Chuỗi F&B chạy hay dừng?

Các khoản đầu tư cho chuỗi nhà hàng vẫn chờ cơ hội gia tăng bất chấp thị trường F&B có dấu hiệu giảm tốc.

Sau 3 khoản đầu tư vào Golden Gate, Chảo Đỏ và Pizza 4P’s, Mekong Capital vẫn rất hào hứng với ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) ở Việt Nam và tiết lộ sẽ lập thêm quỹ mới cho các hoạt động đầu tư vào đây.

F&B từng là ngành đem lại thành công cho Mekong Capital khi lãi thu về gấp 9,1 lần so với vốn đầu tư ban đầu, thông qua khoản đầu tư vào Golden Gate (2008-2014). Đáng chú ý, sau khi Mekong Capital thoái vốn, Golden Gate vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu tăng trung bình 30-50%/năm. Công ty này hiện sở hữu hơn 300 nhà hàng và 22 thương hiệu.

Sang khoản đầu tư tiếp theo vào Wrap & Roll (năm 2016), thị trường nghi ngại liệu Chảo Đỏ có lập nên kỳ tích cho Mekong Capital?

Thực tế, nếu Golden Gate là chuỗi các nhà hàng ẩm thực nước ngoài thì Wrap & Roll chuyên về món ăn Việt. Mekong Capital đã dành khoảng 1 năm để hỗ trợ Wrap & Roll xây lại các nền tảng, chuyển đổi mô hình, thay đổi quy trình, đổi tên công ty thành Chảo Đỏ, giới thiệu chuyên gia tư vấn, cải thiện chất lượng dịch vụ, xem xét giá cả hợp lý giữa giá vốn món ăn và giá bán, đánh giá tài chính, đầu tư công nghệ... Đặc biệt, Mekong Capital dành một khoản tiền đầu tư cho bếp trung tâm đạt chuẩn HACCP. Đây trở thành nơi giúp Chảo Đỏ đạt sự đồng nhất về khẩu phần, chất lượng, nguyên liệu, gia vị... cho các chuỗi nhà hàng thuộc Chảo Đỏ.

Tính đến nay, Chảo Đỏ đã thiết lập được 14 nhà hàng Wrap & Roll, mở mới 11 nhà hàng Lẩu Bò Sài Gòn trên cả nước. Đồng thời, cuối năm 2017, Chảo Đỏ còn mua lại Công ty Quán Ụt Ụt với chuỗi Quán Ụt Ụt (3 nhà hàng) và BiaCraft (5 nhà hàng).

Ông Chad Ovel, Tổng Giám đốc Mekong Capital, cho biết, Chảo Đỏ sẽ tiếp tục kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A), nhắm đến các đơn vị sở hữu dưới 10 nhà hàng, quán đông khách và người sáng lập sẵn sàng thay đổi cách làm vì tầm nhìn dài hạn.

Tính ra chỉ còn hơn 2 năm để Chảo Đỏ tăng tốc với tham vọng trở thành chuỗi nhà hàng nổi tiếng nhất Việt Nam. Dự báo sẽ là cuộc chạy đua vất vả của Chảo Đỏ vì ngành F&B Việt Nam ngày càng không còn là đại dương xanh như trước.

Ngành F&B của Việt Nam từ sau năm 2014 đã tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình tăng 18%/năm và đạt 540.000 cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trong cả nước, theo thống kê từ Dcorp R- Keeper Việt Nam. Trong giai đoạn này, hàng loạt nhà hàng món nướng, mì cay Hàn Quốc, nhà hàng sushi Nhật, lẩu Thái... mọc lên khắp nơi và được đón nhận nồng nhiệt. Đây là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp đổ vốn vào lĩnh vực nhà hàng.

Tuy nhiên, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Sunshine Equipment, nhận định, ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chỉ riêng QSR Việt Nam, thông qua nhượng quyền đã đưa hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới vào Việt Nam, như Dairy Queen, DQ Grill & Chill, Swensen’s, B-DUBS (kiểu Mỹ) chuỗi quán nướng Nhật AKA House, nhà hàng hải sản Singapore Holy Crab...

Đây là yếu tố khiến mô hình kinh doanh của nhiều chuỗi nhà hàng lớn có dấu hiệu giảm tốc. Chẳng hạn, Golden Gate, doanh nghiệp sở hữu các chuỗi Vuvuzela, Gogi, Hutong hay Kichi Kichi, cho biết doanh thu đạt 3.970 tỉ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, đà tăng 17% về doanh thu của Golden Gate năm 2018 là mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây. Còn với Redsun, chủ các thương hiệu King BBQ, ThaiExpress hay Hotpot Story đạt hơn 620 tỉ đồng doanh thu, nhưng tốc độ tăng doanh thu năm ngoái cũng chỉ đạt gần 14%, trong khi năm 2017 là hơn 51%.

Dù vậy, trong mắt các nhà đầu tư, ngành F&B vẫn rất hấp dẫn, nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng, ước đạt 45 triệu người vào năm 2025 và chi tiêu cho F&B hiện chiếm tỉ lệ cao nhất, khoảng 35% trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng Việt (theo Vietnam Report). Riêng trong lĩnh vực ẩm thực Việt mà Chảo Đỏ dấn bước, ông Chad Ovel, Mekong Capital, đánh giá, dù có hàng ngàn quán ăn gia đình với bí kíp gia truyền, thu hút khách hàng thì đa phần đều thuộc hộ gia đình, chỉ dừng ở quy mô một vài chi nhánh. Những cơ sở kinh doanh có thể đạt tới quy mô hàng chục nhà hàng như Hoàng Yến, Wrap & Roll, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Món Huế... là rất ít.

Bởi vì muốn mở rộng thành chuỗi, các cơ sở phải xây dựng được 3 chìa khóa mấu chốt: quy trình, hệ thống và con người. Ông Chad Ovel cũng nhấn mạnh, trong ngành F&B, quan trọng là cách làm chứ không phải ai đang tham gia. Điều này mở ra cơ hội cho người đi sau. Chẳng hạn cùng làm BBQ và beer nhưng bà Trần Thị Lan Anh, CEO của Chảo Đỏ, tự tin Công ty sẽ khác biệt nhờ tự làm beer với quy mô nhỏ.

Xa hơn, những người thu nhập cao luôn có yêu cầu khắt khe về thực phẩm bổ dưỡng, chế biến vệ sinh, dịch vụ tạo trải nghiệm dễ chịu và sự tiện lợi. Đây là cơ hội bành trướng cho những chuỗi nhà hàng chuyên nghiệp. Đặc biệt, để gia tăng sự thuận tiện, các công ty cũng đang tìm những cách thức tiếp cận khách hàng đa dạng như giao hàng tận nơi, đặt hàng online.

Ngọc Thủy

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/chuoi-fb-chay-hay-dung-3329296/