Chương trình 9+ cho học sinh sau THCS: Rộng cửa trường nghề

Thông tin đưa ra trong Tọa đàm 'Điều kiện để mở cánh cửa trường nghề' cho thấy: Học sinh THCS, THPT có thể tham gia ứng tuyển, nộp hồ sơ, chọn trường để theo học CĐ, hoặc trung cấp nghề.

Một tiết học thực hành tại Trường CĐ Y Dược Pasteur. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Một tiết học thực hành tại Trường CĐ Y Dược Pasteur. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đào tạo song hành

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Chương trình 9+ là hướng mở được chính thức đưa vào các trường để người dân yên tâm học nghề.

Theo ông Giang, chương trình được gọi tắt là 9+, đào tạo song hành lý thuyết và học nghề, để người học được tiếp cận với kiến thức và kĩ năng. Kết thúc khóa học, người học có thể nhận bằng cao đẳng, thấp nhất là trung cấp và công nhận tốt nghiệp để học cao hơn nữa.

Ông Giang cũng cho hay: Mô hình này được áp dụng từ thập kỉ 80 thế kỷ trước nhưng sau đó một số trường đã để "trôi" theo thời gian. Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời, các trường mới quay lại mô hình đào tạo này.

"Chúng tôi đã nghiên cứu để học sinh lớp 9 có thể học thẳng lên cao đẳng, hướng mở này hứa hẹn có thay đổi trong dạy và học trung cấp, cao đẳng nghề ở Việt Nam", ông Giang chia sẻ.

Về vấn đề việc làm, ông Đỗ Văn Giang cho rằng, các em hoàn toàn yên tâm vì học xong có kiến thức thực tế, kỹ năng mềm, sẽ đáp ứng được việc làm theo yêu cầu doanh nghiệp.

Thách thức không nhỏ

Vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm là đào tạo nghề cho học sinh sau THCS có khó khăn gì không khi ở lứa tuổi này các em chưa tới tuổi lao động. Trả lời câu hỏi này, ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội cho biết: Khó khăn là có thật vì tâm lý của phụ huynh học sinh ngại con em mình còn nhỏ quá. Chính vì vậy, cần tuyên truyền đúng đắn để các phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn.

Sau khi tốt nghiệp THCS, HS đã 15 tuổi và sau khi tốt nghiệp hệ 9+ đủ 18 tuổi và có thể tham gia lao động. Thực tế, một số em học văn hóa không tốt nhưng học nghề rất tốt. Các nhà trường cần dựa vào năng lực HS để điều chỉnh phù hợp (80% thực hành và 20% lý thuyết). Song song với đó, việc đào tạo văn hóa được thực hiện bên cạnh việc học nghề.

Ông Khuất Huy Bằng cho rằng, ưu điểm của chương trình đào tạo hệ 9+: HS được rút ngắn thời gian học, ra trường sớm hơn và cơ hội việc làm tốt hơn đồng thời được miễn học phí, lại trường sớm hơn để đóng góp vào nền kinh tế.

TS Lương Tâm Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur (Hà Nội) cho hay: Đào tạo nghề cho học sinh THCS là cánh cửa rộng mở. Nhưng làm sao định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ cấp THCS? Hiện, ngày hội tuyển sinh mới tập trung ở các trường THPT, chưa tổ chức tới các trường THCS. Vì thế, cần làm ngày hội tuyển sinh ở trường THCS để phụ huynh và học sinh hiểu học nghề theo chương trình này có cơ hội bằng cấp như học chương trình, hệ đào tạo khác.

Theo bà Tâm Uyên, ngành Y, dược học theo chương trình 9+ vẫn có thể học lên tiếp. Hiện nhà trường chưa tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS nhưng năm tới sẽ làm mạnh công tác truyền thông để tuyển được học sinh này.

Nói về nghề hút lao động hiện nay, ông Đỗ Văn Giang nhấn mạnh: Các nghề nặng nhọc, độc hại như khai thác than có sự ưu tiên tuyệt đối nhưng vẫn thiếu và rất ít học sinh theo học. Hoặc những ngành logictics, công nghệ cao, công nghệ sinh học… cũng thiếu chỉ tiêu đầu vào.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-9-cho-hoc-sinh-sau-thcs-rong-cua-truong-nghe-20200625102739207.html