Chuỗi cà phê nào kiếm nhiều tiền nhất và lỗ nặng nhất tại Việt Nam

Phần lớn các chuỗi cà phê lớn hoạt động tại Việt Nam đều tăng trưởng về doanh số trong năm qua, tuy nhiên không nhiều chuỗi đạt lợi nhuận tốt.

Theo Nikkei Asian Review, The Coffee House là một trong những chuỗi cà phê có tốc độ tăng trưởng cửa hàng và doanh thu cao nhất hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2018, vị trí số một về doanh thu trong kinh doanh cà phê không nằm trong tay chuỗi này.

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê dẫn đầu về số lượng cửa hàng tại Việt Nam. Nhờ việc cho phép kinh doanh theo dạng nhượng quyền thương mại, chuỗi này hiện sở hữu tới 240 cửa hàng trên toàn quốc.

Với số lượng cửa hàng áp đảo, năm 2018 Công ty Cổ phần Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên - chủ sở hữu thương hiệu Highlands Coffee - đạt doanh thu 1.628 tỷ đồng. Đây cũng là chuỗi cà phê có doanh thu cao số một tại Việt Nam và vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại.

Highlands giữ vị trí số một, Trung Nguyên sa sút

Highlands Coffee được thành lập từ năm 2000 bởi doanh nhân người Mỹ gốc Việt David Thái. Ban đầu thương hiệu này chỉ tập trung bán các sản phẩm cà phê đóng gói, nhưng sau đó mở rộng hệ thống bán lẻ và trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thị trường Việt Nam.

Năm 2011, Viet Thai International đã bán 49% mảng kinh doanh Việt Nam và 60% mảng kinh doanh tại Hong Kong cho Tập đoàn Jollibee (Phillipines) với giá 25 triệu USD.

Thương vụ đã trở thành cú hích để chuỗi này gia tăng rất nhanh số lượng cửa hàng của mình. Highlands từng mất tới 11 năm để đạt mốc 50 cửa hàng vào năm 2011, nhưng chỉ mất chưa đầy 7 năm sau để đạt mốc 240 cửa hàng vào cuối năm 2018.

Xếp thứ hai về số lượng cửa hàng trên thị trường hiện nay chuỗi The Coffee House với 140 cửa hàng trên toàn quốc. Hiện tại, thương hiệu The Coffee House thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ trà cà phê Việt Nam, do ông Nguyễn Hải Ninh là nhà sáng lập kiêm CEO.

Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê thu nhiều tiền nhất tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Highlands Coffee.

Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê thu nhiều tiền nhất tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Highlands Coffee.

Năm 2018, chuỗi này đạt doanh thu gần 669 tỷ đồng, vượt mặt Starbucks Việt Nam và là chuỗi cà phê có doanh số lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Trong khi đó, với 45 cửa hàng Starbucks trên thị trường, chủ sở hữu chuỗi cà phê này là Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Ý tưởng Việt đạt doanh thu hơn 593 tỷ đồng.

Xếp ở vị trí tiếp theo là chuỗi Phúc Long với 473 tỷ doanh thu, tăng 39% so với năm trước. Tuy nổi tiếng với các thức uống dạng trà nhưng Phúc Long gần đây đã đẩy mạnh mảng cà phê với việc ra mắt nhiều đồ uống cà phê mới để kích thích doanh số từ sản phẩm này.

Từng là chuỗi cà phê đình đám tại Việt Nam với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Trung Nguyên, nhưng các cửa hàng của Trung Nguyên Franchising - công ty vận hành và quản lý hệ thống các cửa hàng cà phê Trung Nguyên - chỉ duy trì doanh thu trên 350 tỷ đồng những năm gần đây.

Những mâu thuẫn liên tiếp trong bộ máy thượng tầng lãnh đạo không chỉ khiến tập đoàn mẹ Trung Nguyên chật vật mà những công ty thành viên như Trung Nguyên Franchising cũng gặp khó khăn.

Trong khi đó, một số chuỗi cà phê nổi tiếng khác như Cộng Cà phê, Aha Cafe hay Gemini… chỉ có doanh thu dưới 10 tỷ năm vừa qua.

Số phận trái ngược

Những năm qua, thị trường cà phê trong nước ngày càng mở rộng. Điểm chung của các chuỗi cà phê lớn tại Việt Nam là doanh thu đều tăng trưởng trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các chuỗi này lại hoàn toàn trái ngược. Theo đó, 5/10 công ty sở hữu các chuỗi cà phê lớn tại Việt Nam đều đang trong tình trạng thua lỗ.

Với doanh thu lên tới trên 1.600 tỷ đồng, Highlands Coffee là một trong 3 chuỗi cà phê có biên lợi nhuận gộp lớn, xấp xỉ 70%. Tuy nhiên, việc vận hành nhiều cửa hàng, các cửa hàng đều có vị trí đẹp tại các mặt đường lớn, điểm giao nhau nên chi phí đầu vào của chuỗi này cũng rất cao.

Năm 2018, Highlands chỉ thu về hơn 99 tỷ đồng lãi sau thuế, tương đương tỷ suất lãi ròng/doanh thu vào khoảng 6%. Dù vậy, con số này vẫn giúp chuỗi đứng số một về lợi nhuận.

Có doanh thu xếp thứ 2 và sở hữu biên lợi nhuận gộp lên tới 69% năm 2018, nhưng lợi nhuận ròng mà chuỗi The Coffee House thu về chỉ đạt chưa tới 2 tỷ đồng. Nguyên nhân trực tiếp khiến chuỗi này đạt lợi nhuận thấp là việc phải tăng nhanh số lượng cửa hàng trong năm vừa qua.

Đồng thời, rất nhiều cửa hàng cũ của The Coffee House đã phải đóng cửa một thời gian để cải tạo khiến chi phí vận hành tăng lên. Năm 2018, The Coffee House cũng đã chi tiền mua lại mảng sản xuất cà phê của Cầu Đất Farm nhằm hoàn tất hệ sinh thái từ sản xuất cho tới phân phối cà phê của mình.

Bị vượt mặt về doanh thu, nhưng xét về lợi nhuận Starbucks Việt Nam vẫn xếp thứ 2 với hơn 27 tỷ đồng lãi ròng năm vừa qua. Chỉ sở hữu biên lãi gộp chưa tới 20% nhưng việc chuyên cung cấp các sản phẩm đồ uống với giá thành cao luôn giúp chuỗi này đạt một khoản lợi nhuận cố định trong mỗi sản phẩm bán ra.

Chuỗi Phúc Long năm 2018 thu về khoảng 3,6 tỷ đồng lãi sau thuế. Trong khi đó, con số lãi ròng của chuỗi Cộng Cà Phê chỉ là 49 triệu đồng. Tuy nhiên, kết quả có lãi của Cộng Cà Phê vẫn tốt hơn so với nhiều chuỗi cà phê khác như Gemini, Aha, Trung Nguyên hay The Coffee Bean & Tea Leaf…

Riêng The Coffee Bean & Tea Leaf năm vừa qua bị lỗ lên tới 29 tỷ đồng.

Còn với Trung Nguyên, việc cải tạo gần như toàn bộ các cửa hàng và đầu tư lớn cho các kệ sách trong mỗi cửa hàng khiến chi phí vận hành chuỗi tăng lên. Đây là nguyên nhân khiến lỗ của chuỗi này tăng năm vừa qua lên gần 24 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 7 tỷ năm 2017.

Quang Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuoi-ca-phe-nao-kiem-nhieu-tien-nhat-va-lo-nang-nhat-tai-viet-nam-post955656.html