Chuỗi liên kết chăn nuôi phát huy hiệu quả, tăng nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết

Dù chịu nhiều áp lực do dịch bệnh, nhưng nhiều chuỗi liên kết trong chăn nuôi đã phát huy hiệu quả trong việc cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra an toàn thực phẩm tại tại một cơ sở chế biến ở Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra an toàn thực phẩm tại tại một cơ sở chế biến ở Hà Nội.

Ngày 29/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã dự hội nghị tổng kết Dự án chuỗi giai đoạn 2016- 2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020, đồng thời kiểm tra và làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về công tác an toàn thực phẩm dịp Tết Tân Sửu 2021.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, dự án chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 đã giúp cho các đơn vị tham gia chuỗi thực hiện tốt việc liên kết, đồng bộ giữa các khâu từ cơ sở sản xuất chăn nuôi gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đã tạo ra hiệu quả kinh tế như giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, ổn định giá bán ra trên thị trường...

Năm 2020 các chuỗi chăn nuôi cung cấp cho thị trường Hà Nội 14 tấn thịt lợn/ngày; 6,5 tấn thịt gia cầm/ngày; 105 nghìn quả trứng/ngày; 105 tấn sữa/ngày và một tấn thịt bò/ngày...

Đặc biệt, về thịt lợn, để mặt hàng này hạn chế tăng giá đột biến như dịp Tết Nguyên đán năm trước, bên cạnh việc đẩy mạnh tái đàn, nhiều địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để không xảy ra dịch bệnh và có giải pháp kết nối thị trường.

Hà Nội đã triển khai nhiều chuỗi liên kết trong chăn, chế biến, tiêu thụ thịt lợn trong giai đoạn vừa qua

Theo ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín, Hà Nội), hiện công ty đã liên kết với các trang trại chăn nuôi nhằm cung cấp khoảng 100-150 tấn thịt lợn mỗi tháng trong thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán với giá ổn định.Tuy nhiên, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt ở chợ dân sinh để không xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố hiện có 53 chuỗi liên kết trong chăn nuôi, trong đó chuỗi thịt lợn an toàn chiếm khoảng 80%.

Việc liên kết chuỗi đã giảm chi phí sản xuất, ổn định giá bán trên thị trường, tạo ra các sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Hà Nội ước khoảng 292.000 tấn gạo, 56.000 tấn thịt lợn, 19.000 tấn thịt gà, 18.000 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315.000 tấn rau củ, 15.000 tấn thủy hải sản, 18.000 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây.

Theo ông Tường, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân, sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 60 - 90%. Ngoài ra, Hà Nội còn liên kết với các tỉnh, thành phố đưa nông sản, thực phẩm an toàn về thị trường Thủ đô tiêu thụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm nông sản theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là tại các chuỗi, các chợ dân sinh, chợ đầu mối để khôn chỉ đảm bảo về số lượng mà phải đảm bảo cả chất lượng thực phẩm cho bà con nhân đân Thủ đô đón tết.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, áp lực về nhu cầu về thịt lợn tuy vẫn còn nhưng không quá lớn như đầu năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù sản lượng thịt lợn sụt giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi,nhưng nhờ sự tăng trưởng vượt bậc từ lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, đại gia súc ăn cỏ và thủy sản đã bù đắp cơ bản thiếu hụt do thịt lợn để lại.

Đặc biệt, năm 2020, nhờ Bộ NNPTNT đẩy mạnh thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học, khép kín, công nghệ cao, giết mổ, chế hiện đại theo chuỗi nên chất lượng các mặt hàng nông, lâm thủy sản ngày càng được nâng cao, số vụ vi phạm và mức độ vi phạm năm nay giảm mạnh so với 2019 và các năm trước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thêm, ảnh hưởng từ các cơn bão lịch sử vừa qua khiến chăn nuôi các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề, Bộ ngay lập tức huy động được 1,1 triệu con giống gia cầm, trên 300.000 nghìn tấn thức ăn chăn nuôi cùng các vật tư khác hỗ trợ bà con nhân dân vào đàn, tái đàn để kịp thời có sản phẩm xuất bán đúng dịp tết này, góp phần hạn chế việc khan hiếm thực phẩm cục bộ tại một số địa phương.

Thời gian gần đây giá lợn hơi trên thị trường có xu hướng nhích lên do nhu cầu tăng dịp tết cộng dịch bệnh tả châu Phi bùng phát “xôi đỗ” tại một số địa phương. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, nhờ tổng đàn lợn của cả nước đến nay đã phục hồi trên 85% so với trước dịch, đạt trên 26 triệu con, đàn nái đã phục hồi đạt 3 triệu con nên quý 1/2021 sản lượng thịt lợn sẽ tiếp tục tăng, vì vậy áp lực với mặt hàng thịt lợn tuy vẫn còn nhưng không quá lớn như đầu năm 2020.

Nam Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/chuoi-lien-ket-chan-nuoi-phat-huy-hieu-qua-tang-nguon-cung-thuc-pham-cho-dip-tet-1771458.tpo