Chuông ngân từ lòng dân Giáo phận Bùi Chu

Bùi Chu là một trong 26 Giáo phận trên cả nước. Diện tích không lớn, nằm trọn trong địa bàn 6 huyện phía Nam sông Đào của tỉnh Nam Định nhưng là Giáo phận có số lượng giáo dân, giáo xứ đông đảo, riêng số lượng giáo dân chiếm khoảng 25% dân số của tỉnh Nam Định. Nhiều xã ven biển thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng là xã Công giáo gần như toàn tòng, cứ vài cây số vuông lại có một công trình nhà thờ sừng sững, uy nghi.

Làng quê xứ đạo Nam Định hôm nay.

Làng quê xứ đạo Nam Định hôm nay.

Hôm nay, đi khắp các giáo xứ trong Giáo phận Bùi Chu, đến đâu cũng được nghe những câu chuyện về sự chung sức, đồng lòng của chức sắc, giáo dân với công cuộc xây dựng nông thôn mới, từ hiến đất làm đường đến những mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả thiết thực; từ dồn điền đổi thửa, đến việc hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả.

Không nói đâu xa, việc ô tô con, xe tải giờ đây có thể đi lại, ngược xuôi ở nhiều thôn làng, xứ đạo, cánh đồng thuộc địa bàn các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng... chính là nhờ nghĩa cử hiến, góp đất của người dân địa phương, trong đó có rất đông các gia đình Công giáo.

Có gia đình như gia đình ông Vũ Ngọc Lân ở giáo xứ Kiên Chính (Hải Chính, Hải Hậu), khi chính quyền địa phương triển khai dự án làmđường, gia đình ông đã hiến đến 200m2 đất thổ cư, không nhận đền bù.

Trước thềm Noel năm 2020, gặp lại anh Trần Kiều, giáo dân Giáo xứ Kiên Lao (Xuân Trường), Giám đốc Công ty Cơ khí Tân Thiên Phú, thấy anh đang tất bật với dự án xây dựng cơ sở xử lý rác thải bằng công nghệ “bắt rác thành điện”, đặt ngay tại giáo xứ Kiên Lao.

Trước đó, anh Trần Kiều cùng các cộng sự của mình đã làm nên một “kỳ tích” trong công tác bảo vệ môi trường ở Nam Định. Đó là mày mò, nghiên cứu, sản xuất, cung cấp cho nhiều xã trong tỉnh những chiếc lò đốt rác, thay thế cho việc chôn lấp.

Đặc biệt, cách đây chưa lâu, thêm một lần nữa anh gây ngạc nhiên với chính quyền, người dân địa phương khi bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ, biến khu bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm nặng trong nhiều năm của thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường) thành một khu xử lý, đốt rác thải nhưng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên.

Từ đó đến nay, “bãi rác” này trở thành địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương, nơi trẻ em đến để chạy nhảy trên thảm cỏ, thanh niên đến chơi thể thao, tập thể hình, người già ngồi nghỉ ngơi trên ghế đá, dưới tán cây xanh.

Còn tại kỳ họp HĐND tỉnh Nam Định mới đây, ông Đoàn Văn Sáu - giáo dân ở xã Trực Hùng (Trực Ninh), Giám đốc Công ty giống lúa Cường Tân, đại biểu HĐND tỉnh đã chia sẻ những thông tin tích cực về mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa Cường Tân và hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh, trong đó phần lớn là các gia đình Công giáo.

Hàng chục năm qua, nông dân tham gia mô hình có khoản thu nhập kép, gồm tiền cho Cường Tân thuê ruộng và thu nhập từ sản sản phẩm lúa giống, cao, ổn định hơn rất nhiều so với khi còn sản xuất độc lập, nhỏ lẻ.

Chung sức, đồng lòng, trong đó có những đóng góp quan trọng, thiết thực của đồng bào Công giáo địa phương nên không quá ngạc nhiên khi 6 huyện phía Nam tỉnh Nam Định đều là những huyện đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Hải Hậu đang đặt mục tiêu sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuong-ngan-tu-long-dan-giao-phan-bui-chu-547421.html