Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm tải vẫn... quá tải

Mặc dù nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cán bộ, giáo viên, nhưng khi áp dụng vào thực tế, các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn bộc lộ những bất cập, quá tải về nội dung, quá tải về cơ sở vật chất.

Nhiều nội dung quá nặng

Khi đưa ra dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một trong những mục tiêu được Bộ GDĐT hướng tới là giảm tải cho học sinh lượng kiến thức hàn lâm, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, sau khi đưa vào thí điểm tại 6 tỉnh, thành, nhiều nội dung trong chương trình mới được phản ánh là vẫn quá tải, tăng áp lực và chưa phù hợp với độ tuổi học sinh.

Tổng chủ biên chương trình – GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin, trong thời gian thực nghiệm 1 tháng, 1.482 giáo viên các trường đã thực hiện hơn 6.000 tiết dạy. Nội dung bài dạy thực nghiệm có 2 loại: Bài học là nội dung mới, không có trong chương trình hiện hành và bài học là nội dung có trong chường trình, sách giáo khoa hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp mới.

Nhiều nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông mới còn quá tải đối với học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Thiêm

Thông qua khảo sát giáo viên và cán bộ quản lý, ban soạn thảo thu được 2.960 phiếu khảo sát. Ý kiến không đồng ý với nội dung chương trình chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,37% tổng số ý kiến đánh giá (trong đó cấp tiểu học là 0,14%; cấp THCS là 0,31% và cấp THPT là 1,09%).

Tuy nhiên, GS Thuyết cũng thừa nhận, trong nội dung có một số yêu cầu cần đạt còn cao hơn so với trình độ học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy. Ngoài ra, việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học đã không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống.

“Đây là những hạn chế, bất cập sẽ được mỗi nhóm tác giả của từng môn học nghiêm túc xem xét và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới” – GS Thuyết nói.

Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) là một trong những trường tham gia dạy thực nghiệm trong vòng 1 tháng ở 12 bộ môn với gần 3.400 học sinh và 24 giáo viên tham gia. Cô Ngô Thị Hồng Liên – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, mỗi tiết học, giáo viên đều quan sát phản ứng của học sinh và thấy các em hứng thú và tiếp thu bài tốt hơn. Tuy nhiên, áp lực lên giáo viên tương đối nặng nề.

"Một số giáo viên của trường có than thở rằng chương trình mới có nhiều nội dung khó. Có thầy cô dạy tiết học đầu tiên đã không thành công rồi lên mạng xã hội than khổ, mệt mỏi. Vì vậy, giáo viên phải được đưa đi tập huấn, chủ động thay đổi phương pháp dạy học để giúp học sinh tương tác nhiều hơn mới có thể đạt được hiệu quả giảng dạy theo chương trình mới”.

Cô Ngô Thị Hồng Liên

“Một số giáo viên của trường có than thở rằng chương trình mới có nhiều nội dung khó. Có thầy cô dạy tiết học đầu tiên đã không thành công rồi lên mạng xã hội than khổ, mệt mỏi. Vì vậy, giáo viên phải được đưa đi tập huấn, chủ động thay đổi phương pháp dạy học để giúp học sinh tương tác nhiều hơn mới có thể đạt được hiệu quả giảng dạy theo chương trình mới” – bà Liên nói.

Tương tự, ông Đặng Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Diệu (Bình Định) cũng cho rằng, việc tập huấn cho giáo viên rất quan trọng. Nếu không đưa ra được phương pháp và định hướng được nội dung thì rất nhiều bài học trong chương trình mới trở nên khó khăn đối với thầy cô và làm học sinh quá tải. Bởi lẽ từ trước đến nay giáo viên đã quen với việc truyền thụ kiến thức một chiều, nhiều thầy cô chưa có được thói quen thay đổi, tiếp cận với phương pháp mới.

Cơ sở vật chất sẽ phải “gồng mình”?

Một trong những yêu cầu quan trọng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất. Theo đó, để áp dụng, điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần, sĩ số theo chuẩn phải là 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học và 45 học sinh/lớp với cấp trung học. Ngoài ra, lớp học phải đảm bảo điều kiện có thể kê được bàn ghế theo nhóm. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của nhiều trường trong cả nước, quy định này là một thách thức không nhỏ.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT với gần 15 triệu học sinh.

