Chương Mỹ: Do nhu cầu lớn, nhiều cơ sở mầm non tư thục chưa được cấp phép vẫn hoạt động

Thực hiện giám sát việc chấp hành quy định pháp luật đối với trường mầm non (MN), trường mẫu giáo (MG), nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp MG độc lập tư thục trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2015 đến nay, sáng 5/4, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã đến khảo sát tại huyện Chương Mỹ.

Tràn lan nhóm lớp tư thục không đủ điều kiện

Đoàn đã đến khảo sát thực tế khu đất đang triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Tiên Phong thuộc khu công nghiệp (KCN) Phú Nghĩa, trong đó sẽ có Trường MN trên diện tích hơn 1.600 m2. Giám đốc BQL dự án KCN Phú Nghĩa Hoàng Tuấn Anh cho biết, dự án mới vừa được UBND TP phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, khi hoàn thành sẽ đáp ứng quy mô trông giữ 200-250 trẻ. Hiện nay, Làng Công nhân KCN Phú Nghĩa có 108 phòng cho công nhân thuê, nhu cầu gửi con rất lớn nhưng toàn xã mới có 1 trường MN công lập với rất ít lớp.

 Khảo sát tại nhóm trẻ lớp MG độc lập Tuổi Thơ (xã Phú Nghĩa)

Khảo sát tại nhóm trẻ lớp MG độc lập Tuổi Thơ (xã Phú Nghĩa)

Tiếp đó, đoàn đến tìm hiểu 2 nhóm lớp MN tư thục thuộc xã Phú Nghĩa. Trong đó, khảo sát Nhóm trẻ lớp MG độc lập Tuổi Thơ (được cấp phép hoạt động từ tháng 9/2011) được biết, có 4 cô giáo trông hơn 40 trẻ, chia 2 lớp, chỉ được thu nhập hơn 3 triệu/tháng (không có tiền BHXH). Giải thích điều này, bà Tạ Thị Minh Thịnh - chủ nhóm lớp chia sẻ: Do nhận thức của người dân địa phương hạn chế, chỉ mong có chỗ trông con từ sáng đến tối chứ không quan tâm nhiều đến thiết bị dạy học, phòng cháy chữa cháy (PCCC)… được đầu tư ra sao, nên chỉ chấp nhận tổng mức học phí + tiền ăn 700-800 nghìn đồng/tháng chi trả cho con. “Chỉ thu được như vậy nên tôi khó có thể đóng được BHXH cho giáo viên, mà nếu thu cao hơn thì phụ huynh sẽ tìm nơi khác gửi con. Ngoài ra, còn khó do giáo viên, nhân viên thay đổi thường xuyên”, bà Thịnh cho hay.
Đáng chú ý, với Nhóm lớp MN Sơn Ca, thực tế hoạt động đã lâu, nhận gần 40 trẻ, song theo Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Phụng, qua kiểm tra cho thấy không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, hồ sơ thành lập, nên chính quyền xã vừa qua mới yêu cầu đình chỉ hoạt động. Với đặc thù tại xã có nhiều công nhân KCN nên có nhu cầu lớn về gửi con, song trong số 8 điểm MN tư thục trên địa bàn thì có tới 6 điểm chưa đủ điều kiện để được cấp phép.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở xã Ngọc Hòa. Trực tiếp đến kiểm tra một nhóm lớp MN do bà Hoàng Thị Hường làm chủ, đoàn giám sát được biết nhóm đã hoạt động gần 2 tháng nay nhưng chưa đủ điều kiện để được cấp phép, trong khi vẫn đang chăm sóc 12 cháu nhỏ dưới 36 tháng. Mục sở thị tại đây, có thể thấy rõ sự ngột ngạt, thiếu các điều kiện vật chất đảm bảo việc nuôi dạy trẻ. Bà Hường cho biết, hiện cơ sở vẫn đang hoàn thiện thủ tục để xin cấp phép.
Hay ở Nhóm lớp MN tư thục Tuổi Thơ, có 2 lớp với 40 trẻ, dù đã thành lập mấy năm rồi nhưng 3 cô giáo đều chỉ được thu nhập 3,2 triệu đồng/tháng, không được đóng BHXH. Khi đoàn yêu cầu kiểm tra hồ sơ, chủ cơ sở cũng không xuất trình được phiếu xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xác nhận đủ điều kiện PCCC. Kiểm tra cũng cho thấy có bình chữa cháy đã hết hạn sử dụng.

Khảo sát vị trí đất triển khai dự án xây Trường MN tại KCN Phú Nghĩa

Chính quyền xã chưa quản lý sát sao
Tìm hiểu qua UBND huyện Chương Mỹ, được biết trên địa bàn hiện có 92 cơ sở MN, MG độc lập tư thục, trong đó 5 trường, 87 nhóm trẻ và lớp MG độc lập, song mới 68 cơ sở được cấp phép thành lập và 36 cơ sở được cấp phép hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Hiến, đầu năm học hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo Phòng GD&ĐT ban hành các quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 100% trường, nhóm lớp MG độc lập trên địa bàn, trong đó: Kiểm tra liên ngành 1 lần/năm, kiểm tra chuyên môn của Phòng GD&ĐT 2 lần/năm, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu cơ sở không đảm bảo chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đúng quy định. Theo đó, năm học 2016-2017 đã có 2 cơ sở, nhóm lớp độc lập không đảm bảo điều kiện bị đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, UBND huyện đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo chấp hành các quy định pháp luật đối với mạng lưới MN, MG tư thục. Đáng kể, một số xã chưa chủ động, sát sao trong quản lý, xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động trái quy định pháp luật. Đội ngũ cán bộ quản lý, chủ cơ sở ở đây còn hạn chế về nhận thức, chuyên môn cũng như chấp hành các văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý. Trong khi, một lượng lớn công nhân KCN Phú Nghĩa có con trong độ tuổi MN nên nhu cầu gửi trẻ vào các cơ sở MN rất cao, song xã Phú Nghĩa mới có 1 trường MN công lập với số lớp còn hạn chế, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân KCN, gây quá tải học sinh cho trường MN công lập và ảnh hưởng đến năng suất ngày công của công nhân.
Lý giải về tình trạng này, lãnh đạo UBND huyện cho hay, khách quan là do Phòng GD&ĐT huyện chỉ có 2 chuyên viên phụ trách cấp học MN, mà địa bàn rộng, có lượng lớn cơ sở giáo dục. Ngoài ra, việc bố trí vốn thực hiện xây trường MN trong KCN Phú Nghĩa chưa kịp thời. Bên cạnh đó, cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo một số xã còn buông lỏng trong công tác triển khai thực hiện các văn bản quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập.
Trong điều kiện đó, lãnh đạo UBND huyện đề nghị HĐND-UBND TP sớm bố trí đầu tư nguồn kinh phí xây dựng trường MN KCN Phú Nghĩa để giảm thiểu sĩ số học sinh trên lớp cho các trường MN công lập, tao thuận lợi cho công nhân KCN yên tâm sản xuất.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuong-my-do-nhu-cau-lon-nhieu-co-so-mam-non-tu-thuc-chua-duoc-cap-phep-van-hoat-dong-313530.html