Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Bộ sách giáo khoa nào được chọn?

Phương pháp dạy và học tiếng Việt trong chương trình Giáo dục phổ thông mới tới đây ra sao? Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều băn khoăn được đặt ra, liệu chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) có khiến cho cách dạy và học tiếng Việt ở bậc tiểu học không đồng nhất?

Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục gồm 3 tập.

Không có gì mới, lạ

Trước những băn khoăn về cách dạy học sinh đánh vần lạ được cộng đồng mạng chia sẻ những ngày qua, ông Nguyễn Đức Hữu- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho hay, cách đánh vần mà nhiều phụ huynh cho là “lạ” so với trước đây được học là theo chương trình Công nghệ giáo dục theo hướng ngữ âm học và thực tế đã được tổ chức, triển khai dạy học nhiều năm nay, chứ không phải năm nay mới có. Âu cũng bởi các phụ huynh lâu nay đã quen với cách đánh vần như chương trình đại trà hiện hành.

Cụ thể, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được xây dựng trên tinh thần giải pháp Công nghệ giáo dục do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Chương trình này triển khai từ năm 1978 tại trường Thực nghiệm (Hà Nội), sau đó được mở rộng ra các trường tiểu học ở nhiều tỉnh thành khác. Sách đã được Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GDĐT thẩm định và đồng thời chấp nhận phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, bởi đã dạy cho học sinh luật chính tả, tiếp cận theo hướng ngữ âm học. Bộ cũng cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Tìm hiểu được biết, sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 được xem như tài liệu cụ thể hóa những nghiên cứu khoa học của GS Hồ Ngọc Đại. Sách được nguyên Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa trở lại thực nghiệm ở một số trường tiểu học sau một số năm dừng thực nghiệm.

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới, từng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục): Sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục không phải là một chương trình riêng mà chỉ là tài liệu dạy học do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên. Dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục là một trong những phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học, nhất là ở vùng khó khăn, vùng có nhiều học sinh dân tộc và đến nay đã có nhiều địa phương lựa chọn, tự nguyện áp dụng.

Ông Hùng cho rằng, tài liệu dạy học tiếng Việt Công nghệ giáo dục dù có những tranh cãi nhưng đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu. Tuy nhiên, phương pháp dạy học đánh vần mà dư luận quan tâm những ngày qua không thuộc nội dung được quy định trong Chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới (sắp được ban hành), cũng như Chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành). Chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới cũng như Chương trình Tiếng Việt hiện hành chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể là sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ hoặc trình độ nào đó, chứ không bắt buộc học sinh phải được học theo phương pháp nào.

Một chương trình sẽ có nhiều SGK

Trước những băn khoăn từ dư luận, PGS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cũng khẳng định: Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học. Do được chỉ đạo ghép với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều tỉnh thành muốn áp dụng VNEN đã tiếp nhận sách này, đưa vào một số trường tiểu học ở địa phương mình.

Tuy nhiên, đây không phải SGK nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với các lớp đầu cấp tiểu học, tinh thần chung của các chương trình giáo dục phổ thông từ trước tới nay là ưu tiên phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, không dạy lý thuyết ngôn ngữ học. Do đó, tới đây khi biên soạn chương trình và SGK chương trình GDPT mới, thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, cách dạy đơn giản, hiệu quả là một yếu tố quan trọng để người dạy, người học lựa chọn sách. Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là SGK được biên soạn theo đúng quy định của chương trình giáo dục phổ thông, không vượt quá yêu cầu của chương trình đối với mỗi lớp học, cấp học. Các hội đồng thẩm định SGK sẽ lấy đây làm căn cứ quan trọng để xem xét, thông qua.

Còn theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, sắp tới khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, thì SGK Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau. Chắc hẳn cuốn SGK nào giúp học sinh đạt được các yêu cầu của chương trình bằng phương pháp hiệu quả nhất sẽ được nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh ưu tiên lựa chọn.

Mạnh Dũng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-tintuc414083