Chương mới trong quan hệ Nga - Ai Cập

Kết thúc chuyến thăm chính thức 3 ngày (từ 15 đến 17-10) tới xứ sở Bạch dương, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã ký thỏa thuận Hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện. Kết quả này được đánh giá là thành công, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương Nga - Ai Cập với triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị và kinh tế.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải) đã ký thỏa thuận Hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện.

Việc Ai Cập và Nga trở thành đối tác toàn diện được coi là một thắng lợi lớn về đối ngoại của Tổng thống A.El-Sisi sau 4 năm lên nắm quyền. Đối với người dân quốc gia Bắc Phi, dấu ấn xứ sở Bạch dương vẫn hiện diện tại đất nước Kim tự tháp qua những công trình biểu tượng như đập thủy điện Aswan, các nhà máy dệt, nhà máy luyện kim và nhiều cơ sở công nghiệp nặng khác. Chính quyền Ai Cập đặc biệt đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với tiến trình chuyển tiếp chính trị cũng như cuộc chiến chống khủng bố hiện nay. Nỗ lực khôi phục quan hệ truyền thống với Mátxcơva cũng phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Cairo, nhất là khi quan điểm của lãnh đạo hai nước về các vấn đề cấp khu vực và quốc tế có nhiều điểm gần gũi, tương đồng, trong đó có việc ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trong khi đó, Ai Cập là quốc gia đóng vai trò chủ chốt ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, đồng thời là khách hàng lớn đối với ngành công nghiệp vũ khí của Nga trong hơn 3 năm qua. Quốc gia này được đánh giá là cánh cửa giúp Nga khôi phục vị thế và ảnh hưởng trước đây trong thế giới Arab, giữa bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tỏ ra lơ là với khu vực này. Ngoài ra, việc nâng tầm quan hệ với đồng minh chủ chốt và đối tác chiến lược của Washington ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã cho thấy nỗ lực của Mátxcơva trong việc vô hiệu hóa các chính sách cô lập, gây áp lực để tìm kiếm đồng minh mới. Những hành động tích cực của Nga được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, đưa xứ Bạch dương trở thành đối tác tin cậy đối với các quốc gia trong khu vực.

Nâng tầm quan hệ, tăng kim ngạch thương mại song phương, hợp tác du lịch, quân sự, kinh tế, công viên công nghệ, điện hạt nhân và hiệp định thương mại tự do giữa Ai Cập và Liên minh kinh tế Á - Âu là những nội dung quan trọng nhất được thảo luận trong các cuộc tiếp xúc của Tổng thống A.El-Sisi. Trong đó, hai nước ưu tiên trao đổi để mở lại các chuyến du lịch từ Nga tới Ai Cập sau những căng thẳng xoay quanh vụ tai nạn máy bay của Nga tại bán đảo Sinai của Ai Cập hồi năm 2015. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng nằm trong những trọng tâm của cuộc hội đàm cấp cao, đặc biệt là xoay quanh vấn đề Khu kinh tế kênh đào Suez. Giá trị thương mại giữa Nga và Ai Cập hiện nay đã vượt quá 6,5 tỷ USD. Đất nước đông dân nhất thế giới Arab là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Nga, trong khi xứ sở Bạch dương là nguồn cung lúa mì ổn định của Ai Cập.

Các nhà lãnh đạo hai bên đều nhất trí rằng, kết quả tốt đẹp đạt được trong quan hệ Nga - Ai Cập là thành quả của chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ song phương, trên tinh thần thiện chí và cởi mở. Những cuộc tiếp xúc cấp cao, cùng hoạt động ký kết các thỏa thuận hợp tác là cơ sở quan trọng để hai nước thúc đẩy quan hệ đối tác lên tầm cao mới, phục vụ lợi ích quốc gia, duy trì sự ổn định trong khu vực, tạo điều kiện để hai bên tiếp tục tham vấn, phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các cam kết đã được lãnh đạo hai bên thống nhất cũng đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ song phương Nga - Ai Cập phát triển toàn diện và bền vững.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/916271/-chuong-moi-trong-quan-he-nga---ai-cap