Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên phải chuyển mình

Dự kiến trong tháng 10-2018, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Thông tư về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong đó bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học. Vậy định hướng nào cho các thầy cô giáo và làm sao để có chuẩn bị tốt nhất cho cuộc đổi mới lần này?

Tránh trông chờ vào sách giáo khoa

Mới đây, tại buổi nói chuyện chuyên đề “Định hướng phát triển chương trình từ dự thảo chương trình môn Hóa học cấp THPT” do Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) tổ chức, PGS-TS Dương Bá Vũ, Trưởng khoa Hóa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đồng thời là thành viên Ban phát triển chương trình môn Hóa học theo chương trình GDPT mới, khẳng định: “Hiện nay tâm lý của các thầy cô giáo là chờ đợi các bộ sách giáo khoa mới sắp được ban hành. Tuy nhiên, hiểu như vậy là sai! Một trong những nhiệm vụ của giáo viên khi triển khai chương trình GDPT mới là tự soạn tài liệu giảng dạy cho chính mình trên cơ sở chương trình môn học”.

Cũng theo chuyên gia này, nếu như trước đây, sách giáo khoa chi phối hầu hết các khâu giảng dạy thì nay với việc đổi mới chương trình, giáo viên phải triển khai hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình tổng thể và chương trình khung ở từng môn học. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên được chủ động lựa chọn tài liệu, bố trí thời lượng cho từng nội dung giảng dạy, tự quyết định cái nào dạy trước, cái nào sau. Thêm vào đó, chương trình GDPT mới không quy định số tiết cụ thể cho từng chủ đề trong các môn học, tính khoa học được làm nhẹ đi mà thay vào đó đề cao tính hiện đại và thiết thực, gắn với ứng dụng trong thực tiễn, nên cơ cấu bài giảng sẽ thay đổi khá nhiều.

Giáo viên lên lớp tại Trường THCS Bình Tây (quận 6)

Với môn Vật lý, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), dẫn chứng: Với bài giảng “Vận dụng định luật Hooke thiết kế lực kế lò xo” trong chương trình Vật lý lớp 10, cách dạy theo phương pháp cũ là giảng giải về định luật Hooke, sau đó giúp học sinh hệ thống kiến thức, liên kết hiểu biết với một số môn học khác như Toán học để vận dụng thiết kế lò xo. Tuy nhiên, với chương trình GDPT mới, giáo viên khi lên lớp dành nhiều thời gian hơn để đưa ra một yêu cầu cụ thể (ở đây là thiết kế lò xo). Nhiệm vụ của học sinh là tự tìm tòi, đọc lý thuyết trong tài liệu học tập để nắm vững kiến thức và lên phương án hoàn thành nhiệm vụ giáo viên đặt ra. Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong đó có thuyết minh, bảo vệ giải pháp của mình, học sinh sẽ được bổ sung thêm kiến thức, tự hoàn thiện hiểu biết về môn học.

“Bộ GD-ĐT từ lâu đã giao quyền tự chủ cho các tổ bộ môn sắp xếp lại nội dung, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp đối tượng học sinh ở trường mình nên việc bố trí tiết học thế nào, kết hợp hay chia tách nội dung sẽ do chính giáo viên thực hiện”, đại diện Bộ GD-ĐT bày tỏ.

Nêu cao tính chủ động của đội ngũ

Chia sẻ về dự thảo chương trình môn Hóa học theo chương trình GDPT mới, một giáo viên dạy môn Hóa học Trường THPT Lương Văn Can (quận 8) cho biết, toàn bộ tên gọi chất, thuật ngữ đều được thống nhất theo quy chuẩn quốc tế, đơn cử như sulfur thay vì gọi là lưu huỳnh, đồng thời không dạy cho học sinh các phản ứng phi thực tế như đem bạc, vốn là kim loại quý, phản ứng hóa học để tạo muối hoặc thuộc tính hóa học của các hợp chất ít gặp trong thực tế như acid nitric, ozon…

“Tôi nghĩ thời gian đầu khi triển khai thực hiện, nhiều giáo viên sẽ lúng túng, đặc biệt các giáo viên lớn tuổi vốn đã quen dạy theo giáo án truyền thống. Chưa kể, việc dạy theo chương trình GDPT mới đòi hỏi giáo viên liên tục cập nhật và bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, nếu không muốn bị cho là lạc hậu trước học sinh”, giáo viên này bày tỏ.

Ở góc độ khác, PGS-TS Dương Bá Vũ đánh giá chương trình GDPT mới được xây dựng trên cơ sở quy trình ngược so với trước đây. Cụ thể là dựa trên bối cảnh thời đại, nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước, Bộ GD-ĐT sẽ đề ra mục tiêu giảng dạy. Trên cơ sở đó, người dạy tự xây dựng nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu, chứ không được “dọn sẵn” nội dung.

Ở Mỹ, cứ 15 năm lại có một lần phát triển, sửa đổi chương trình. Các nghiên cứu xã hội của quốc gia này chỉ ra rằng, cảm xúc giáo viên trước đổi mới sẽ ở trạng thái tâm lý cao, tuy nhiên khi bước vào thực hiện lại tuột dốc khá nhanh. Phải mất 4 - 6 năm để giáo viên quay về trạng thái ổn định, sau thời gian ổn định tâm lý mới tăng dần và hiệu quả sẽ được nhìn nhận. Vì vậy, đã thay đổi thì phải chấp nhận tâm lý khó thích ứng của giáo viên
PGS-TS Dương Bá Vũ

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, đây là hướng đi cần thiết để phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo của giáo viên. Trước bài toán giải quyết “sức ỳ” của một bộ phận không nhỏ giáo viên, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM đã triển khai đa dạng các hình thức bài dạy mẫu, dự giờ, góp ý, để lan tỏa ý thức đổi mới tự giác trong tập thể sư phạm. Tuy nhiên, về lâu dài cần sự chủ động nhiều hơn của mỗi giáo viên để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất cho người học.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giao-vien-phai-chuyen-minh-550662.html