Chương trình 712: Bệ phóng cho doanh nghiệp

Từ năm 2012, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp triển khai Chương trình Quốc gia 'Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020' (Chương trình 712). Chương trình được xem là 'bệ phóng' giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng, tham gia chương trình, doanh nghiệp được hỗ trợ miễn phí về tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý (ISO 14.000 quản lý về môi trường, ISO 22.000 quản lý an toàn thực phẩm...) và những công cụ năng suất phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Nhờ có chương trình hỗ trợ đào tạo từ tổng cục trong việc thực hiện các tiêu chuẩn và công cụ 5S, nhiều doanh nghiệp đã “thay da, đổi thịt”, Chương trình 712 được xem là “bệ phóng” giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Nhựa Thái Bình Dương được áp dụng 5S

Để nâng cao năng suất, ngoài việc thay đổi công nghệ, máy móc hiện đại, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công cụ cải tiến cũng giúp các doanh nghiệp tăng năng suất lao động, gia tăng đơn hàng với đối tác.

Tại Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam (chuyên sản xuất và thương mại các mặt hàng cơ khí), nhờ công cụ cải tiến mà cụ thể là 5S, công ty đã thu hút nhiều đơn hàng đến từ các doanh nghiệp đa quốc gia của Nhật Bản như: Canon, Honda… và doanh nghiệp này đang tiếp cận với Vinfast.

Theo ông Trịnh Ngọc Thảo - Phó Tổng giám đốc Smart Việt Nam, 5S và ISO 9000, ISO 14000 được công ty triển khai từ năm 2016, sau 6 tháng khách hàng bắt đầu tìm đến.

Năm 2017 và 2018, Smart Việt Nam đã có một số khách hàng nước ngoài của Nhật Bản, Mỹ và công ty bắt đầu làm ăn có lãi. “Năm 2019, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng để xây dựng thương hiệu và khẳng định uy tín” - ông Thảo cho biết.

Còn tại Công ty CP Nhựa Thái Bình Dương, ông Nguyễn Mạnh Đức - Giám đốc điều hành sản xuất công ty - chia sẻ, thay vì phong cách làm việc cũ, bây giờ, hàng ngày, từng cán bộ, công nhân đã có thói quen chú ý sạch sẽ, ngăn nắp từ chính bàn làm việc của mình. Đây chính là yêu cầu khi áp dụng công cụ 5S của Nhật Bản đối với hoạt động sản xuất, dịch vụ và văn phòng. Hiện, các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản. Khách hàng này luôn coi trọng tính ổn định chất lượng sản phẩm. “Sau khi áp dụng 5S, Kaizen, các đối tác Nhật Bản đã đặt nhiều đơn hàng lớn hơn. Đây chính là sự thành công khi chúng tôi thực hiện 5S và hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001” - ông Đức cho biết.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là mục tiêu của các doanh nghiệp. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng là những giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-712-be-phong-cho-doanh-nghiep-114857.html