Chương trình Giảm lượng giống gieo sạ ở ĐBSCL: Tiết kiệm 4.500 tỷ đồng/năm

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phát động chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với mục tiêu đến năm 2020, lượng hạt giống gieo sạ trung bình toàn vùng chỉ còn 80kg/ha...

Quá lãng phí giống

ĐBSCL là vùng trồng lúa trọng điểm của cả nước, diện tích gieo cấy lúa hàng năm trên 4 triệu hecta, chiếm khoảng 55% diện tích gieo cấy lúa của cả nước, sản lượng đạt từ 25-26 triệu tấn (chiếm gần 60% sản lượng lúa cả nước). Năm 2015, tổng diện tích gieo cấy toàn vùng đạt 4,3 triệu hecta, tăng khoảng 470.000ha so với năm 2005. Năng suất lúa trung bình của toàn vùng liên tục tăng do áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, giải pháp kỹ thuật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu được cải thiện (năm 2015 năng suất lúa trung bình đạt 59,7 tạ/ha, tăng 9,3 tạ/ha so với năm 2005). Sản lượng lúa năm 2015 ước đạt 25,7 triệu tấn, tăng khoảng 6,4 triệu tấn so với năm 2005.

Gieo sạ lúa ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh)

Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn nhưng ngành lúa gạo vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế cần phải giải quyết như: quy mô sản xuất nhỏ, chuỗi giá trị qua nhiều trung gian, thiếu liên kết, chi phí sản xuất còn cao (đặc biệt lượng giống gieo sạ còn quá cao, trung bình khoảng 150 kg/ha, một số địa phương còn sử dụng đến 200 kg hạt giống lúa/ha; trong khi đó lượng giống gieo sạ trung bình tại các tỉnh phía Bắc khoảng 40kg/ha, một số địa phương chỉ sử dụng khoảng 30 kg hạt giống/ha), tỷ lệ thất thoát cao, chế biến chưa tối ưu, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa, chất lượng gạo và khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam. Do lượng giống gieo sạ trung bình của toàn vùng còn rất cao, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng giống lúa có phẩm cấp (xác nhận) trong vùng ĐBSCL thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Chất lượng hạt giống lúa, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác sẽ tác động đến chất lượng lúa gạo. Thói quen canh tác dựa vào kinh nghiệm, sử dụng quá nhiều lượng giống dẫn đến sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc sâu đang hạn chế chất lượng gạo trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Tiến bộ kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm đã chỉ rõ giảm lượng giống gieo sạ không những vẫn đảm bảo tăng năng suất lúa mà còn tiết kiệm được các chi phí đầu tư và đã được nhiều nông dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả.

Theo tính toán, đến năm 2020, nếu toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80kg/ha (theo định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo) sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 tấn hạt giống lúa (tương đương 4.500 tỷ đồng).

Đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến

Mục tiêu của chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, người sản xuất lúa về giảm khối lượng hạt giống gieo sạ/ha trong canh tác lúa ở ĐBSCL; tăng cường thực hiện các giải pháp kỹ thuật giảm khối lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha vào năm 2020, đồng thời quản lý và sử dụng giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận tăng từ khoảng 40% lên trên 75% diện tích gieo trồng mỗi vụ; góp phần tái cơ cấu về giống lúa trong sản xuất lúa hàng hóa xuất khẩu ở ĐBSCL.

Mục tiêu cụ thể trong năm 2016: 13 tỉnh, thành phố hoàn thành triển khai chương trình giảm khối lượng hạt giống gieo sạ/ha trong canh tác lúa với lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 30% diện tích canh tác. Trong đó, có 7 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 50% diện tích canh tác. Đến năm 2017, lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 50% diện tích canh tác. Trong đó, 7 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-100 kg/ha đạt trên 70% diện tích canh tác. Năm 2018, lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 70% diện tích canh tác. Trong đó, 8 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Năm 2019, lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 85% diện tích canh tác. Trong đó, 8 tỉnh, thành phố có khối lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Năm 2020, lượng hạt giống gieo sạ trung bình 80kg/ha.

Để thực hiện tốt chương trình, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu ngành chức năng và các địa phương tập trung chỉ đạo cơ cấu giống lúa trong từng vụ sản xuất; xây dựng bộ giống lúa xuất khẩu dựa trên tiêu chí chất lượng, điều tra diện tích phát triển trong năm qua và khả năng mở rộng diện tích, ổn định vùng nguyên liệu trong thời gian tới, mỗi tỉnh cần chọn 3-5 giống lúa chất lượng cao hiện đang sản xuất với diện tích lớn hoặc đề xuất 3-5 giống lúa tỉnh chọn làm bộ giống để xây dựng kế hoạch cung ứng giống lúa cho từng vụ, từng vùng

Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL tăng cường sản xuất và quản lý giống lúa siêu nguyên chủng thuộc dự án “Phát triển giống lúa xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long” và các giống lúa chủ lực trong vùng phục vụ sản xuất.

Đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quy trình SRI và các kết quả về giảm khối lượng hạt giống gieo sạ trên hecta. Ưu tiên xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác theo quy trình canh tác 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quy trình SRI và các kết quả về giảm lượng hạt giống gieo sạ trên hecta, các mô hình sản xuất lúa trong dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (dự án VnSAT) tại một số tỉnh vùng ĐBSCL. Trong đó tập trung mô hình giảm lượng hạt giống trong từng tỉnh, mở rộng quy mô theo từng vụ sản xuất lúa và từng vùng.

Đối tượng tham gia chương trình là các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, các đơn vị tham gia chỉ đạo, thực hiện giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ có hiệu quả với quy mô lớn, có sức ảnh hưởng đến phong trào giảm lượng giống gieo sạ. Thời gian thực hiện từ tháng 1/2016 đến 31/12/2020.

Khánh Nguyên

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/chuong-trinh-giam-luong-giong-gieo-sa-o-dbscl-tiet-kiem-4500-ty-dongnam-post4443.html