nhưng khi không nhìn thấy cũng có thú vị riêng, người nghe có thể hòa nhập vào câu chuyện, khán thính giả sáng tạo cùng nghệ sĩ. Qua làn sóng của Đài, không chỉ kịch, đọc truyện, các nghệ sĩ đã gợi cho người nghe tham gia sáng tạo cùng nghệ sĩ. Thế mạnh đó kể cả truyền hình hay sân khấu đều không thay thế được nếu làm hết sức mình để phát huy.

MC Anh Thư: Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ điều gì với những tâm huyết của nhà biên kịch Lê Thu Hạnh?

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Tôi và nhà viết kịch cùng vào 1 khóa của trường Đại học Tổng hợp. Chúng tôi ít khi gặp nhau nhưng qua nhiều kênh cũng biết nhau. Sau này, tôi cũng trở thành một tác giả viết kịch.

*MC Anh Thư mời các vị khách mời và thính giả VOV nghe bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

MC Anh Thư: Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ điều gì sau khi nghe bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi?

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn, nhà nghiên cứu triết học, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi là thần tượng của tôi. Tôi nghĩ hiếm có nghệ sĩ lớn nào như Nguyễn Đình Thi. Mỗi lần nghe bài thơ “Đất nước” đều đưa đến cho mình những cảm xúc mới và khiến cho người nghe xúc động sâu xa. Đất nước của Nguyễn Đình Thi cũng giống của đất nước Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam... nhưng bài thơ của Nguyễn Đình Thi có cả cội nguồn của dân tộc, có chất hùng tráng của dân tộc rũ bùn đứng dậy và có cả chất trong trẻo của văn hóa.

Nhà thơ Trần Nguyên Vấn và nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Trần Nguyên Vấn(kể về một kỷ niệm khi đi thu thanh thơ): Đó là buổi nói chuyện của Lưu Trọng Lư nói về thơ của Sóng Hồng. Cụ Trường Chinh khi đó rất quan tâm đã tới tận phòng thu để nghe. Vô tình làm sao, tại buổi thu âm hôm đó, có rất nhiều người đều trán hói tới dự, anh em nói đùa là ở đây có một cuộc “chạm trán”.

MC Anh Thư chia sẻ về công tác thu thanh lưu trữ về tác giả tác phẩm của Văn nghệ vẫn tiếp tục được thực hiện. Nhiều tư liệu qua thời gian vẫn được bảo quản tốt (giọng Bác Hồ đọc thơ Chúc Tết, những băng thơ ngâm từ rất lâu, giọng nói của các văn nghệ sỹ, nhiều tiểu thuyết lớn trong nước và ngoài nước được chuyển tải như “Trăm Năm Cô Đơn” của Market, Sông đông êm đềm của Solokhop, gần đây nhất là tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của nhà văn Trầm Hương. Các kịch bản sân khấu được thu thanh dàn dựng, biên tập phù hợp để phát sóng và lưu trữ lâu dài…

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta đã làm được một việc rất tốt là số hóa được kho tư liệu âm thanh. Năm ngoái tôi sang Đài PT-TH của Hy Lạp, họ ngỏ ý hợp tác giúp đỡ việc số hóa nhưng chúng ta đã hoàn thành rồi. Trưa nay tôi tiếp bà TGĐ Đài PT-TH Mông Cổ và họ chúc mừng chúng ta đã số hóa kho tư liệu. Họ đề nghị chúng ta giúp đỡ họ.

Nhà viết kịch Lê Thu Hạnh: Tôi nghĩ các bạn đã làm rất tốt về kỹ thuật âm thanh.

Từ trái qua phải: Nhà thơ Trần Nguyên Vấn, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, MC Anh Thư, Nhà viết kịch Lê Thu Hạnh.

