Chương trình 6a giúp người dân tăng thu nhập

Chương trình 6a về áp dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng của một số sản phẩm nông nghiệp, thu nhập của người dân tăng cao.

Ngày 4/3, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) tổ chức tổng kết Chương trình số 6a về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng của một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2016 - 2020.

 Trang trại cà chua Nova của Nguyễn Thái Thanh, là một trong những sản phẩm tiêu của của TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Yên.

Trang trại cà chua Nova của Nguyễn Thái Thanh, là một trong những sản phẩm tiêu của của TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Yên.

Chương trình 6a giúp thu nhập người dân tăng cao

Theo báo cáo tổng kết của UBND TP Buôn Ma Thuột, sau 5 năm thực hiện Chương trình 6a tổng diện tích cà phê đạt 11.308,7 ha, tăng 2,81% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, diện tích cà phê được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, UTZ là 3.325,5 ha.

Diện tích rau tăng 35,7% đạt 1.831,99 ha, sản lượng là 41.219.82 tấn. Diện tích rau thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn và được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 1.533,242 ha; 34.991,49 tấn rau thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn, đạt 84,89%.

Đối với chăn nuôi, tổng số đàn heo trên địa bàn là 149.509 con, tăng 36%; gà gần đạt 2,1 triệu con, tăng 60% so với chỉ tiêu.

Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, dự án đã triển khai được 176 mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó 105 mô hình tái canh, ghép cải tạo, trồng xen cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, tưới nhỏ giọt trên cây cà phê, tưới phun mưa trên cây rau và trồng rau trong nhà lưới...; 30 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà; 7 mô hình cấp giấy chứng nhận VietGAP, UTZ trên cây trồng và 34 mô hình khác.

Chương trình 6a đã giúp người dân tăng thu nhập từ 96 triệu đồng/1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2015 lên 107 triệu đồng/ha năm 2020; 95,15% hộ trồng trọt và 97,98% hộ chăn nuôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; năng suất bình quân cà phê năm 2015 là 2,4 tấn/ha đến nay tăng lên 2,57 tấn/ha. Chăn nuôi trang trại, gia trại ngày càng được người nông dân chú trọng đầu tư phát triển, đến nay đã có 350 trang trại và gia trại, nên đã hạn chế được dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Trồng dưa lưới công nghệ cao giúp nông dân có thu nhập cao. Ảnh: Quang Yên.

Bà Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm, doanh nghiệp trồng cà chua Nova sạch theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết Chương trình 6a đã giúp đỡ doanh nghiệp, nông dân trong việc sản xuất, kết nối người tiêu dùng.

Theo bà Thanh, đây là chương trình đúng đắn của Thành ủy và UBND TP Buôn Ma Thuột, giúp người dân nâng cao hiệu quả và tăng giá trị của một số sản phẩm nông nghiệp.

“Chương trình 6a đã giúp doanh nghiệp trong việc quảng bá, kết nối người tiêu dùng. Trong thời gian tới, chúng tôi mong UBND thành phố tiếp tục có những chính sách giúp đỡ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, bà Thanh nói.

Hướng tới liên kết chuỗi

Theo đánh giá của UBND TP Buôn Ma Thuột, chương trình 6a đã đạt được nhiều thành tích nhưng vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết.

Nông dân thực hiện mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, một số đơn vị phường, xã chưa thật sự quan tâm đến chương trình còn thiếu kiểm tra, giám sát. Một bộ phận dân cư nông thôn còn nặng tính ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước, tâm lý người dân còn thích sản xuất theo kiểu truyền thống, không có sự kiểm soát...

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp sở hữu của người dân, nên đầu tư vào sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm hàng hóa chưa cao.

Người nông dân vẫn còn thấy xa lạ với khái niệm chuỗi liên kết, sản xuất theo hợp đồng, theo đơn đặt hàng nên việc liên kết chưa bền vững.

Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết Chương trình 6a đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao diện tích, chất lượng nông sản địa phương.

Theo ông Thượng, thời gian tới thành phố tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, xem có phù hợp với giai đoạn hiện nay hay không. Từ đó, địa phương sẽ có phương hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Thành phố Buôn Ma Thuột sẽ đi sâu vào việc thực hiện liên kết chuỗi, khuyến khích, đẩy mạnh việc hợp tác với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để đảm đầu ra sản phẩm cho người dân.

Đẩy mạnh những sản phẩm OCOP của thành phố theo Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Vị phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho biết thêm, TP đang hợp đồng với một số đơn vị để xây dựng đề án Đô thị nông nghiệp sinh thái. Ngoài ra, theo kết luận 67 của Bộ Chính trị về việc xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, địa phương đang từng bước đề xuất với tỉnh để xây dựng Buôn Ma Thuột là Thành phố cà phê của thế giới.

“Khi thực hiện các đề án trên thì người người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều. Địa phương sẽ có những chính sách để hỗ trợ người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa sản phẩm tiêu biểu của địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế”, ông Thượng nói.

Chương trình 6a là chương trình hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó các cây nông nghiệp như cà phê, rau, cà chua, dươi lưới; con vật nuôi là heo, gà.

Quang Yên-Minh Hậu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuong-trinh-6a-giup-nguoi-dan-tang-thu-nhap-d285327.html