Chuông cổ chuộc về là 'chuông rởm'

Sau chuyện tự ý lấy chuông cổ trong kho mang đi bán bị phanh phui, Giám đốc cơ quan văn hóa huyện khắc phục bằng cách chuộc chuông về, nhưng đó là 'chuông đểu'.

 Những ngày qua, phòng làm việc của ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước (Bình Định) luôn cửa đóng then cài. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những ngày qua, phòng làm việc của ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước (Bình Định) luôn cửa đóng then cài. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau khi Báo NNVN đăng tải loạt bài phản ánh vụ chiếc chuông cổ nằm trong kho của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước (Bình Định) từ những ngày đầu giải phóng bị ông Giám đốc cơ quan này tự ý mang đi bán đồng nát, ngay sau đó ông Võ Tuấn Khanh, người bán chiếc chuông, đã đưa về 1 chiếc chuông và báo cáo với UBND huyện Tuy Phước rằng chiếc chuông cũ đã được chuộc về.

Để xác minh chiếc chuông được ông Khanh chuộc về có phải chiếc chuông trong kho của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước qua lời mô tả của nhiều cán bộ cơ quan này đã từng kinh qua vai trò thủ kho hay không, PV Báo NNVN đã nhiều lần liên lạc với ông Khanh để xin nhìn chiếc chuông, thế nhưng ông Khanh không 1 lần nghe máy. Đến cơ quan thì phòng làm việc của ông Khanh luôn khóa cửa ngoài.

Liên lạc với ông Mai Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước để nhờ ông làm “cầu nối” cho PV NNVN được làm việc với ông Khanh về vụ chiếc chuông, ông Ngọc nhiệt tình: “Để tôi gọi ngay”. Chưa kịp mừng thì ngay sau đó ông Ngọc gọi lại và thông báo: “Tôi gọi ông Khanh cũng không nghe máy”.

Liên lạc điện thoại với ông Mai Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Tuy Phước, thì lại được ông Ngọc thông tin: “Không biết máy điện thoại ông Khanh có vấn đề gì không mà mấy ngày qua tôi liên lạc hoài ông Khanh không nghe máy”.

Ông Phạm Văn Long, người làm thủ kho 3 đời Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước, khẳng định chiếc chuông ông giữ mấy chục năm bị bán đi là chuông cổ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

PV NNVN đã tìm gặp 1 số nhân chứng từng đảm nhiệm vai trò thủ kho của cơ quan này để nghe họ miêu tả lại chiếc chuông họ đã giữ mấy chục năm qua.

Một chị (xin được giấu tên) ở thị trấn Tuy Phước, người từng có gần 40 năm công tác tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước hiện đã về hưu, kể lại: “Nếu bây giờ cho tôi thấy chiếc chuông là tôi nhận ra ngay, bởi tôi đã từng nhìn thấy nó từ năm 1978. Tôi không nhớ rõ kích cỡ của nó, nhưng tôi khẳng định đó là chuông cổ, có chữ Hán 2 bên thân chuông. Trên đầu chuông có khắc 2 con rồng nằm đối đầu tạo khoản trống chính giữa để làm chỗ treo chiếc chuông.

Tôi nghĩ chiếc chuông có pha vàng nên tiếng kêu rất thanh và vang xa. Tôi đã từng nhìn thấy các nhà chùa đúc chuông đồng, trong vật liệu đồng có pha vàng của những tín hữu thiện tâm hiến tặng các nhà chùa để đúc chuông”.

Một cán bộ của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước hiện vẫn đang làm việc tại cơ quan này, cho biết thêm: “Tôi làm việc tại đây từ năm 1985 đến giờ, tôi đã từng giữ kho của cơ quan.

Chuông có đường kính khoảng 30 – 40cm, chiều cao khoảng 60 – 70cm. Chuông được đúc rất sắc sảo, có khắc chữ Hán 2 bên thân chuông.

Nằm lăn lóc trong kho bao nhiêu năm mà chuông không hề hoen gỉ, gõ vào chuông âm thanh phát ra nghe đã tai lắm. Móc treo của chuông là 2 con rồng nằm đối diện, đầu ngẩng lên tại thành khoảng trống để treo chuông. Tôi nhớ trên chuông có khắc năm đúc là năm 1936”.

Trước đó, ông Phạm Văn Long, thủ kho cuối cùng (tính đến thời điểm này) của Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước, người gửi đơn cho Báo NNVN tố cáo ông Võ Tuấn Khanh đã tự ý mang chiếc chuông cổ trong kho đi bán, cũng đã mô tả chiếc chuông giống như lời miêu tả của 2 nhận vật nói trên.

Theo nguồn tin riêng của NNVN, ngày 20/4, cơ quan chức năng huyện Tuy Phước đã mời những người từng công tác tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Tuy Phước trong thời qua đến làm việc liên quan đến chiếc chuông. Một số người từng nhìn thấy chiếc chuông trước đó đã được cơ quan chức năng cho nhìn thấy chiếc chuông ông Khanh chuộc về, họ đều “lắc đầu” và cho rằng đó không phải chiếc chuông trước đây.

Một người vừa được cơ quan chức năng cho nhìn thấy chiếc chuông khẳng định: “Chiếc chuông hiện vật tôi vừa được nhìn thấy không phải là chiếc chuông được bán đi. Chiếc chuông này có hình tròn, còn chiếc chuông bị bán có hình thẳng đứng, khác biệt hoàn toàn, hoa văn họa tiết trên chuông cũng khác xa chiếc chuông cũ. Màu đồng cũng khác, màu chiếc chuông này mới hơn, đỏ hơn chiếc chuông cũ. Tôi khẳng định đó không phải chiếc chuông trong kho đã bị bán đi”.

Vũ Đình Thung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuong-co-chuoc-ve-la-chuong-rom-d262987.html