Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chất lượng giáo viên quyết định sự thành công

Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, thầy cô giáo được linh hoạt lựa chọn nội dung ở các bộ sách khác nhau đưa vào giảng dạy dựa trên khung chương trình. Đây là điểm thuận lợi để các giáo viên được chủ động xây dựng bài giảng, song đó cũng là thách thức nếu giáo viên không được đào tạo bài bản để bắt nhịp với xu hướng mới.

 Cô và trò trường THCS Trưng Vương trao đổi sau tiết học. Ảnh: Thanh Hải

Cô và trò trường THCS Trưng Vương trao đổi sau tiết học. Ảnh: Thanh Hải

Trao quyền đứng lớp cho giáo viên
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới, giáo viên là yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Từ trước đến nay, giáo viên chỉ biết chủ yếu một bộ sách giáo khoa (SGK) trong giảng dạy. Với chương trình mới có nhiều bộ SGK, trước mắt, giáo viên chưa quen thì có thể dựa vào SGK. Nhưng dần dần, các thầy cô phải chọn lọc từ những kiến thức khác nhau để tự tạo ra một giáo án phù hợp với từng đối tượng. Đó được xem như một bộ SGK riêng của giáo viên. GS Thuyết lấy dẫn chứng ở môn Ngữ văn, chương trình mới chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, học sinh không thể không biết. Còn hơn 100 tác phẩm gọi là bắt buộc nhưng được lựa chọn. Ví dụ tác giả Nguyễn Huy Tưởng có 2 tác phẩm “Vũ Như Tô” hoặc “Bắc Sơn”, giáo viên có thể chọn dạy tác phẩm nào cũng được nhưng phải dạy về tác giả này.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học Việt Nam lại cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình GDPT mới, vai trò giáo viên phải có những thay đổi quyết liệt bởi giáo viên là lực lượng cốt cán trong việc biến các mục tiêu giáo dục thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. “Trong môi trường giáo dục mới, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ giảm đi. Người thầy sẽ phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học. Đặc biệt, giáo viên không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi, bảo đảm cho người học làm chủ tri thức, biết vận dụng tri thức vào cuộc sống” – GS Vũ Trọng Rỹ nhấn mạnh.
Chuẩn hóa đội ngũ
Ngay từ khi bắt tay xây dựng chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã xác định việc bồi dưỡng giáo viên là nhiệm vụ chiến lược của ngành để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhân lực, bù đắp những thiếu hụt khi chuyển sang thực hiện chương trình mới. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT Hoàng Đức Minh cho hay, trước hết Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng, ổn định đội ngũ giáo viên cốt cán cho các cấp học phổ thông của từng trường, từng huyện, từng tỉnh. Đội ngũ này tuyển từ những giáo viên có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, trình độ đào tạo cao để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình GDPT. Việc bồi dưỡng được chú trọng vào các năng lực nền tảng như dạy học phân hóa, tích hợp, phát triển chương trình nhà trường, năng lực ngoại ngữ, tin học... và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ lưu ý bồi dưỡng về kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, giải quyết xung đột và vấn đề giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nhà giáo.
Mặt khác, theo nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc, giáo viên bên cạnh việc bám sát chương trình chuẩn của Bộ cần tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức của bản thân để đủ năng lực lựa chọn những gì cần thiết nhất truyền đạt tới học sinh mà không quá phụ thuộc vào SGK. Về phía Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Quang cho biết, Sở sẽ thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp và đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời chú trọng bảo đảm đạt chuẩn về chuyên môn, đồng bộ về cơ cấu của cán bộ quản lý giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên.

Trần Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-chat-luong-giao-vien-quyet-dinh-su-thanh-cong-336602.html