Chương trình Giáo dục công dân mới: Phải có chiến lược bồi dưỡng giáo viên

Giáo dục công dân (môn Đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THCS, môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp HS hình thành, phát triển ý thức và hành vi của công dân. Điều quan trọng nhất đối với giáo viên trong thực hiện Chương trình mới là đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực.

Trong giờ GDCD tại Trường THCS Nga My (Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Hà Thành

Trong giờ GDCD tại Trường THCS Nga My (Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Hà Thành

Định hướng phát triển năng lực

Theo PGS Đào Đức Doãn, để thực hiện chương trình mới, các tác giả SGK và giáo viên môn học cần nghiên cứu kĩ chương trình; nắm vững các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân; thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân hiện nay (đặc biệt là ở địa phương).

PGS Đào Đức Doãn, Chủ biên chương trình môn GDCD cho biết: Môn GDCD trong Chương trình GDPT mới có những điểm khác biệt so với chương trình hiện hành. Nếu như chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp HS vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì chương trình mới định hướng phát triển năng lực, không nhằm truyền thụ kiến thức, mà hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực cho người học. Định hướng này được thể hiện nhất quán ở nội dung GD, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả GD.

Trong chương trình GDCD mới, nội dung quyền con người vốn đã được đưa vào chương trình hiện hành. Đó là các quyền theo quy định của Hiến pháp 1992, như: Quyền trẻ em, quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân. Chương trình môn GDCD mới bổ sung thêm nội dung quyền con người theo Hiến pháp 2013.

Trong giờ học GD công dân

Chương trình có tính “mở”

Để thực hiện được mục tiêu của chương trình môn GDCD mới,giáo viên cấp tiểu học cần có những phẩm chất đạo đức và năng lực nghề nghiệp đáp ứng quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ GD&ĐT ban hành; Có những phẩm chất và năng lực đặc thù của người giáo viên môn Đạo đức đáp ứng chương trình mới như sau:

Phân biệt được sự khác nhau giữa chương trình môn Đạo đức theo định hướng phát triển năng lực với chương trình môn Đạo đức theo định hướng nội dung; Có phẩm chất đạo đức và năng lực công dân tiêu biểu; Có kiến thức chuyên ngành môn Đạo đức (GD đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật) và năng lực vận dụng kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề, tình huống của đời sống thực tiễn;

Có phương pháp giáo dục theo phát triển năng lực trong môn Đạo đức (tổ chức các hoạt động dạy và học theo phát triển năng lực; kết hợp giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và xã hội; đánh giá kết quả GD theo phát triển năng lực...). Có năng lực thực hiện và phát triển chương trình có tính “mở” trong môn Đạo đức.

Nội dung môn học ở bậc THPT không phải mới hoàn toàn mà kế thừa nhiều nội dung GD của chương trình hiện hành như: Thị trường; cạnh tranh, cung, cầu trong kinh tế thị trường; nền kinh tế nhiều thành phần; vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế; bản chất, vai trò của pháp luật; thực hiện pháp luật; quyền bình đẳng của công dân; một số quyền tự do cơ bản của công dân; một số quyền dân chủ cơ bản của công dân…

Cần có chiến lược bồi dưỡng giáo viên

Theo PGS Đào Đức Doãn, trước yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới, việc đào tạo giáo viên môn GDCD hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập,điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên phải có chiến lược bồi dưỡng giáo viên:

Thứ nhất, đổi mới chương trình đào tạo. Cụ thể là: Không đồng nhất GDCD với GDCT; Tập trung vào các nội dung kiến thức chuyên ngành của chương trình môn GDCD: GD đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật; Tập trung vào PPDH, PP đánh giá kết quả giáo dục theo năng lực, nghiệp vụ sư phạm.

Thứ hai, đổi mới phương thức đào tạo. Cụ thể: Phải xác định chuẩn đầu ra của người học, từ đó mới xác định nội dung và phương pháp dạy học; Gắn liền việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm với thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, khắc phục tình trạng chỉ tổ chức thực tập trong thời gian ngắn như hiện nay.

Thứ ba, đổi mới bồi dưỡng thường xuyên: Tránh hình thức, xa rời thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, bồi dưỡng qua khâu trung gian, không trực tiếp tới giáo viên.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-cong-dan-moi-phai-co-chien-luoc-boi-duong-giao-vien-3994462-b.html