Chương trình F-35 'tiến thoái lưỡng nan' khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ

Chương trình F-35 của Mỹ giờ đây đang bị vây trong 'muôn trùng khó khăn' khi loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi cuộc chơi.

Theo Defense News, Mỹ mới đây đã chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, Công ty chuyên sản xuất động cơ máy bay dân sự và quân sự Pratt & Whitney của Mỹ cho rằng, do Thổ Nhĩ Kỳ bị loại nên chi phí chế tạo động cơ cho F-35 sẽ tăng lên, kéo theo tổng chi phí chế tạo cũng tăng lên.

Trong những năm gần đây, nhu cầu của Quân đội Mỹ đối với máy bay chiến đấu F-35 không ngừng tăng lên, nhưng một loạt vấn đề khiến việc chế tạo trở nên khó khăn hơn.

Chương trình F-35 đứng trước nhiều nguy cơ khó dự đoán. Nguồn: people.com.cn.

Chương trình F-35 đứng trước nhiều nguy cơ khó dự đoán. Nguồn: people.com.cn.

Trưởng dự án F-35 của Pratt & Whitney cho biết, do chương trình hợp tác chung F-35 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ nên chi phí của động cơ tiêm kích F-35 sẽ tăng 3%.

Điều này được hiểu rằng các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo các bộ phận của động cơ F-35 với chất lượng cao và chi phí thấp. Bloomberg cho biết, các bộ phận do các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất là bộ phận quan trọng của động cơ.

Do Thổ Nhĩ Kỳ rút lui nên 75% bộ phận đã được chuyển sang nhà cung cấp mới, các bộ phận còn lại dự kiến sẽ tìm được nhà cung cấp thay thế vào cuối năm 2021.

Thổ Nhĩ Kỳ từng là đối tác của chương trình F-35 và bị Mỹ "tống cổ" vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Hiện tại, do ảnh hưởng bởi việc Thổ Nhĩ Kỳ rút lui, tiêm kích F-35 không chỉ tăng chi phí sản xuất, kéo dài thời gian giao hàng mà chất lượng cũng khó đảm bảo.

Ngoài chi phí động cơ tăng cao, tiêm kích F-35 còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Theo người phụ trách chương trình F-35, việc thiếu hụt mô-đun năng lượng khiến động cơ máy bay chiến đấu F-35 không đủ phụ tùng thay thế.

Ngày 22/4, 21 máy bay chiến đấu F-35 của Không quân Mỹ đã phải dừng bay và 15 trong số đó bị hỏng động cơ. Trước đó, Bloomberg đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng, tỷ lệ phụ tùng động cơ tiêm kích F-35 chỉ đạt từ 10% đến 12%, còn lâu mới đạt được tiêu chuẩn.

Ngoài ra, chi phí bay của tiêm kích F-35 cũng ngày càng tăng. Với việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí bay của F-35 sẽ tăng từ mức 35.000 USD/giờ bay hiện nay, lên mức 40.000 USD mỗi giờ do các yếu tố như giá động cơ tăng.

Các quan chức Không quân Mỹ chỉ ra rằng, Không quân Mỹ kỳ vọng phi công F-35 có thể bay ít nhất 200 giờ mỗi năm. Với 35.000 USD mỗi giờ, một phi đội gồm 24 phi công sẽ tiêu tốn 168 triệu USD để hoàn thành số giờ bay hàng năm.

Trong khi đó, một phi đội F-15 chỉ có giá 129 triệu USD với điều kiện tương tự. Đối với Không quân Mỹ, làm thế nào để giảm chi phí bay của tiêm kích F-35 càng sớm càng tốt đã trở thành một vấn đề khác cần được giải quyết gấp.

Bên cạnh việc tăng chi phí, vấn đề kiểm soát sự quá tải của hệ thống thông tin hậu cần tự động trước đây vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến việc không thể theo dõi và chẩn đoán hiệu quả tình trạng của các bộ phận khác nhau trên máy bay chiến đấu.

Những vấn đề này cản trở nghiêm trọng đến việc sản xuất và sử dụng bình thường máy bay chiến đấu F-35, đồng thời các mục tiêu mà Không quân Mỹ đặt ra trong kế hoạch F-35 cũng khó có thể đạt được.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/chuong-trinh-f-35-tien-thoai-luong-nan-khi-my-loai-tho-nhi-ky-283688.html