Chương trình GD phổ thông mới: Cơ hội nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên

Quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng 'mở, linh hoạt…' (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư khóa XI). Như vậy, hình thức truyền thụ kiến thức một chiều được chuyển sang giảng dạy theo hướng phát triển năng lực HS của Chương trình GDPT mới mở ra cho đội ngũ GV, người trực tiếp triển khai chương trình, cơ hội nâng cao năng lực giảng dạy.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh

Giờ học của cô và trò Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Thiên Thanh

Tâm thế đổi mới

Mô hình giáo dục mới chấp nhận sự đa dạng trong tiếp nhận kiến thức của HS; HS được biểu đạt, thảo luận để tiếp cận kiến thức, bảo đảm cho sự sáng tạo trong học tập; tạo cơ hội, điều kiện cho HS khám phá kiến thức, phát triển năng lực khoa học và kĩ năng, tố chất với tinh thần sáng tạo… Học tập theo hướng “mở”, giúp HS biết tự tổ chức việc học tập của mình, phát triển các phẩm chất, năng lực, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và các kỹ năng nền tảng.

Để làm được điều đó, bản thân giáo viên phải có kiến thức và kĩ năng chuyên môn sư phạm; biết vận dụng các phương pháp và phương tiện dạy học một cách hợp lý, độc đáo và hiệu quả trong quá trình dạy học để phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh; biết sử dụng ưu thế của các phương pháp dạy học truyền thống kết hợp với các phương pháp dạy học hiện đại.

Nhìn chung, việc đổi mới phương pháp dạy học đã được đại đa số GV thực hiện từng bước thay đổi trong nhiều năm qua, nay với việc triển khai Chương trình GDPT mới, việc can thiệp quá mức của các cơ quan quản lý vào hoạt động chuyên môn của các nhà trường và của giáo viên sẽ chấm dứt, GV sẽ được trao quyền chủ động để có nhiều cơ hội sáng tạo và động lực đổi mới, nhằm phát huy tính chủ động trong thực hiện chương trình. GV sẽ được tự chủ về nội dung giáo dục, nghĩa là “dạy cái gì, dạy như thế nào” cũng sẽ thuộc về quyền hạn của giáo viên.

Cơ hội nâng cao năng lực

Chính vì được “cởi trói”, nên ngay từ bây giờ, các nhà giáo phải có tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị với tinh thần đổi mới thật sự trong việc tự trang bị cho mình những năng lực phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng mở và có thể, quản lý chuyên môn trong nhà trường… cần sáng tạo sử dụng các phương pháp dạy học mới, các công cụ và kĩ thuật sáng tạo trong quá trình dạy học.

Cụ thể GV cần tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sư phạm về kiến thức và hiểu biết chuyên sâu bộ môn, các kỹ năng sư phạm và năng lực ứng xử trong việc triển khai Chương trình GDPT mới.

Không những phải có kiến thức chuyên sâu ở khối lớp đang giảng dạy mà phải có kiến thức chuyên sâu ở toàn cấp học, để có cái nhìn bao quát chương trình toàn cấp với các mối quan hệ liên thông của chương trình. Từ đó, GV phải là người có nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng trên cơ sở tự xác định cho bản thân những năng lực, vấn đề cần bồi dưỡng như kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong dạy học, thiết kế, tổ chức hoạt động giáo dục…

Người GV không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt tri thức mà phải là người tổ chức, hướng dẫn cho các hoạt động tìm tòi, khám phá, sáng tạo của HS và hoạt động học, từ cách dạy thông báo - giải thích sang cách dạy hoạt động tìm tòi, khám phá, giúp HS tự tiếp nhận kiến thức, hình thành kĩ năng cơ bản và biết ứng dụng hợp lý tri thức học được vào cuộc sống...

Người GV không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt tri thức mà phải là người tổ chức, hướng dẫn cho các hoạt động tìm tòi, khám phá, sáng tạo của HS và hoạt động học; Từ cách dạy thông báo - giải thích sang cách dạy hoạt động tìm tòi, khám phá, giúp HS tự tiếp nhận kiến thức, hình thành kĩ năng cơ bản và biết ứng dụng hợp lý tri thức học được vào cuộc sống.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuong-trinh-gd-pho-thong-moi-co-hoi-nang-cao-nang-luc-su-pham-cho-giao-vien-4007496-b.html