Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có kịp lộ trình khi vẫn còn 'lùm xùm' chọn sách giáo khoa?

Theo dự kiến, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai đại trà vào năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Tuy nhiên, việc chọn bộ sách giáo khoa đáp ứng chương trình vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Bộ sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến nay vẫn chưa “chốt” xong. Ảnh: Q.Anh

Bộ sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến nay vẫn chưa “chốt” xong. Ảnh: Q.Anh

Năm sau áp dụng, giờ vẫn còn "lùm xùm" chọn sách

Mới đây, thêm thông tin sách giáo khoa giáo dục thể chất cũng sẽ được hình thành và đây là giáo trình bắt buộc có, giống như những môn Toán, Văn khác. Nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng sách giáo khoa giáo dục thể chất chưa thực sự cần thiết, có thể gây lãng phí đối với phụ huynh. Tuy nhiên, với nhiều giáo viên dạy môn giáo dục thể chất, sách giáo khoa chỉ là một phần của nâng cao chất lượng dạy và học môn này.

"Hiện nay, tôi thấy học sinh ngày càng nhiều em bị cận thị, cong vẹo cột sống, béo phì… do đó, thúc đẩy môn học giáo dục thể chất trong nhà trường là cần thiết. Giáo trình cho học sinh cũng cần phải có giúp các em học kỹ, nắm được luật quy định trong môn thể thao. Đặc biệt, các trường cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, phòng tập, nhà đa năng… môn học này mới có thể được như mục tiêu đã đề ra. Nếu không, vẫn chỉ là môn học phụ, dạy và học qua loa cho xong như đang phổ biến", thầy Nguyễn Danh Ngọc, giáo viên Thể dục Trường THPT Cẩm Lý (Bắc Giang) chia sẻ.

Không chỉ môn thể chất, thời gian gần đây nổ ra nhiều tranh luận trong thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa cũng đang tích cực lựa chọn bộ sách theo rất nhiều tiêu chí. Sự kiện bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại biên soạn bị loại cũng cho thấy sự "lúng túng" từ Bộ GD&ĐT trong lựa chọn bộ sách nào cho phù hợp và đến ngày 25/10, chưa ai biết được bộ sách nào được chọn. Chưa kể, sau khi "chốt" bộ sách nào, cũng sẽ tập trung thí điểm, bồi dưỡng giáo viên dạy theo bộ sách mới. Trong khi, từ nay đến năm học 2020 - 2021 thời gian không còn nhiều.

Đưa ra nhận định dù lựa chọn bộ sách nào cũng phải bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông mới như đã được đề ra, TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Sách giáo khoa chương trình mới dù là bộ sách nào trước hết phải có chất lượng tốt, minh họa kiến thức, hình thức thể hiện phải tốt. Dễ sử dụng với cả người dạy, người học, phụ huynh học sinh. Cuối cùng, giá thành của sách giáo khoa cũng cần phù hợp với khả năng của phụ huynh".

Giải quyết bài toán thừa – thiếu giáo viên

Một vấn đề được quan tâm khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới đó là hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có đảm bảo cho chương trình mới với nhiều cải tiến? Đặc biệt là đối với các trường vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian qua nhiều địa phương tích cực chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các địa phương miền núi tập trung xóa các phòng học tạm, xây dựng thêm nhiều phòng học kiên cố hóa, thậm chí một số tỉnh miền núi phía Bắc có hệ số phòng học kiên cố đạt 75% - 80%, cao hơn một số tỉnh đồng bằng.

Về câu chuyện chuẩn bị đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT) cho hay: "Về cơ bản đội ngũ giáo viên không thiếu khi số giáo viên cần đáp ứng chương trình cũ và mới không quá chênh lệch. Hằng năm, sẽ có bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng chuẩn chương trình. Trước mắt, sẽ tập trung cho đội ngũ giáo viên lớp 1, các giáo viên này được lựa chọn theo chuẩn chuyên môn mới của Bộ GD&ĐT. Tới đây, toàn bộ giáo viên sẽ được bồi dưỡng, tập huấn, theo đúng lộ trình của Bộ GD&ĐT đề ra".

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ Trưởng Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT): "Ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã chú trọng việc tập huấn giáo viên. Năm 2019, sẽ tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên dạy lớp 1, trong đó tập trung vào hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới và phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh".

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, sẽ tổ chức tập huấn cho 35.000 người, trong đó, khuôn khổ Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông là 28.000 người, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là 7.000 người. Đội ngũ này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua mạng.

Theo lộ trình của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; các năm tiếp theo sẽ thực hiện ở các lớp còn lại. Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-co-kip-lo-trinh-khi-van-con-lum-xum-chon-sach-giao-khoa-20191025182423582.htm