Chương Mỹ: Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp

Những năm qua, huyện Chương Mỹ đã tích cực phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập ổn định cho nông dân, chương trình phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng hệ thống thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất gắn với thị trường luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Chương Mỹ quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan.

Trạm cảnh báo thời tiết, sâu bệnh bằng công nghệ Imetos được lắp đặt tại vùng trồng rau của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn. (Ảnh: Kim Thoa)

Trạm cảnh báo thời tiết, sâu bệnh bằng công nghệ Imetos được lắp đặt tại vùng trồng rau của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn. (Ảnh: Kim Thoa)

Chương trình phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung của huyện Chương Mỹ từ chỗ chưa hình thành đến nay đã phát triển được vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 5.000 ha, vùng bưởi Chương Mỹ với diện tích 500 ha, vùng chăn nuôi trên 200 ha với 400 trang trại quy mô lớn.

Trong các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung đã từng bước triển khai các dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm mục đích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Chương Mỹ đã tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào khâu giống và công nghệ sản xuất. Từ năm 2009 - 2019, bộ giống lúa của huyện đã được cải tạo cơ bản với 60% giống lúa chất lượng cao, trong đó việc ứng dụng dòng lúa Japonica với 3 giống chủ lực J01, J02, VAT16 với diện tích chiếm 25% diện tích lúa trong toàn huyện đã tạo bước đột phá về chất lượng, giá trị, hướng tới xuất khẩu.

Đối với cây rau, cây hoa, huyện đã ứng dụng thành công giống cà chua ghép cà tím tại một số xã, thị trấn đưa năng suất tăng lên 2 lần so với giống thường, giá trị đạt trên 1 tỷ đồng/ha; giống hoa lan rừng, lan Hồ Điệp nuôi cấy mô đã phát triển mạnh tại địa bàn huyện, giá trị đạt trên 10 tỷ đồng/ha.

Về công nghệ sản xuất, huyện Chương Mỹ đã tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa; phát triển hệ thống nhà lưới, nhà màng gắn với hệ thống tưới tiết kiệm. Đến nay đã phát triển được 7,5 ha diện tích nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất rau, hoa, quả tại thị trấn Chúc Sơn, thị trấn Xuân Mai, xã Thụy Hương, xã Hợp Đồng và xã Trần Phú.

Đồng bộ với ứng dụng giống mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, các Hợp tác xã, chủ trang trại cũng mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ imetos và phần mềm cảnh báo thời tiết, sâu bệnh; lắp đặt hệ thống camera giám sát đồng ruộng nhằm tăng hiệu quả quản lý, minh bạch sản phẩm và giảm chi phí; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử tại 16 hợp tác xã, trang trại với hàng trăm dòng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Chương Mỹ đã chuyển từ thụ tinh lợn, bò trực tiếp sang thụ tinh nhân tạo với nhiều giống lợn, giống bò chất lượng cao như giống bò BBB đã chiếm 47% tổng đàn bò của huyện, trên 90% đàn lợn ngoại đã tăng sản lượng và chất lượng thịt, tăng thu nhập cho người dân.

Trên địa bàn huyện có 383 trang trại chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hạn chế dịch bệnh và tăng năng suất chăn nuôi lên 2 lần…

Các chương trình, mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đạt được kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện, theo hướng quy mô lớn, tăng giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp của huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi được thực hiện tương đối phổ biến thì trong trồng trọt mới chỉ dừng lại ở những mô hình hỗ trợ; việc ứng dụng công nghệ trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh của người sản xuất, chưa gắn kết nhiều giữa sản xuất và thị trường, người sản xuất còn bị thua thiệt; người nông dân đang có xu hướng bỏ ruộng.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới huyện Chương Mỹ tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội.

Chủ động liên kết với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các kết quả nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp của huyện Chương Mỹ tạo mối liên hệ 4 nhà vững chắc (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - Nhà nông).

Tích cực đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cho lực lượng cán bộ chuyên môn của huyện, xã, các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để đón nhận và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân một cách thiết thực và hiệu quả.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuong-my-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-phat-trien-nong-nghiep-96384.html