Chương trình điều trị cho trẻ em bị chấn thương tấm lý vì chiến tranh ở Iraq

Những đợt tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong thời gian qua đã khiến hàng ngàn người dân Iraq bị chấn thương tâm lý, trong đó có trẻ em.

Tuy nhiên, thời gian qua, số người được điều trị tâm lý không nhiều do thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như nhân lực.

Tăng vọt số người mắc chứng rối loạn tâm thần tại khu vực bất ổn

Cô bé Media 10 tuổi cùng gia đình sống trong trong trại tị nạn ở Kurdistan, nằm ở phía Bắc Iraq. Đây là một nơi an toàn, không sợ bị bắt cóc, pháo kích, chiến tranh hay thiếu thức ăn. Mẹ của Media kể lại, IS xâm chiếm ngôi làng vào tháng 8-2014, gia đình cô cùng nhiều người khác đã phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng.

"Tôi và các thành viên trong gia đình trốn thoát, mất 10 ngày chạy trốn, vượt qua quãng đường dài trong tình trạng không có nước uống, thức ăn để đến được nơi đây", mẹ của Media nói.

Thời gian sống dưới sự đàn áp của IS, Media liên tục lên cơn co giật và ngất mà gia đình không biết lý do tại sao. Trong trại tị nạn, những cơn co giật của Media vẫn tiếp tục xảy ra. Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, gương mặt Media biến sắc và toàn bộ cơ thể căng cứng. Tình trạng này có thể kéo dài từ 10 đến 30 phút.

Một bác sĩ ở Dohuk chẩn đoán cô bé mắc chứng tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, một sinh viên tâm lý hoài nghi về kết luận này và nhờ Giáo sư Jan Ilhan Kizilhan, Đại học Baden-Wuerttgl (DHBW) ở Villingen-Schwenningen, phía Nam nước Đức tư vấn.

Giáo sư Jan Ilhan là một trong những chuyên gia trị liệu tâm lý. Trong khoảng thời gian từ tháng 3-2015 đến tháng 1-2016, ông đã đưa hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em gái Yazidi từng bị IS bắt cóc và đánh đập dã man đến Đức để chữa trị.

Giáo sư Kizilhan cho biết, ông đã từng chứng kiến những trường hợp tương tự như Media. Đó là biểu hiện của cơ chế sinh tồn khi Media phải đối mặt với nỗi sợ hãi. Ông chẩn đoán Media bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

"Hình ảnh kinh hoàng mà IS tạo ra như sát hại hàng loạt, khủng bố, bắt cóc, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em… ám ảnh tâm trí người dân khiến họ luôn sống trong sợ hãi. Thực tế cho thấy, với những khu vực xảy ra nội chiến, khủng bố, số người mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần tăng vọt", Giáo sư Kizilhan nói.

Giờ đây, sau một thời gian trị liệu, tinh thần của Media khá hơn rất nhiều. Cô bé trở nên hài hước và cởi mở hơn. Media đã kết bạn và chơi thân với một số bạn bè trong trại. Tại lớp học, Media còn được đánh giá là một trong những học sinh sáng giá nhất của lớp.

Nhiều trẻ em ở Iraq đang được các bác sĩ tâm lý trị liệu.

Nhiều trẻ em ở Iraq đang được các bác sĩ tâm lý trị liệu.

Mối nguy hiểm tiềm tàng ở một số đối tượng không được điều trị tâm lý

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức, Giáo sư Kizilhan đã thành lập Viện Tâm lý trị liệu và Tâm thần học tại Đại học Dohuk. 25 sinh viên đầu tiên đã hoàn thành khóa học và trở thành những nhà trị liệu tâm lý. Giáo sư Kizilhan hy vọng, việc điều trị cho những người bị chấn thương tâm lý sẽ được mở rộng từ khu vực Dohuk đến phần còn lại của Trung Đông.

Một bà mẹ trẻ tên Suad cũng đang được các bác sĩ tâm lý trị liệu. Suad sống cùng chồng và ba người con tại trại tị nạn Sharia, gần Dohuk nhưng hai cô con gái lớn đã bị bắt cóc.

Đã hơn 4 năm kể từ khi IS đột kích vào ngôi làng mà gia đình sinh sống, Suad vẫn luôn bị dằn vặt vì không biết liệu hai cô con gái còn sống hay không. Các bác sĩ trị liệu tiếp xúc và cố gắng giúp Suad ổn định tâm lý.

Bác sĩ trị liệu Noori, 29 tuổi cho biết, anh cố gắng trò chuyện, giúp Suad kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình nhưng điều không thể thay đổi là hình ảnh khủng khiếp trong quá khứ mà Suad nhìn thấy.

"Rất may mắn, vào tháng 4-2019, hai cô con gái đầu của Suad là Hadia, Kristina đã được đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, cả hai đều có dấu hiệu bị lạm dụng. Kristina ít nói và có dấu hiệu trầm cảm, trong khi đó, Hadia lại rất hung hăng, cáu kỉnh và hay cãi lại. Cả hai cô bé đều phải được điều trị tâm lý", bác sĩ Noori nói.

Giáo sư Kizilhan cho biết, một trong những rào cản trong việc tiến hành trị liệu tâm lý là sự dè dặt, hoài nghi của mọi người. "Nếu cảm thấy có điều gì bất thường, người dân sẽ tìm gặp bác sĩ tâm thần chứ không phải bác sĩ trị liệu. Và nếu bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc. Điều này làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ. Nói chung, các vấn đề liên quan đến tâm lý chưa được nhận thức đúng", ông Kizilhan nói.

Giáo sư Kizilhan cho biết thêm, hiện rất nhiều người bị tổn thương tâm lý nhưng không được điều trị vì số lượng quá lớn. Tỷ lệ tự sát ở Iraq rất cao.

Ông cũng nhận thấy mối nguy hiểm tiềm tàng ở một số đối tượng không được điều trị tâm lý, điển hình như các cựu chiến binh trẻ em quay trở lại xã hội thường tiềm ẩn hành vi gây hấn và mất kiểm soát.

Mạnh Tường (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/chuong-trinh-dieu-tri-cho-tre-em-bi-chan-thuong-tam-ly-vi-chien-tranh-o-iraq-581617/