Chuối hột rừng và những bài thuốc chữa bệnh cực hay

Những bộ phận của cây chuối hột rừng từ thân cây, lá cây, đến củ của cây…đều có tác dụng nhất định trong việc chữa bệnh, do đó chuối hột rừng hiện nay đang là một trong những loại cây có giá trị cao về mặt y học

Ngoài vấn đề cây chuối hột rừng có tác dụng tốt trong việc chữa bệnh, thì loại cây này thường mọc trên rừng, nên độ “sạch” của chúng khiến nhiều người tìm đến hơn, bởi không hoặc rất ít bị ảnh hưởng do tình trạng lạm dụng dùng các chất bảo vệ thực vật.

Chuối hột rừng có tên khoa học là Musa acuminate Colla thuộc họ chuối. Cây có thân cao chừng 3-4m, lá có phiến dài, mặt dưới có thể tía, cuống xanh có sọc đỏ. Trong khi các lọn chuối thường khi ra hoa thường mọc xõa xuống, thì hoa của chuối hột rừng lại mọc thẳng đứng giữa ngọn cây, có màu đỏ thẫm xen lẫn quả chuối màu vàng ruộm, quả có cạnh nhọn.

Hầu hết các bộ phận của chuối hột rừng đều có tác dụng chữa bệnh tốt:

Trái chuối hột rừng: Chuối hột rừng càng có nhiều nhựa thì khi ngâm rượu càng cho rượu có độ ngọt tăng cao. Khi quả chuối hột đang còn non có thể kết hợp với một số loại rau ăn sống , để ăn với nộm sứa hay gỏi cá sẽ đề phòng được bệnh tiêu chảy và giảm mùi tanh của những món ăn này. Ngoài ra quả chuối hột rừng còn có tác dụng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường, viêm thận hay tăng huyết áp, chữa hắc lào, xổ giun.

Hạt chuối hột: Để lấy hạt của cây chuối hột khá khó khăn, bạn phải để cho quả chuối được chín, sau đó đem đi sao khô để ngâm rượu hoặc tán nhỏ sắc uống hàng ngày. Hạt của cây chuối hột rừng khi ngâm với rượu có thể chữa được chứng đau lưng, chân tay tê mỏi, giúp giảm đau, tiêu sưng. Hạt của cây chuối hột sau khi được tán thành bột sao khô có thể làm trà để uống, trị được bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang.

Vỏ quả chuối: Vỏ quả chuối khi phơi khô, sao vàng rồi tán bột, kết hợp thêm quế chi 4g, cam thảo 2g, luyện với mật thành viên để uống với liều lượng 2-3 lần/ngày, có thể chữa được chứng đau bụng kinh ở phụ nữ. Ngoài ra có thể chữa được chứng kiết lỵ, đau bụng, tiêu chảy. Hoa chuối: dùng để ăn hoặc sắc nước uống, giúp cho nước tiểu trong và giúp thận hòa tan các loại axit dễ đóng cặn trong cơ thể. Hoa chuối còn có khả năng làm tăng chất xơ cho cơ thể.

Lá chuối hột: Trị băng huyết, nôn ra máu: lá chuối hột đã phơi khô khoảng 10 g, mốc cây cau 20g, tinh tre 20g, những nguyên liệu trên đốt tồn tính, tán nhỏ hòa với nước uống.

Thân chuối: có tác dụng trong việc trị đau nhức răng, cầm máu vết thương, lợi tiểu, chữa phù thũng. Thân chuối hột còn trở thành món rau sống vừa ngon vừa mát lại thanh lọc cơ thể, nhưng phải là những cây chuối còn non, chưa trổ buồng, dưới 1 năm tuổi.

Củ chuối: trị cảm nóng, sốt cao, mê sảng, ho ra máu, trị kiết lỵ ra máu. Ngoài chức năng chữa bệnh, củ chuối hột còn được sử dụng để tiêu khát, giải độc, kích thích hệ tiêu hóa. Đồng bào Thái ở Tây Bắc còn dùng củ chuối với củ chuối rừng và rễ cây móc, mỗi thứ 10-12g để làm thuốc an thai.

Đỗ Tính (t/h)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/song-khoe/chuoi-hot-rung-va-nhung-bai-thuoc-chua-benh-cuc-hay-d100594.html