Số lượng phòng học trong cả nước hiện là 419.903 phòng, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1% (tiểu học 68,7%, THCS 85,7%, THPT 93,9%). Về phòng học bộ môn cũng chỉ đạt tỷ lệ khoảng 70%. Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.

“Ở các thành phố lớn, sĩ số nhiều lớp học đã lên tới 60 – 70 cháu/lớp, học sinh còn phải chia ca để học cả vào thứ 7, chủ nhật thì làm sao giáo viên có thể sắp xếp thực hành môn học và các hoạt động trải nghiệm? Ngược lại, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh phải học ghép nhiều lớp học, không duy trì được bán trú, mái tranh, vách nứa. Nếu không có những biện pháp cụ thể để cải thiện cơ sở vật chất, e rằng chương trình mới khi áp dụng sẽ khó hiệu quả” – một chuyên gia giáo dục cho biết.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, cơ sở vật chất là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Cơ sở vật chất được ví như phần cứng trong một cái máy tính, cái quan trọng hơn đối với một máy tính là phần mềm, đó là chương trình, là giáo viên.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, khi chọn mẫu trường, lớp để dạy thực nghiệp, ban dự thảo chương trình cũng đã đặt nguyên tắc phải có cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Cơ sở vật chất đúng là câu chuyện rất khó hiện nay. Ở các thành phố một lớp rất đông, vùng khó khăn thì thiếu trang thiết bị, nhưng chương trình mới được xây dựng trên tinh thần của Nghị quyết 29 là dựa trên điều kiện thực tế nên không đòi hỏi nhiều về trang thiết bị. “Khó nhất là việc triển khai học 2 buổi/ngày ở vùng sâu, vùng xa. Vì thế, chương trình cũng được soạn thảo linh hoạt để học sinh chỉ cần học 6 buổi một tuần cũng có thể đảm bảo được” – GS Thuyết nói.

GS Thuyết cũng cho rằng, để cải thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu giáo dục mới phải có lộ trình, không thể yêu cầu đáp ứng ngay được. Việc này cũng đòi hỏi sự phối hợp, ủng hộ rất nhiều từ các địa phương và từ Chính phủ.

Then chốt là giáo viên
“Yếu tố then chốt trong thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn là giáo viên. Ở đâu giáo viên hiểu đúng chương trình, “đọc” đúng chủ ý của người biên soạn thì chắc chắn họ sẽ vận dụng thành công vào việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Chính vì vậy, việc tập huấn giáo viên rất quan trọng.
Bên cạnh tập huấn, giáo viên cũng cần được trang bị đủ các điều kiện vật chất như phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, dụng cụ giảng dạy, các mô hình và trang thiết bị máy tính, máy chiếu kết nối internet…”.

GS-TS Phạm Hồng Tung –
Chủ biên chương trình môn lịch sử

Bài giảng có kiến thức quá rộng

“Khi áp dụng vào thực tế, chương trình mới bộc lộ nhiều ưu điểm, trong đó những phần kiến thức sau các môn học khiến học sinh, giáo viên rất hứng thú. Ngoài ra, trang thiết bị giảng dạy cũng là một vấn đề rất quan trọng. Có những bài học, thầy cô phải chuẩn bị dụng cụ giảng dạy khá công phu. Có những vật dụng đơn giản có thể chuẩn bị được ngay, nhưng cũng có những thiết bị cần được đầu tư nhiều thời gian. Ban soạn thảo cũng nên có bảng danh mục các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, có sự đầu tư cho từng trường để việc truyền đạt kiến thức cho học sinh được sinh động, hiệu quả hơn”.

Cô Bùi Thị Hồng Hạnh –Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1
Võ Lao (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai)

Không “vật chất” đố thầy làm nên
“Vấn đề cơ sở vật chất có ý nghĩa rất quan trọng trong thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong Luật Giáo dục sửa đổi cần phải quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc đảm bảo đủ trường lớp, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh. Khi để xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến cơ sở vật chất như trường lớp xuống cấp, lãnh đạo địa phương cũng phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Nếu làm được như vậy thì địa phương mới có trách nhiệm lưu ý và quan tâm hơn đến sự phát triển giáo dục – yếu tố quốc sách hàng đầu ở địa phương mình và thầy cô, học sinh mới có thể yên tâm học tập, sáng tạo”.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

Tùng Anh (ghi)

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giam-tai-van-qua-tai-873702.html