Giới thiệu vào phần 2: Những thanh âm kết nối

MC Anh Thư: Tiếp nối câu chuyện về thanh âm. Dấu ấn các chương trình văn nghệ, sân khấu trên làn sóng TNVN rất riêng biệt và sâu sắc. Sự khác biệt ở nội dung (tính giải trí, tính thẩm mỹ, tính nhân văn), nội dung ấy đến và ở lại với người nghe còn phụ thuộc một phần khá quan trọng ở diễn xuất, cấu tứ, dàn dựng chương trình.

MC mời khách mời nghe một phóng sự ngắn về hậu trường làm chương trình phát thanh văn nghệ.

MC Anh Thư: Một phóng sự ngắn đem đến phần nào hình dung về hậu trường của phát thanh văn nghệ. Để cấu thành một chương trình không chỉ cần tác phẩm tốt, kịch bản hay, biên tập viên tâm huyết mà còn có vai trò của kỹ thuật viên, thể hiện của phát thanh viên và các diễn viên. Có thể nói cách chuyển tải thanh âm qua giọng đọc, diễn xuất chiếm giữ phần rất lớn. Một trong những diễn viên đã cộng tác với mảng sân khấu và tiếng thơ, hát ru cho bé nhiều năm nay, đó là nghệ sỹ nhân dân Vương Hà. Chị cũng có mặt để cùng tham gia với chúng ta trong buổi giao lưu hôm nay

MC Anh Thư: Vai diễn gần đây của NSND Vương Hà trong vở cải lương “Thầy Ba Đợi”, kịch bản của nhà thơ nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, đạo diễn Triệu Trung Kiên? Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ có điều gì muốn nói với nghệ sỹ Vương Hà?

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: NSND Vương Hà đã tham gia 3 vở của tôi. Tôi rất cảm ơn NSND Vương Hà vì đã làm cho nhân vật tốt hơn, vai đó hay hơn và làm cho vở diễn ấn tượng hơn cả. Vai tôi tâm đắc nhất là phu nhân Nam An trong vở Mai Hắc Đế. Một vai là phụ nữ xa lạ, một vai là phu nhân bất đắc dĩ của Nam An hầu phủ. Vương Hà ngâm một bài thơ của Vương Bột, bài “Đằng Vương các”.

NSND Vương Hà.

NSND Vương Hà: Nhà hát cải lương có duyên dựng được 4 vở của nhà thơ Nguyễn Thế kỷ, mỗi vở có sắc thái rất riêng biệt. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ không viết riêng cho cải lương nhưng khi đưa vở đến thì các diễn viên cải lương đều thấy rất đồng điệu vì có nhiều tình tiết hợp với cải lương và có những yếu tố bi tráng. Hai yếu tố đó tạo ra một vở diễn hay và tạo hiệu ứng cho đồng nghiệp và khán giả.

Tôi có may mắn được đóng 2 vai. Ở vở “Mai Hắc Đế” thì nhân vật của tôi phải lấy một tướng giặc đời Đường và ẩn mình để giúp Mai Hắc Đế và dân An Nam giành được tự do. Nếu tôi không có quá trình ngâm thơ cho Đài TNVN thì tôi sẽ không sử dụng thơ như thế nào cho đắt giá trong vai diễn này. Cải lương mà lại có cả ngâm thơ thì nó tạo sự khác biệt và ấn tượng với người nghe.

MC Anh Thư: Thưa nhà thơ- nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, khi về đảm nhiệm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông đã có dự định tái thành lập Ban Văn học Nghệ thuật (VH-NT) sau một thời gian. Ông có thể chia sẻ những dự định, tâm huyết dành cho mảng văn nghệ trên làn sóng phát thanh, khi tái thành lập Ban Văn nghệ?

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Chương trình văn nghệ trên Đài TNVN đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam từ thời chống Pháp đến bây giờ. Bao nhiêu chàng thanh niên ra trận đều mang theo chương trình đọc truyện đêm khuya, dân ca... Nhưng có những thời kỳ, do điều kiện nhất định khiến Ban VH-NT không phát triển to hơn mà trở lại nhỏ hơn là Phòng Sân khấu và Phòng Văn học.

