Chương trình đào tạo song bằng đang đi đúng hướng

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng đã dần đi vào ổn định; nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh; góp phần giữ vững niềm tin của xã hội đối với một mô hình đào tạo quốc tế mới tại một số trường công lập Hà Nội.

Ngày 24/10, Ủy ban nhân dân Thành phố (UBND TP) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2017 - 2018 đến nay và công bố mã trường Cambridge VN283 cho Trường Trung học phổ thông Chu Văn An.

Dự Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng, toàn thành phố Hà Nội hiện có 179 học sinh cấp Trung học phổ thông và 775 học sinh cấp trung học cơ sở của 8 trường đang tham gia học chương trình song bằng, trong đó có 48 học sinh đang học lớp 12. Đánh giá sơ bộ về kết quả kỳ thi của học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ AS-Level vào tháng 6/2019, hầu hết học sinh đều đạt kết quả tốt. Các học sinh tham gia học chương trình đào tạo song bằng ở các trường Trung học cơ sở cũng đã đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình đào tạo.

Đề án thí điểm đào tạo song bằng là bước đi tiên phong của ngành GD&ĐT Thủ đô trong thời kỳ đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Đề án sau 3 năm triển khai thực hiện đã dần đi vào ổn định, nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần giữ vững niềm tin của xã hội đối với một mô hình đào tạo quốc tế mới tại một số trường công lập Hà Nội. Đồng thời cho thấy sự phù hợp của chương trình trong giai đoạn đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.

Học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông học chương trình song bằng có chất lượng tốt. Chính vì vậy, số học sinh dự thi và có nguyện vọng học chương trình song bằng ngày một đông hơn. Nhiều trường ngoài công lập đã song song với các trường công lập tổ chức dạy học chương trình song bằng. Học sinh tham gia học tập chương trình song bằng tự tin khi học tập, kết quả học tập tốt. Đặc biệt là năng lực ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, học tập, nghiên cứu bằng ngoại ngữ của học sinh được nâng lên. Học sinh các lớp song bằng tham gia nhiều kỳ thi quốc tế, khu vực đạt kết quả tốt.

8 trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội đang triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng gồm có: Trung học phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam (cả 2 khối Trung học phổ thông và Trung học cơ sở), Trung học cơ sở Chu Văn An, Trung học cơ sở Trưng Vương, Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, Trung học cơ sở Cầu Giấy, Trung học cơ sở Nghĩa Tân, Trung học cơ sở Thanh Xuân.

Các trường dạy song bằng đã tạo ra môi trường học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt chuyên môn có hiệu quả cao cho đội ngũ giáo viên là người Việt Nam đang giảng dạy chương trình Việt Nam; được nâng cao năng lực ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tiên tiến.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng của Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thực hiện Luật Thủ đô và đáp ứng mong muốn của phụ huynh, học sinh về một mô hình giáo dục tiên tiến song hành với chương trình giáo dục của Nhà nước. Sau 3 năm thực hiện, có thể nói, Chương trình này đang đi đúng hướng và được nhiều phụ huynh, học sinh đánh giá cao, các tiêu chí và tiêu chuẩn đều cao hơn hệ chương trình Cambrigde quốc tế.

Để triển khai chương trình sâu rộng hơn nữa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thực hiện, Sở GD&ĐT Hà Nội cần rà soát chất lượng các trường Trung học phổ thông và Trung học cơ sở có đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai, nâng số lượng trường tham gia đề án ngay trong năm học 2020 - 2021, đáp ứng nhu cầu đào tạo liên thông từ cấp Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cần kiểm tra, rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn hoặc có thể phối hợp với các trường đại học để bổ sung lực lượng giáo viên, giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho chương trình.

Tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 9 cá nhân có thành tích trong việc thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội từ năm học 2017 - 2018 đến nay.

Nhân dịp này, đại diện tổ chức Cambridge Assessment International Education cũng đã chính thức công bố mã trường Cambridge-VN 238 cho Trường Trung học phổ thông Chu Văn An - một trong những trường phổ thông công lập của Hà Nội đang thực hiện thí điểm chương trình đào tạo song bằng.

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện các trường tham gia thí điểm Đề án đều có chung nhận định, việc thực hiện chương trình song bằng tại các trường phổ thông là cơ sở để các nhà trường phát huy năng lực, tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học, đồng thời đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh hiện nay. Các nhà trường cũng bày tỏ mong muốn chương trình song bằng tú tài tiếp tục được nhân rộng ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố, tạo thêm cơ hội cho học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục hiện đại.

P.V

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuong-trinh-dao-tao-song-bang-dang-di-dung-huong-98459.html