Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì khác biệt?

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều khác biệt nhưng để đạt được thành công, khó nhất là lòng dân đồng thuận.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, chia sẻ, để thực hiện thành công, khó nhất là lòng dân

"Sơ đồ ngược" và 5 bước đánh giá tác động

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, Việt Nam đã 3 lần cải cách giáo dục và một lần đổi mới giáo dục. Nhưng trong 3 lần cải cách đều không có đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà chỉ đổi mới sách giáo khoa. Lần này có thể nói là xây dựng một chương trình bài bản nhất.

Vị Giáo sư chia sẻ sẽ có 2 phương pháp mới xây dựng chương trình đó là vận dụng phương pháp “sơ đồ ngược” và đánh giá tác động của chính sách.

Cụ thể, với phương pháp “sơ đồ ngược”, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và trước đây, người ta thường xuất phát từ hệ thống kiến thức của môn học, chọn ra từ đó những kiến thức được cho là cần thiết đối với học sinh phổ thông để đưa vào chương trình.

Nhưng với chương trình phát triển phẩm chất và năng lực thì việc xây dựng phải chương trình phải xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu giáo dục phổ thông… tức chuẩn đầu ra của chương trình.

Phương pháp đánh giá tác động bao gồm 5 bước, trong đó, bước đánh giá tác động chính sách mới được GS Thuyết nhấn mạnh cần phải tham khảo ý kiến của nhiều người có liên quan và cụ thể là phải gửi đến các sở đào tạo, các chuyên gia và của nhân dân. Ngoài ra, cần phải soạn thử một số bài để áp dụng tại các trường để xem xét hiệu quả. Sau khi đánh giá tác động cần phải điều chỉnh chương trình cho phù hợp.

Không áp quy chuẩn chung cho mọi học sinh

GS Thuyết cho biết, điều quan trọng và cũng là linh hồn của chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm chuyển một nền giáo dục nặng về trang bị tri thức sang một nền giáo dục phát triển toàn diện về vật chất và con người Việt Nam.

Nói cách khác, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?” còn chương trình mới phải trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh sẽ làm được những gì?”.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới tại buổi thuyết trình

Việc phát triển năng lực của người học dựa trên quan điểm mỗi người có tố chất khác nhau, không nên áp dụng quy chuẩn chung cho tất cả học sinh. Dạy học tích hợp giúp học sinh đẩy nhanh quá trình tổng hợp, giải quyết những vấn đề trong thực tiễn. Đồng thời thông qua hoạt động và phải tổ chức hoạt động trẻ con mới có năng lực.

Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng đề cập đến kế hoạch giáo dục lần này sẽ có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở. Riêng ở cấp THPT (cấp định hướng nghề nghiệp) thực hiện phân hóa giáo dục phân hóa và tự chọn.

Trong đó, lần đầu tiên trong chương trình giáo dục Việt Nam, môn Nghệ thuật được đưa vào dạy ở cấp THPT. Nội dung của môn này không chỉ dạy về họa, điêu khắc mà còn về những ứng dụng trong thiết kế thời trang, nhiếp ảnh, thiết kế sân khấu… rất thiết thực và sau này có thể phát triển theo những ngành như vậy.

Công nghệ giáo dục: "Tôi tôn trọng sự khác biệt"

Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng chương trình GDPT mới, vị GS bày tỏ: “Khó nhất là lòng dân. Nếu có sự đồng thuận xã hội chúng ta sẽ thành công, nhưng nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó có thể thực hiện…”.

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi cho chuẩn bị của đội ngũ giáo viên để thích ứng với chương trình mới, GS Thuyết cho biết, các giáo viên sẽ được tổ chức tập huấn chương trình cho cả 3 cấp. Theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến giúp các giáo viên tiếp cận với những tài liệu gốc. Theo tôi, nên có 50% thời gian học là ở trường Sư Phạm, còn 50% là phải học ở trường phổ thông, như vậy mới sát với thực tế” – GS Thuyết đề xuất.

Vị Tổng chủ biên cũng chia sẻ, những người soạn thảo chương trình hoàn toàn có thể tham gia viết sách giáo khoa của Bộ nếu được mời nhưng trước hết phải hoàn thành nhiệm vụ đã được giao.

Nói về Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, GS Thuyết chia sẻ, ông tôn trọng nghiên cứu khoa học của mọi người. Theo ông, trong cộng đồng mà không tôn trọng sự khác biệt của nhau thì rất dễ xảy ra mất đoàn kết. “Tôi tôn trọng sự khác biệt, miễn sự khác biệt đó không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật” - GS Thuyết nói.

Tạ Hải

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-co-gi-khac-biet-d271958.html