Tôi thì tài hèn sức mọn, không có kỳ vọng làm được gì nhiều nhưng cái gì đã được định hình giá trị bền vững trong lịch sử thì chúng ta có thể nâng cao hơn. Tôi có bàn với các anh em trong Hệ Khoa giáo và Đời sống là sẽ tái lập lại Ban VH-NT. Mong muốn là như thế nhưng để cho được như hôm nay thì rất khó. Trong xu thế, Chính phủ muốn giảm các đầu mối mà chúng tôi lại đề nghị thành lập một đơn vị cấp Ban mới thì đó là điều rất khó khăn. Tôi là người đi thuyết phục từng vị Bộ trưởng để họ đồng ý. Nếu một số Bộ không đồng ý thì sẽ không thành lập được. Nhưng tôi nghĩ nên làm vì sự phát triển của văn hóa dân tộc, văn học nghệ thuật tương lai.

Trong thời kỳ vừa rồi, Ban VH-NT có nhiều cố gắng về thành lập ban bệ, thu xếp con người nhưng sắp tới vẫn phải bổ sung thêm nhân sự. Tôi hy vọng nhà thơ Trần Đăng Khoa sẽ giúp kết nối Ban VH-NT với Hội Nhà văn, với các Hội VH-NT. Tôi nghĩ đã đến lúc phải có 1 kênh riêng, có thể phát 18 hoặc 24 tiếng, phát cho cả thiếu nhi và cụ già. Đến lúc đó chương trình sẽ được đón nhận với sự vui vẻ, trân trọng.

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ.

*MC mời các vị khách mời và thính giả nghe một số ý kiến của bạn nghe đài, đóng góp cho các chương trình văn nghệ của Đài TNVN.

MC Anh Thư: Mời Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ phát biểu sau khi nghe những góp ý của thính giả?

Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Thế Kỷ: Tôi trân trọng ý kiến của các bạn nghe Đài đều có chung mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình. Công chúng bây giờ cũng có những thay đổi về mặt nhu cầu.

Chúng tôi cũng có sự cạnh tranh rất lớn từ truyền hình, điện tử. Ngay cả mảng văn học, ngoài 64 nhà xuất bản (NXB) trong cả nước, còn có NXB vỉa hè, NXB trên mạng... cuộc cạnh tranh hàng thật và hàng giả lẫn lộn nhau. Các sản phẩm văn hóa cũng vậy. Công chúng cũng sẽ có sự lựa chọn khác nhau. Tôi nghĩ phải thêm mảng phê bình VH-NT, chúng ta phải nói được hoàn cảnh ra đời, cái độc đáo, cái đặc sắc của tác phẩm... Sự tương tác với khán giả phải tăng lên hơn nữa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Truyền thông sẽ phát triển mạnh, nhưng không vì thế mà văn nghệ phát thanh giảm sút, khi mà thính giả đã yêu quý chương trình này, nhiệm vụ của chúng ta là phải nâng cao chất lượng. Hội nhà văn và VOV sẽ sát cánh cùng nhau, mở rộng các chương trình, tiếp xúc với các tác gia, có thể nghiên cứu mở chuyên mục nhà văn với nhà trường, giới thiệu tới học sinh sinh viên một cách có hệ thống về các tác giả. Hội nhà văn sẵn sàng kết hợp để làm tốt trang văn nghệ. Như anh Kỷ có nói về dự định mở rộng Ban Văn học nghệ thuật ra thành kênh, khi đó chúng ta sẽ có điều kiện phản ánh rộng hơn nữa bức tranh toàn cảnh của văn học nghệ thuật Việt Nam.

MC Anh Thư: Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình, cảm ơn các bạn đã theo dõi chương trình, xin cảm ơn VOV.VN đã đồng hành cùng chương trình.

Sau đây mời các bạn nghe bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”, nhạc sỹ Lê Đức Hùng phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, do ca sĩ Tân Nhàn thể hiện./.

VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/media/anh/chuong-trinh-giao-luu-nhung-thanh-am-dong-vong-802733.vov