Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2019: Tôn vinh những người thầy vượt khó

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2019. Chương trình tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người DTTS đang theo học.

Trong 4 năm qua, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo, các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội; các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng làm công tác dạy học giúp đỡ học sinh đến trường.

Dưới sự tận tụy của các thầy cô, học sinh người DTTS ở xã Bản Máy(huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã biết yêu hơn những con chữ

Dưới sự tận tụy của các thầy cô, học sinh người DTTS ở xã Bản Máy(huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã biết yêu hơn những con chữ

Các thầy, cô được tuyên dương là người có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học, được phụ huynh, nhà trường và xã hội ghi nhận. Các thầy cô cũng là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ... Trong đó, ưu tiên các giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm, giáo viên trẻ lên vùng sâu, vùng xa dạy học, có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục.

Trong số 63 thầy cô được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019, có 24 giáo viên là người DTTS thuộc các dân tộc như: Mông, Thái, Tày, Gia Rai, Khmer, Mường, Dao, Pa Cô... Các thầy, các cô đều là những giáo viên có nhiều năm bám bản, bám làng, gieo con chữ ở những địa bàn mà chỉ nghe tên thôi cũng thấy xa xôi, vất vả. Đó là các huyện: Tân Lạc (Hòa Bình), Mường Nhé (Điện Biên), Na Rì (Bắc Kạn), Hà Quảng (Cao Bằng), Si Ma Cai (Lào Cai), Bắc Yên (Sơn La), Mèo Vạc (Hà Giang), Hương Khê (Hà Tĩnh), Lệ Thủy (Quảng Bình), Sơn Hà (Quảng Ngãi), Hướng Hóa (Quảng Trị), Đông Giang (Quảng Nam), Ea Súp (Đắk Lắk), Tuy Phong (Bình Thuận), Tân Châu (Tây Ninh), Đắk Glong (Đắk Nông), Hòn Đất (Kiên Giang), Bù Gia Mập (Bình Phước)... Người ít nhất cũng có 6 năm đứng lớp (thầy giáo Lý A Phông - Yên Lập, Phú Thọ), người nhiều nhất là 32 năm 2 tháng (cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)…

Học sinh mầm non ở xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) tập thể dục buổi sáng cùng cô giáo

Tuy mỗi thầy cô đều có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhiều người cuộc sống còn nhiều thiếu thốn..., vậy nhưng vượt lên tất cả là lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp “gieo con chữ” nơi vùng sâu, vùng xa. Bằng tấm lòng yêu quý học trò, các thầy cô đã kiên trì truyền dạy kiến thức và niềm đam mê học tập với các học sinh, trong đó rất nhiều em là người DTTS. Nhờ các thầy, các cô, nhiều thế hệ học trò đã tự tin vượt qua những thiệt thòi, thiếu thốn… trở thành những công dân có ích cho xã hội, là tấm gương sáng cho các học sinh khác noi theo.

Cùng với việc được về Thủ đô Hà Nội tham quan, gặp gỡ, giao lưu… mỗi thầy, cô giáo được tuyên dương năm nay sẽ được nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-chia-se-cung-thay-co-nam-2019-ton-vinh-nhung-nguoi-thay-vuot-kho-128244.html