'Chuộc' rừng cho voọc

10 năm trước, một số cánh rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Tam Mỹ Tây, H. Núi Thành, Quảng Nam đồng loạt 'chảy máu' vì câu chuyện lạ đời: phá rừng để... lấy đất trồng rừng! Khi báo chí phản ánh, chính quyền và ngành chức năng vào cuộc, nhiều khu đất da beo dần dần được hồi sinh, màu xanh trở lại.

10 năm trước, một số cánh rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Tam Mỹ Tây, H. Núi Thành, Quảng Nam đồng loạt "chảy máu" vì câu chuyện lạ đời: phá rừng để... lấy đất trồng rừng! Khi báo chí phản ánh, chính quyền và ngành chức năng vào cuộc, nhiều khu đất da beo dần dần được hồi sinh, màu xanh trở lại. Đó là lúc đất rừng được bàn giao và gắn trách nhiệm bảo vệ cho chính người dân địa phương, không ai còn phải nghe điệp khúc "địa bàn hiểm trở, lực lượng mỏng, phương tiện thô sơ" làm cái cớ cho việc để xảy ra phá rừng nữa.

Đến một ngày, trong những cánh rừng xanh, người dân địa phương phát hiện có những đàn voọc chà vá chân xám đang "định cư" với số lượng lớn. Theo các nhà nghiên cứu, để bảo vệ không gian sống tự nhiên, đảm bảo duy trì sự sinh sản, bảo tồn những đàn voọc này thì phải có diện tích rừng và vùng đệm đủ rộng lớn, tránh bị ảnh hưởng bởi việc lao động sản xuất của người dân. Với chính sách giao khoán để chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng, nhiều hộ dân tại Tam Mỹ Tây cùng một số địa phương khác của Quảng Nam đang có nguồn thu nhập ổn định trên các khu đất từng bị thả nổi để lâm tặc hoành hành. Nhưng với việc phát hiện ra tài sản quý là những đàn voọc có nguy cơ tuyệt chủng, chính quyền tỉnh phải giải hài hòa bài toán sinh kế của người dân và bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam thoát khỏi nguy cơ biến mất.

Cách đây 2 ngày, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp thị sát ở Hòn Dồ là ngôi nhà của voọc và yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có những biện pháp hữu hiệu, cấp bách để giải bài toán bảo đảm môi trường sinh trưởng, phát triển của 20 cá thể voọc chà vá chân xám. Song song với việc đẩy mạnh các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, giáo dục, tuyên truyền, ông Thanh cho biết tỉnh sẽ lên phương án mua lại những khu rừng sản xuất đã bàn giao cho người dân để tăng thêm không gian vùng đệm được ví như là ban công, sân thượng cho ngôi nhà của voọc. Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai trồng lại rừng, vừa giúp việc di chuyển và đảm thức ăn cho đàn voọc. Ông Thanh nói rằng, khi hay tin này, bản thân các hộ dân là chủ các rừng keo này đã hết sức hồ hởi và sẵn sàng cùng chính quyền thực hiện. Họ càng vui hơn vì không những phải rời đi khỏi mảnh đất gắn với bao công sức của mình mà sẽ trở thành những người cùng chính quyền tham gia quản lý, bảo vệ đàn voọc quý. Vì trong tương lai, đây sẽ là một điểm du lịch cộng đồng, họ sẽ là những người được chọn để trở thành những "ông chủ" cùng gắn trách nhiệm và quyền lợi trên mảnh đất này.

Không chỉ hai năm vừa qua, mà khoảng gần hai thập niên qua, nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn của Quảng Nam bị xóa sổ do vấn nạn phá rừng. Thậm chí đã có những thời điểm người dân nói đùa với nhau là huyện nọ huyện kia đã "cơ bản hoàn thành việc phá rừng" hay "trên địa bàn đã không còn lâm tặc" (vì không còn rừng). Thậm chí đã có cán bộ kiểm lâm của một huyện chua chát rằng "rừng không còn cây to nữa". Câu chuyện môi trường sống của những đàn voọc ở Hòn Dồ, Tam Mỹ Tây bị thu nhỏ bây giờ hẳn là hệ quả của nạn phá rừng, tình trạng lấn rừng diễn ra từ nhiều năm trước. Việc "chuộc" lại rừng đã giao khoán cho người dân để đảm bảo cho ngôi nhà của voọc suy cho cùng là biện pháp chữa cháy, là giải pháp cuối cùng, nhưng dù sao cũng là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và được người dân hưởng ứng. Chính nơi này, dẫu không còn cái nguyên sinh như nhiều năm về trước nhưng dù sao màu xanh cũng đã trở lại. Nghĩa là dù ít dù nhiều, rừng cũng đã phục hồi được. Cũng chính nơi này, chính quyền sẽ phải bỏ tiền để đền bù, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi việc làm cho người dân để "chuộc" lại rừng. Dù không phải ngày một ngày hai, nhưng cũng sẽ làm được. Nhiệm vụ này, nằm trong tầm tay. Còn nếu không nhanh chóng, nếu để những đàn voọc kia bị thu hẹp không gian sống, bị tra tấn bởi tiếng cưa lốc khai thác keo hay cô lập trong những rừng tràm và đi đến nguy cơ biến mất thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ nhìn lại được. Quảng Nam được xem là giới hạn phía Bắc cuối cùng của nước ta có phân bố voọc chà vá chân xám! Và có vẻ như, những khoảnh rừng đã giao khoán cũng là giới hạn cuối cùng trong hành lang bảo vệ cho ngôi nhà của chúng!

"Rừng keo sẽ dần đần được thay thế bằng cây bản địa, vừa đảm bảo tính liên hoàn đồng thời trở thành nguồn thức ăn cho voọc. Ngôi nhà của chúng sẽ được kéo dài, kết nối lên rừng phòng hộ Phú Ninh, nơi cũng đang có nhiều đàn voọc khác sinh sống. Đây là việc làm cần thiết trước mắt cho quá trình kéo dài hàng trăm năm sau chứ không đơn thuần là giải pháp tình thế. Để nhiệm vụ bảo vệ, quản lý rừng gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng của rừng, không ai phù hợp hơn với người dân bản địa", ông Thanh cho hay.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_193661_-chuoc-rung-cho-vooc.aspx